Trong thời đại của những nỗ lực vượt bậc trong việc đặt quyền bình đẳng giữa hai giới đã gặt hái được không ít tiến bộ thì thực tế không thể phủ nhận được rằng, dưới các triều đại phong kiến thuở xưa, phụ nữ vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội.
Một trong những minh hoạ sống động nhất về người phụ nữ minh chứng cho điều đó không thể không nhắc đến Hoàng hậu Myeongseong, còn gọi là Hoàng hậu Min của Triều Tiên. Hoàng hậu Min là người phụ nữ dám vượt mặt cánh mày râu trong một xã hội bị tư tưởng Khổng giáo chi phối khá nặng nề.
Và cho đến ngày hôm nay, phần lớn người dân Liên Triều (Triều Tiên và Hàn Quốc) vẫn một lòng sùng kính Hoàng hậu Min bởi bà là người phụ nữ bằng tài năng tuyệt vời và lòng quả cảm đã giải phóng Triều Tiên thoát khỏi ách đô hộ của Thiên hoàng Nhật Bản.
Đại tiểu thư Myeongseong một bước trở thành vợ của Vua Gojong
Vị Hoàng hậu tương lai của đất nước Triều Tiên đã chào đời vào ngày 19/10/1851 trong gia đình quý tộc Min (vì lẽ đó nàng còn được gọi là Hoàng hậu Min).
Năm lên 8 tuổi, cô gái bé nhỏ Myeongseong trở thành trẻ mồ côi, nhưng trong cái bất hạnh lại có sự may mắn tột bậc về duyên phận của nàng sau này khi Hoàng đế Gojong tương lai của Triều Tiên đang ngong ngóng tìm một người vợ (lúc đó Hoàng tử Gojong mới 15 tuổi).
Hoàng hậu Myeongseong (hay tên thường gọi là Min), người phụ nữ uy quyền
cùng chồng thống nhất Triều Tiên khỏi ách đô hộ của Nhật Bản.
Sở dĩ nàng Myeongseong lọt vào “mắt xanh” của Hoàng tử Gojong là bởi vì nàng không có nhiều người thân, chính là một cơ hội tuyệt vời khi Hoàng đế tương lai không còn phải lấn cấn lo lắng vì nạn tham nhũng, lộng quyền từ phía họ hàng nhà vợ, và có thể gây ảnh hưởng không tốt cho triều đình Triều Tiên như hiện tượng tranh đoạt quyền bính vẫn đang xảy ra ở Hoàng gia Trung Hoa.
Tiểu thư Myeongseong có một nền học vấn trung bình, chẳng có thành tích nào đáng nổi bật nhưng nàng là người có óc thẩm mỹ và rất xinh đẹp.
Xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt và một sức khoẻ tràn đầy, sung mãn, nàng chính là người có thể sinh nhiều con cháu nối dựng cơ nghiệp thiên thu cho Hoàng đế Gojong.
Năm tiểu thư Myeongseong tròn 16 tuổi trăng rằm và sau một thời gian dài tuyển chọn chán chê, cuối cùng Vua Gojong đã quyết định cưới nàng.
Đó là một đám cưới linh đình với nhiều lễ vật thượng hạng được các quan lại triều cống, bản thân Vua Gojong và Hoàng hậu Myeongseong sánh vai hạnh phúc bên nhau. Đám cưới diễn ra vào ngày 20/3/1866.
Ngay từ những ngày đầu đặt chân vào cung cấm, sống đời vợ chồng với Vua Gojong, Hoàng hậu Min đã tỏ ra là một người quyết đoán, thông minh, nhanh nhạy chứ không chỉ đơn giản chỉ là “bức tường hoa di động”.
Nàng là người rất kiệm lời, đạm bạc và không có thời gian phù phiếm lãng phí như các bà hoàng khác, cũng hiếm khi tổ chức tiệc tùng linh đình hay tán gẫu mất thời gian với các thành phần quý tộc khác.
Có 3 vấn đề mà Hoàng hậu Min tỏ ra hết sức quan tâm là chính trị, số phận của chế độ quân chủ và dân tộc Triều Tiên.
Thời kỳ đó, sức mạnh của Hoàng gia Trung Hoa đã suy giảm, Triều Tiên đối mặt với sức mạnh đang lên của Thiên hoàng Nhật Bản và đế quốc Nga khi hai đế quốc này đang nhòm ngó đến xứ sở Triều Tiên ở vùng Thái Bình Dương.
Lo ngại tương lai về sự xâm lăng của ngoại bang, cùng với Hoàng đế Gojong, Hoàng hậu Min đã chú tâm nghiên cứu về chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế, chính trị… điều được xem là hoàn toàn không phù hợp với một người phụ nữ bình thường.
Dù bị Hoàng gia để ý và xét nét tới lui, Hoàng hậu Min không nản chí mà còn để tâm nghiên cứu về khoa học, triết học và tôn giáo, tỏ rõ một vị Hoàng hậu học thức hơn người thường.
Tại triều đình, quan nhiếp chính Daewongun tỏ ra đặc biệt khó chịu trước tham vọng và niềm đam mê nghiên cứu của Hoàng hậu Min. Không nản chí, Hoàng hậu Min đã tiếp xúc với các quần thần, tạo thành một vòng cương tỏa sức mạnh và ủng hộ khả năng trị nước cùng với Hoàng đế Gojong, đồng thời đẩy lùi định kiến của quan Daewongun.
Dù đời sống chồng vợ khá hạnh phúc nhưng Hoàng hậu Min cũng nhiều đêm khóc thầm sau khi Hoàng tử đầu tiên chào đời không lâu đã tạ thế. Nhân đó, quan Daewongun đã nói với vua Gojong rằng Hoàng hậu Min không có khả năng để sinh tiếp cho nhà vua một hoàng nam.
Bị sức ép của triều thần, Hoàng đế Gojong bất đắc dĩ phải cưới thêm một thê thiếp theo lời của quan Daewongun, người quý phi này sau đó đã hạ sinh cho nhà vua một hoàng nam khoẻ mạnh. Ở thời kỳ đầu, Hoàng đế Gojong tỏ ra sủng ái vị quý phi đã sinh cho ngài một hoàng nam.
Khi Hoàng đế Gojong được 22 tuổi, theo quy ước của triều đình, dù muốn dù không, quan nhiếp chính Daewongun buộc phải cáo lão về hưu. Thoát khỏi vòng kiểm soát của Daewongun, cả nhà vua và hoàng hậu lại quay về với nhau, sau đó Hoàng hậu Min thụ thai và sinh ra một hoàng tử kháu khỉnh.
Từ lúc có con chính thức với vua Gojong, quyền uy của Hoàng hậu Min càng được nâng cao. Nàng cùng với chồng cùng hiện diện trên ngai vàng trước bá quan văn võ, cùng lắng nghe và phán quyết những sự vụ quan trọng của đất nước.Thậm chí, Hoàng hậu Min còn tỏ ra quan tâm đến tình hình vương quốc và thế giới nhiều hơn chồng.
Hy sinh cho đất nước vì một vương quốc Triều Tiên trường tồn
Hoàng đế Triều Tiên Gojong và Hoàng hậu Min.
Bị tranh chấp về quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản với vương quốc Triều Tiên, sau nhiều lần thương lượng bất thành, Thiên hoàng Nhật Bản đã tức tốc phái đi một lực lượng hải quân hùng hậu nhằm thúc ép vương quốc Triều Tiên phải mở các hải cảng để quan hệ làm ăn với họ.
Bị choáng ngợp trước sức mạnh của quân đội Nhật Bản, triều đình Triều Tiên đã nhượng bộ bằng cách bắt tay làm ăn với Nhật Bản, đồng thời cho phép người Nhật mua điền thổ ở Triều Tiên.
Dưới sự nhượng bộ của triều đình Triều Tiên, nền kinh tế của nhà nước bị đình đốn do giới thương nhân trong nước không sao cạnh tranh nổi với thương nhân Nhật Bản, từ đó nền kinh tế bị suy giảm, đời sống của bá tánh trăm họ bị ảnh hưởng nặng nề.
Giống như nhiều vị Hoàng hậu khác, Hoàng hậu Min bị sốc khi biết tình cảnh dân tình trăm họ lầm than. Người Triều Tiên từng tự hào bởi những chiến thắng chống ngoại xâm của dân tộc trong quá khứ nhưng giờ đây họ đang phân vân:
Ai là người lãnh đạo đất nước để lập nên một kỳ tích chống ngoại xâm mới? Trong khi các thành phần bảo thủ xem việc chống Nhật và các cường quốc phương Tây là điều không thể vì nó quá nguy hiểm, thì Hoàng hậu Min lại lạc quan muốn hiện đại hoá vương quốc Triều Tiên vốn đã quá lạc hậu.
Sau một chuyến vi hành đến Nhật Bản vào năm 1881, Hoàng hậu Min đã nhận được sự chấp thuận của Hoàng đế Gojong và mạnh dạn tiến hành cải cách đất nước theo cách có một không hai của riêng bà.
Hoàng hậu Min đã âm thầm đấu tranh ngoại giao với các cường quốc Nhật, Trung Quốc và Nga. Bà nghiên cứu sâu sắc về công nghệ phương Tây, đưa ra kế sách hiện đại hoá quân sự và nghiên cứu sâu rộng các mô hình kinh tế phương Tây.
Những thế lực đen tối vẫn âm thầm chống đối kế hoạch cải cách đất nước của Hoàng hậu Min nhưng bằng sự thông minh thiên bẩm của người phụ nữ nhanh nhạy, bà đã phát hiện mọi âm mưu của kẻ thù và giáng trả những đòn thích đáng.
Năm 1882, triều đình Triều Tiên xảy ra một cuộc binh biến quy mô lớn, các đơn vị quân đội hiện đại đã tấn công Hoàng gia và thanh trừng nhiều bạn bè và đồng minh của Hoàng hậu Min.
Quan nhiếp chính Daewongun, mặc dù đã cáo lão về vườn song vẫn không phục tài trị nước của Hoàng hậu Min nên đã bắt tay với bè lũ phản loạn nhằm mục đích lật đổ sự cai trị của vợ chồng nhà vua Gojong.
Tình thế rối ren bởi thù trong giặc ngoài, hai vợ chồng nhà vua buộc phải chạy trốn khỏi hoàng cung, trong khi đó quan nhiếp chính Daewongun tiếp quản hoàng cung Triều Tiên rồi nhanh chóng ban bố lệnh thủ tiêu tất cả các chương trình hiện đại hoá và khẳng định lại các chính sách của chủ nghĩa biệt lập.
Nhưng Trời đã không phụ lòng Người, nhà Thanh đã phái binh lính đến triều đình Triều Tiên (vương quốc Triều Tiên vẫn còn ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng giáo của Trung Quốc). Nhà Thanh ra lệnh bắt giữ cựu quan nhiếp chính Daewongun, giải hắn về Bắc Kinh để xét xử, đồng thời khôi phục lại vương quyền cho Vua và Hoàng hậu Min.
Sau khi được khôi phục quyền lực, Hoàng hậu Min tích cực quan hệ với nhà Thanh nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng của người Nhật tại vương quốc Triều Tiên. Bà cũng đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Mỹ nhằm phấn đấu đưa ngành công nghiệp Triều Tiên vượt mặt Nhật Bản.
Thấu hiểu được tài cầm quyền khôn ngoan của vợ, hai vợ chồng nhà vua càng mến phục lẫn nhau và mối quan hệ vợ chồng càng gắn bó khăng khít hơn.
Nhưng định mệnh đã xảy ra đối với Hoàng hậu Min, ngày 8/10/1895, Hoàng hậu Min bị một thích khách Nhật ám sát ngay khi bà đang ở tại Cung điện Gyeongbokgung. Trong nỗi sầu khổ vì khóc thương nhớ vợ của nhà vua Gojong, Thái tử Sunjong đã đưa vua cha đến trú ẩn tại Đại sứ quán Nga.
Sau khi đẩy lùi ách đô hộ của người Nhật ra khỏi bờ cõi đất nước, Hoàng đế Gojong đã tái khẳng định nền độc lập của vương quốc bằng cách xưng là Hoàng đế của đế quốc Triều Tiên, ngay từ lúc đó, Hoàng hậu Min được biết đến dưới cái tên là Hoàng hậu Myeongseong.
Mặc dù Hoàng hậu Myeongseong đã ngã xuống vì nền độc lập của vương quốc Triều Tiên, song tinh thần quật cường chiến đấu của bà vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ tương lai của Triều Tiên, tinh thần của một vị Hoàng hậu đã làm lay động đến người dân Triều Tiên cả trăm năm sau ngày mất của bà.
Phunutoday