Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Kiến thức giới thiệu 10 nữ danh nhân mà tên tuổi gắn liền với lịch sử dân tộc và mang tầm thế giới.
Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng là tên gọi chung của Trưng Trắc và Trưng Nhị. Riêng Trưng Trắc được sách Đại Việt sử ký toàn thư coi là một vị vua trong lịch sử Việt Nam. Dù triều đại của bà chỉ ngắn ngủi 3 năm, nhưng đã mở ra kỷ nguyên độc lập đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Sử sách chép rằng, Hai Bà Trưng là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh và bà Man Thiện (cháu chắt bên ngoại của Vua Hùng). Năm 40 thời Bắc thuộc, Thái Thú Tô Định bắt giết ông Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc và đàn áp dân Lạc Việt. Hành vi bạo ngược đó không làm cho Trưng Trắc sờn lòng, mà trái lại làm cho bà và em gái Trưng Nhị quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ, rửa nợ nước, trả thù nhà, dựng lại cơ nghiệp xưa của các vua Hùng.
Vào mùa xuân, tháng hai năm Kiến Vũ thứ 16, tức là khoảng tháng ba năm 40 đầu Công nguyên, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Trưng Trắc và Trưng Nhị đã chiêu tụ được anh hùng hào kiệt bốn phương, trong đó phần lớn là nữ giới: Ả Tắc, Ả Dị, Bát Nàn công chúa (xinh đẹp lại giỏi võ nghệ), Lê Chân (khỏe mạnh, xinh đẹp, giỏi võ), Thành Thiên công chúa (mộ quân chiến đấu, đem quân về hội với Hai Bà Trưng), Thiều Hoa công chúa (ngày đêm luyện tập võ nghệ, tập hợp trai gái trong làng, bày trò đánh phết để tăng thêm sức khỏe và sự nhanh nhẹn), Lê Thị Hoa (mộ quân rồi về hội quân với Trưng Trắc, Trưng Nhị), nàng Quốc… Tất cả hào khí ngút trời, đã đánh đuổi Tô Định, đoạt 65 thành và 4 quận. Nền độc lập được phục hồi. Trưng Trắc được suy tôn làm vua, xưng là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh.
Tuy nhiên, 3 năm sau đó, quân Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đã kéo sang xâm lược nước ta. Trước sức mạnh của địch, vì không muốn chịu khuất phục, hai Bà đã gieo mình xuống dòng Hát Giang tự tận (tháng 5 năm 43). Song, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã mở đường tiên phong cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào các thế kỷ tiếp đó.
Về Hai Bà Trưng, sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”. Còn sử nhà Hán cũng phải công nhận rằng, bà Trưng Trắc là người “rất hùng dũng, có can đảm và dũng lược”.
Hiện nay, có nhiều đền thờ Hai Bà Trưng và ngày lễ hội kỷ niệm hàng năm vào mồng 6 tháng hai âm lịch.
Bà Triệu
Bà Triệu, còn được gọi là Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, sinh năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).
Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Bà Triệu là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh Biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới”.
Theo truyền thuyết và thần tích, năm 19 tuổi, Triệu Thị Trinh và anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp nghĩa quân, lập căn cứ ở Phú Điền (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Lúc đó, vì lo cho em gái, Triệu Quốc Đạt có ý can ngăn, bà Triệu đã có câu trả lời đầy chí khí: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
Cảm phục ý chí của Triệu Thị Trinh, dân chúng Cửu Chân theo phục bà rất đông. Năm 248, nghĩa quân bắt đầu tấn công quân Ngô. Lúc đó, được tôn bà là Nhụy Kiều tướng quân, Bà Triệu ra trận, cưỡi voi mặc giáp vàng trông rất oai phong, khiến quân Ngô phải khiếp sợ; thứ sử Giao Châu phải bỏ thành chạy trốn… Vua Ngô hay tin cuộc khởi nghĩa lan nhanh, đã phái viên tướng đầy kinh nghiệm trận mạc là Lục Dận chỉ huy 8.000 quân tinh nhuệ sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Bà Triệu kiên cường chiến đấu, nhưng 6 tháng sau, vì có kẻ phản bội, nghĩa quân bị bất lợi. Bà giao binh cho ba tướng họ Lý, rồi lên núi Tùng (xã Triệu Lộc) tự vẫn ở 23 tuổi.
Hiện nay, có đền thờ Bà Triệu trên núi Gai (núi Ải), làng Phú Điền (Thanh Hóa) và lễ hội kỷ niệm vào ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Nguyên phi Ỷ Lan
Ỷ Lan (1044?–1117) là vợ Vua Lý Thánh Tông, mẹ của Vua Lý Nhân Tông và đồng thời là một trong những nữ danh nhân có tài trị nước của triều Lý và của dân tộc.
Bà tên thật là Lê Thị Yến, cũng có sách ghi Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết. Tương truyền, bà đứng tựa gốc lan trong khi mọi người trong làng nô nức ra xem đoàn xa giá của Vua Lý Thánh Tông đi qua. Vì cảm sắc đẹp và thái độ dửng dưng lạ lùng của bà, nhà vua bèn tuyển về cung làm Ỷ Lan phu nhân, rồi sau này là Ỷ Lan Nguyên phi và Ỷ Lan Hoàng thái hậu.
Theo sử cũ, khác với các mỹ nhân chốn cung cấm, Ỷ Lan không lấy việc chau chuốt nhan sắc mong chiếm được tình yêu của vua, mà quan tâm đến hết thảy mọi công việc trong triều đình. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách nên chỉ trong một thời gian ngắn, đã có sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt, trở thành người “nổi danh tài sắc”, khiến triều thần vô cùng bái phục.
Năm Kỷ Dậu (1069), Vua Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân đi đánh phương Nam, đã trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Lúc này, nói về tài điều khiển chính sự của bà, sử sách có đoạn chép: Từ ngoài biên ải, Vua Lý Thánh Tông đánh trận lâu ngày không thắng, chán nản rút quân quay về. Về chưa đến nơi, nghe dân chúng Châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Hưng) ca ngợi Nguyên phi ở nhà trị nước rất giỏi, lòng dân cảm hóa, được suy tôn là bà Quan Âm, nhà vua đã tự trách mình: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao!”. Vua lại tiếp tục trở ra đánh giặc, lần này thắng lớn…
Ỷ Lan rất chăm lo đến việc mở mang dân trí, thi cử học hành. Bà ban hành nhiều chính sách tiến bộ như chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu bò. Bà cũng có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý , mà đến nay mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu văn học đã xếp Ỷ Lan Nguyên phi vào hàng tác gia văn học thời Lý - Trần.
Hiện nay, ngoài đề thờ Ỷ Lan Nguyên phi ở xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội), ở đền Gềnh (xã Như Quỳnh) cũng đã khôi phục lại đền thờ bà sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá.
(còn nữa)
Kiến thức