11 giờ 21 tòa tạm nghỉ. Đến chiều sẽ tiếp tục
Lúc 10 giờ 48 phút đến phần luật sư thẩm vấn bị cáo Trần Thúy Liễu:
Theo bà Liễu lúc đó bà Liễu có run khi đốt. Nhưng luật sư đã hỏi "Không thể nói bị cáo run khi đốt mà còn nhớ khai trong là cất hộp quẹt trong túi quần bên nào được"
Bà Liễu khẳng định không gọi cho ông Tâm sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt cháy.Chỉ gọi cho em mình sau khi vụ cháy xảy ra. Luật sư hỏi vậy sao có đến 30 cuộc gọi từ máy của bị cáo cho ông Tâm thì luật sư bào chữa cho bị cáo hỏi "xin luật sư cho biết trích trong bút lục nào" đã bị luật sư bảo vệ quyền lội hợp pháp cho bị hại phản bác không nhất thiết phải trích bút lục.
Ông Mến, cha bà Thúy Liễu khẳng định ông và nhân chứng Nghĩa là hai người chạy đến hiện trường đầu tiên, sau đó mới đến Nguyễn Công Anh.
Vợ ông Tâm khẳng định sau khi vụ án xảy ra, biết được mối quan hệ giữa hai người nên đã đập nát điện thoại vì tức quá.
Ông Sữa khẳng định với VKSND Long An: Lúc nhảy qua thì thấy Hoàng Hùng đang trong nhà tắm, xuống đất thì thấy nhiều người đã tham gia giải cưú cho anh Hùng
10 giờ 16 phút: Tòa thẩm vấn bà nguyễn Thị Kim Nga - mẹ nhà báo Hoàng Hùng:
- Bà có yêu cầu gì về xử lý trong tòa không?
Theo mẹ nhà báo Hoàng Hùng, "dù có đánh gì đi chăng nữa thì con Liễu cũng không thể giết chồng. Chắc là phải có có ai đồng phạm với nó. Không bao giờ có người đàn bà nào làm được như vậy hết. Tội nó làm thì nó chịu.
"Nhưng con ơi cũng là phận phụ nữ nếu con có dại dột gì ai có ai xúi biểu, đồng phạm với con thì con khai ra đi" - bà nhắn gửi với con dâu tại tòa.
Bà Liễu khóc ngất trong lúc mẹ chồng được thẩm vấn. Nhiều người dự khán cũng khóc khi nghe mẹ nhà báo Hoàng Hùng lên tiếng đòi công bằng cho con mình.
Trước đó, lúc 9 giờ 40 tòa bắt đầu phần thẩm vấn ông Nguyễn Văn Tâm.
- Tại phiên tòa bị cáo khai có quan hệ với anh? Từ khi nào?
- Dạ từ năm 2008.
- Quan hệ như vậy anh Hùng biết không?
- Dạ không.
Ông Tâm khẳng định không có nhận được lá thư nào hết.
- Tòa thẩm vấn cháu Lê Hồng Nhung (con gái lớn của nhà báo Hoàng Hùng):
- Mẹ bị cáo có kêu đi đưa thư cho ông Tâm không?
- Dạ có.
- Biết nội dung không. Dạ biết.
- Nội dung sao?
- Dạ nói là “Em không có khai đâu”. Lúc ba nằm bệnh viện thì bác Tâm đến nhà hỏi.
Tòa thẩm vấn em gái ông Tâm - bà Nguyễn Thị Nhiệm:
- Chị có nhận thư không?
- Dạ có. Tôi coi xong rồi đốt chứ không có đưa cho anh Tâm
Tòa quay sang bị cáo Liễu:
- Bị cáo xác nhận lời khai của anh em ông Tâm đúng không?
- Dạ đúng.
- Trong thời gian xảy ra anh Tâm có liên lạc bằng cách nhắn tin và điện thoại cho bị cáo Liễu không?
- Dạ có, chỉ nhắn tin hỏi thăm về sức khỏe thôi.
- Có lần nào đến nhà Liễu không?
-Dạ khi vụ án xảy ra khoảng hai ba ngày thì có đến nhà Liễu để hỏi thăm và động viên Liễu. Tôi có nói “Mình không làm thì việc gì phải sợ?”
- Trong thư gởi ông Tâm, bị cáo có nói là “Không sao đâu, để cơ quan điều tra hướng khác?”
- Dạ anh Tâm hỏi bị cáo là điều tra biết ai chưa, tới đâu rồi thì bị cáo mới nói vậy
Nhân chứng Nghĩa khai:
"Lúc đó tôi đang làm công trình ở gần nhà anh Hùng, tôi không nhớ cửa đóng hay mở? Lúc tôi chạy vào thì nghe có ai đó kêu “Đưa nước”, tôi và Nguyễn Công Anh đem nước lên lầu".
Lần thứ hai cửa đã mở chưa? – tòa hỏi.
- Dạ rồi.
- Khi vô thì có ai trong nhà bà Liễu không? Dạ không thấy gì, chỉ nghe bé Châu, bé Nhung gì đó kêu cứu.
Tòa hỏi gì nhân chứng Nghĩa cũng nói không biết. Nhiều người ngồi phía dưới phẫn nộ: “Nhân chứng gì mà ra tòa hỏi cái gì cũng không biết, không nhớ hết ráo, vậy thì ở nhà mẹ nó cho rồi”.
Tòa hỏi bà Trần Thúy Loan: Chị có biết mối quan hệ của ông Tâm và bà Liễu không?.
- Dạ, chỉ biết sơ sơ, còn xa hơn nữa thì không biết.
- Vậy có biết Liễu đi đánh bài không?
- Dạ có biết. Có lần tôi gặp Tâm nói tôi khuyên nók hông được mong Tâm nói giùm cho sửa bớt.
- Vậy chị Loan có khi nào đi Campuchia đánh bài không?
- Dạ có chút chút.
Lúc 9 giờ 10 phút:
Chủ tọa thẩm vấn bị cáo Liễu:
- Sau khi chở Nhung (con gái lớn của nhà báo Hoàng Hùng - PV) đi rồi thì bị cáo có đi đâu không?
- Dạ bị cáo có đi uống nước với ông Nguyễn Văn Tâm để ổng trả tiền khăn cho bị cáo.
- Uống nước rồi có ai nữa không?
- Dạ không. Đi uống nước với Tâm chớ không có bàn bạc gì hết. Đến 9 giờ thì đi rước Hồng Châu (con gái nhỏ của nhà báo Hoàng Hùng - PV). Khoảng 9 giờ mấy về nhà bị cáo không nhớ rõ. Về đến nhà thì ăn cơm, sinh hoạt rồi dẫn hai cháu lên lầu. Lúc đó Hoàng Hùng đang xem truyền hình.
Theo bị cáo Thúy Liễu, do bị chồng đánh "nên muốn hù dọa cho anh Hùng không đánh đập nữa".
- Hù dọa bằng cách nào?, tòa hỏi.
- Dạ bị cáo dùng xăng. Bị cáo lấy xăng bỏ vào tủ và mua xăng từ ngày hôm trước.
Ngoài việc mua xăng bị cáo còn mua dây dù, bà Liễu khẳng định khoảng 12 m. Ngoài mua dây dù thì bị cáo không có mua gì khác nữa.
Sau khi mua dụng cụ giết chồng, bà Liễu đem xăng và dây dù bỏ trong tủ. Bị cáo đem ban công thắt gút dây dù, bị cáo nhớ khoảng 5 gút trở lên chứ không nhớ chính xác là bao nhiêu.
Bị cáo Liễu khai: "Bị cáo thắt dây dù với mục đích nếu ổng sống thì nghĩ người ngoài hành động chớ không phải bị cáo. Bị cáo hành động như sau: xăng cầm bên phải, báo bên trái. Kẹp tờ báo sau đó bật quẹt đốt tờ báo, quăng bịch xăng vào người anh Hùng rồi quăng tờ báo đang cháy vào người ảnh rồi đi về phòng bị cáo.
Anh Hùng chạy đến cửa phòng bị cáo la lên “cứu cứu”. Thưa quý tòa, anh Hùng la lên cứu cứu cái gì đó bị cáo không biết. Bị cáo cởi quần anh Hùng rồi đẩy vào nhà tắm rồi tưới nước. Anh Sữa lúc này cũng chạy qua luôn".
Chủ tọa hỏi: "Ngoài bị cáo ra thì còn ai tham gia vụ án nữa không?”.
Bà Liễu nghẹn ngào nói: "Dạ không”.
Chữ “dạ” kéo dài...
- Bị cáo đốt chồng vì lý do gì?
- Dạ chỉ là mâu thuẫn gia đình thôi tòa.
- Mâu thuẫn gì mà bị cáo đốt dữ?
- Dạ bị cáo không biết sao mà chồng không nói chuyện với bị cáo ngọt ngào và đánh đập vô cớ.
- Lý do gì chồng mới đánh đập chứ, chứ không ai tự nhiên đánh?
- Dạ ảnh bịnh trong người nên cáu gắt với vợ con.
- Bị cáo nói anh Hùng ghen, đánh bị cáo nhiều lần, cụ thể là bao nhiêu lần?
- Dạ tuần đánh ba lần, đánh lúc con đi học. Đánh bằng tay, và một lần bằng cây. Đánh lần sau cùng thì cổ bị cáo đau.
- Bị cáo có trình bày với người thân là bị đánh không?
- Dạ, gia đình biết nhưng cũng không giải quyết được gì. Bị cáo có đi chơi với gia đình sang Campuchia chơi đánh bài dạng 3 lá, khoảng hai mươi mấy lần.
- Tại sao chồng bị cáo là công nhân viên chức nhà nước, bị cáo lại đốt tiền vào sòng bài là sao? Thấy mình sai không?
- Dạ sao tòa?
- Thấy sai chưa?
- Dạ sai.
- Bị cáo có nghĩ là xăng tạt vào người thì có khả năng chết người không? Trong khi anh Hùng nằm ở nệm thì có thể cháy nệm và cháy người không?
- Dạ bị cáo chỉ dọa thôi.
- Bị cáo có nghĩ xăng đốt nhiều có chết không?
- Dạ chết
- Bị cáo có nợ nần gì ai không?
- Dạ nợ nần hai vợ chồng đều biết, khoảng mấy trăm triệu nhưng đóng lãi lên đến một tỉ.
- Bị cáo đòi bán nhà, anh Hùng nói chờ giá lên rồi bán. Từ chuyện này hai vợ chồng cãi nhau. Ngoài nợ chung bị cáo còn nợ riêng.
- Bị cáo nghĩ sao mà chồng cực khổ còn bị cáo lại cờ bạc. Theo bị cáo khai đánh bạc ở Campuchia từ 300 đến 500 (không nói là tiền Việt hay đô la), khoảng hai mươi mấy lần có đúng không?
- Dạ đúng.
- Việc bị cáo đầu thú có ai ép không?
- Dạ không, đó là tự nguyện vì bị cáo nghĩ đã sai nên ra trình báo để hưởng khoan hồng.
Hàng trăm người dân bám trên các bờ tường cố lắng nghe phiên xử
Đến tòa để nhìn cho rõ mặt ông Tâm, bà Liễu Phòng xử chật ních, ồn ào, âm thanh nghe không rõ, không màn hình theo dõi, người dân chen lấn vào xem, nhiều người không chen được vào phòng xử đành đu người bên cửa sổ để theo dõi phiên tòa. Bên ngoài cổng rào Tòa án, hàng chục người đứng ngoài, bức xúc vì không thể theo dõi phiên tòa. Cầm tờ Báo Người Lao Động trên tay, anh Phan Thanh Bình, ngụ phường 1, TP Tân An, bức xúc, nói: Tòa không bố trí màn hình bên ngoài, âm thanh quá nhỏ, phòng xử lại quá chật nên rất nhiều người không thể theo dõi trực tiếp phiên tòa, xem tòa xử thế nào. Tôi muốn trực tiếp vào phòng xử để nghe rõ động cơ nào bà Liễu giết chồng. Kiểu này giống như xử kín chứ không phải công khai! Cùng lúc, có rất nhiều người dân cũng từ tòa bước ra với dáng vẻ thất vọng vì bỏ việc cả ngày để xem phiên xử nhưng không được như ý muốn. May mắn lọt vào phòng xử, bà Trần Thị Ngọc Phượng, ngụ TP Tân An, hồi hộp cho biết: Tôi sẽ dõi theo phiên tòa cho đến khi kết thúc vì tôi theo vụ án này lâu lắm rồi và quan trọng là vụ án còn nhiều điểm gút, nếu tòa xử không công minh có thể bỏ lọt người, lọt tội. Không thể vô phòng xử, nhưng cụ Nguyễn Văn Vui, 80 tuổi, ngụ phường, TP Tân An, vẫn kiên nhẫn ngồi bên hành lang để chờ kết quả. Cụ An cho biết đã có mặt tại tòa từ 5 giờ sáng “Tôi phải theo dõi đến cùng để về nhà kể lại cho con cháu nghe”, cụ nói. “Tôi thấy bất bình vì ông Tâm không liên can đến vụ án trong khi ông Tâm rành rành quan hệ với Liễu, chụp hình, chụp ảnh, trao đổi thông tin ngay khi vụ án xảy ra, thậm chí Tâm quan hệ bất chính với Liễu nhưng cũng không liên can đến vụ án… Rồi mấy trăm cuộc gọi giữa ông Tâm và Liễu nhưng công an cũng bỏ qua. Phải lôi cho được sự thật ra ánh sáng”, cụ Vui bày tỏ. Tương tự, cụ Lê Ngọc Sanh, 82 tuổi, 7 giờ sáng đạp xe qua tòa án để nghe xét xử, cũng cho biết: Nói ông Tâm không liên quan đến vụ án là không đúng, ông Tâm biết bà Liễu phạm tội mà không khai là che giấu tội phạm. Tôi mong đợi phiên tòa xét xử thật công minh. Bà Cúc (đường Huỳnh Văn Gấm, chợ phường 2, TP Tân An) liên tục đi qua đi lại ở hành lang chờ đến giờ xét xử, với gương mặt căng thẳng vì bà theo dõi vụ án này cả năm qua nên mong muốn nó sớm kết thúc. Bà Cúc bức xúc nói: Nếu ông Tâm không có gì với Liễu, tại sao lại thư qua tin lại thường xuyên trước và sau khi xảy ra vụ án, người bình thường cũng thừa biết là họ quan hệ trên mức bình thường mới hành xử như vậy. Tôi nghĩ một mình Liễu không thể ra tay giết chồng dễ dàng như vậy. "Thông tin mà một số báo nêu có sự mâu thuẫn, ban đầu nói chỉ có người đàn ông đến tiệm tạp hóa mua sợi dây dù nhưng sau đó lại nói có thêm người phụ nữ. Điều này cho thấy, nhiều tình tiết còn trong bóng tối, cần phải được làm rõ. Nghe đâu, tòa sẽ xử 18 đến 20 năm chứ không phải chung thân, như vậy thật không tương xứng với hành vi phạm tội của Liễu’, bà Cúc nói thêm. Không chỉ những người thường xuyên theo dõi vụ án đến dự phiên tòa mà còn có rất nhiều người dân chỉ nghe qua lời kể cũng tranh thủ đến để nghe thực hư và nhìn mặt bà Liễu, ông Tâm. Có lẽ người lớn tuổi và đặc biệt nhất đến tham dự phiên tòa này là cụ Hồ Thị Tư, 95 tuổi. Dù không thể đi đứng và bị điếc, nhưng nghe mọi người trong xóm xôn xao bàn tán, cụ yêu cầu con gái đẩy xe lăn từ 7 giờ sáng đến tòa để nghe xử án. Hai chị em Nguyễn Thị Kim Giàu, 12 tuổi, cũng bỏ lỡ một buổi bán vé số để có mặt tại tòa. Theo Giàu, em đến đây để nhìn mặt bà Liễu và nghe xử án, nếu vé số bán không hết sẽ trả lại đại lý, chứ một vụ án vợ đốt chồng tày đình như vậy sao không đi dự cho được. |
Trước đó, bị cáo Trần Thúy Liễu được chở đến TAND tỉnh Long An từ sáng sớm. Tuy nhiên, vì sức khỏe không tốt nên được các nhân viên y tế chăm sóc chu đáo. Khi được dẫn xuống sân tòa, bị cáo bật khóc nức nở và ngã quỵ xuống ghế.
Phải mất hơn 20 phút để cảnh sát dẫn giải, nữ nhân viên y tế trấn an, chăm sóc bị cáo Liễu. Bị cáo Liễu được chủ tọa cho phép ngồi trả lời thẩm vấn. Trong phần thẩm tra lý lịch, bị cáo Liễu nất nghẹn và trả lời đứt quãng.
Chủ tọa phiên tòa tuyên bố có chính thức 42 phóng viên từ nhiều cơ quan báo đài đăng ký tham gia phiên xử.
Bắt đầu từ 8 giờ sáng nay, 29-3, TAND tỉnh Long An mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Thúy Liễu - vợ cố nhà báo Hoàng Hùng (Báo Người Lao Động) - can tội tội giết người.
Tòa bắt đầu bằng phần phần thẩm vấn nhân thân bị cáo Trần Thúy Liễu.
Tiếp đó, tòa thẩm phấn phần nhân thân của bà Nguyễn Thị Kim Nga, Lê Hồng Nhung, người đại diện của cháu Lê Hồng Châu, Nguyễn Thị Nhiệm, Nguyễn Văn Sữa, ông Trần Văn Lớn, Trần Trọng Nghĩa.
Lúc 8 giờ 50:
Đại diện viện kiểm sát đọc cáo trạng truy tố bị cáo Trần Thúy Liễu.
Theo cáo trạng: Lê Hoàng Hùng (SN 1960) và vợ là Trần Thúy Liễu (SN 1971) trú tại Đường số 8, Khu dân cư Đại Dương, phường 6, TP Tân An-Long An, có 2 con gái là Lê Hồng Nhung (SN 1992) và Lê Hồng Châu (SN 1998). Đến năm 2005, tình cảm vợ chồng rạn nứt do Liễu có quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Văn Tâm trú cùng phường.
Đến năm 2010 mâu thuẫn ngày càng trầm trọng hơn khi Liễu cùng Tâm và người thân trong gia đình thường sang Campuchia đánh bạc và Hoàng Hùng phát hiện vợ có quan hệ tình dục với người tình nên thường ghen và đánh vợ. Liễu đánh bạc và vay nợ nhiều người nên thường kiếm chuyện gây gổ và đòi bán nhà nhưng Hùng không đồng ý dẫn đến việc Liễu tức giận, nảy sinh ý định dùng xăng đốt chồng.
7 giờ 30 ngày 17-1-2011 sau khi đưa con đi học xong Liễu đến tiệm tạp hóa của chị Đặng Thị Nguyệt Sương (số 177, Quốc lộ 62) mua 12m dây dù và xin một bọc trắng đến trạm xăng dầu (số 74, Quốc lộ 1A) mua 20.000 đồng xăng về cất trong tủ quần áo trong phòng ngủ của chồng.
Đến khoảng 9 giờ Liễu lấy dây dù ra, gập đôi dây lại, thắt 6 nút sau đó cột vào thanh sắt ở lan can và cuộn dây dù lại bỏ vào bịch nylon xanh để ở nền gạch ban công trước phòng ngủ của chồng.
Khoảng 22 giờ ngày 18-1-2011 sau khi tự đóng cửa chính tầng trệt xong Hoàng Hùng có ghé sang phòng vợ để xem vợ và 2 con ngủ chưa sau đó ra phòng phía trước ngủ. Lê Hồng Nhung (con gái lớn, SN 1992) nằm với mẹ và em một lúc rồi lên ngủ trên phòng riêng tại tầng 2.
Khoảng 1 giờ ngày 19-1-2011 Liễu ra lan can lầu 1 bỏ dây dù xuống đất rồi vào phòng khách, lấy báo cuộn lại và quẹt ga màu đỏ để sẵn. Liễu đến tủ mở lấy bịch xăng và ngồi xuống tại cửa phòng khách, mở miệng bịch xăng cầm trên tay phải, chân trái kẹp tờ báo, tay trái cầm quẹt ga đốt tờ báo cho cháy, xong đứng dậy ném bịch xăng và tờ báo vào giường chồng rồi đi nhanh về phòng ngủ.
Nghe tiếng kêu cứu, Liễu đẩy vào nhà tắm và dội nước, dập lửa vừa kêu cứu. Lúc này 2 con gái thức giấc và ông Nguyễn Văn Sửa (anh rể Liễu) nhà liền lề leo ban công sang chữa cháy. Nghe tiếng la, ông Trần Văn Mến và anh Trần Trọng Nghĩa chạy đến nhưng không vô được vì cửa chính tầng trệt đã khóa kín.
Hoàng Hùng được đưa vào bệnh viện Long An cấp cứu và chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy điều trị sau đó. Đến ngày 29-1-2011 thì anh tử vong. Ngày 20-2-2011 Trần Thúy Liễu đến cơ quan công an đầu thú khai nhận hành vi giết chồng.
Giám định pháp y cho biết: Hoàng Hùng bị tử vong do choáng nhiễm trùng, nhiễm độc/ bỏng độ II, III 49% diện tích cơ thể.
Tang vật thu giữ gồm: 1 sợi dây dù gấp đôi dài 5,25m; 1 bình nhựa Lavie loại 0,5 lít, 1 bịch mủ màu xanh, 1 quẹt ga màu xanh, 1 quẹt ga màu đỏ, 1 quẹt ga màu vàng, 1 áo thun màu đen ngắn tay, phía trước có hoa văn kim tuyến, 1 quần thun màu đen, trên túi có hoa văn hình lá.
Trong khi thư ký phiên tòa còn đọc cáo trạng hàng trăm người dân đứng bên ngoài phòng xử ùa vào muốn vào bên trong để được xem nhưng đã bị lực lượng công an bên ngoài chặn lại, giữ trật tự.
Hàng trăm người dân đến từ TP Tân An, huyện Tân Trụ và nhiều người tại huyện Bình Chánh-TPHCM đã đến TAND tỉnh Long An từ 6 giờ sáng để giành chỗ ngồi. Bà Trần Tú Anh (SN 1950, ngụ phường 1, TP Tân An, Long An) nóng lòng trước phiên xử "Tui đọc báo nghe nói con Liễu ở tù mập béo nên rất nóng lòng đến xem thử mặt mũi nó tròn, méo ra sao. Loại đàn bà gì mà không biết ân hận, tưởng đâu bi luỵ vì nhớ chồng nhưng nghe báo nói nó mập là ứa gan rồi". Khi bà Liễu được dẫn ra vành móng ngựa, ngồi cạnh chúng tôi, ông Lê Đình Hồng, người dân xã An Nhật Tân, Tân Trụ, Long An bức xúc nói "Sao lúc gây án bà không yếu đuối, mong manh như bây giờ? Bà Liễu khóc vì lý do gì? Vì ân hận ? Hay điều gì đó còn ẩn khúc?"
Mẹ và em trai nhà báo Hoàng Hùng trong phiên xử sáng nay. Ảnh: X.Thảo
Đại diện hợp pháp cho quyền lợi của bên bị hại là bà Nguyễn Thị Kim Nga - mẹ nhà báo Hoàng Hùng. Luật sư Nguyễn Văn Đức - Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông tại TPHCM bảo vệ quyền lợi bên bị hại.
Bào chữa cho bị cáo Trần Thúy Liễu là luật sư Nguyễn Cao Trí và và luật sư Võ Thành Quyết (bào chữa theo yêu cầu của bị can).
Ngoài ra, tòa cũng đã triệu tập 13 người là đại diện bị hại, nhân chứng, người có liên quan, gồm: ông Nguyễn Văn Tâm, nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5 - Chi cục QLTT Long An; bà Nguyễn Thị Nhiệm, em gái ông Tâm; bà Nguyễn Thị Kim Nga; hai cháu Lê Hồng Nhung, Lê Hồng Châu - con gái nhà báo Hoàng Hùng; ông Nguyễn Văn Sữa, anh rể bà Liễu; ông Trần Văn Mến - cha ruột bà Liễu; bà Trần Thúy Nga và bà Trần Thúy Loan - chị ruột bà Liễu; Phạm Tuấn Phước (tên gọi khác là Tuấn, cháu rể bị cáo); ông Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Đặng Thị Nguyệt Sương (người bán dây dù); ông Nguyễn Công Anh, một trong những người đầu tiên đến hiện trường vụ cháy.
Với tội danh giết người, bị cáo Trần Thúy Liễu có thể bị áp dụng khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bên ngoài phòng xử có khoảng 20 cảnh sát làm nhiệm vụ
6 giờ sáng 29-3, trên tất cả các ngã đường dẫn vào trụ sở TAND tỉnh Long An, lực lượng công an đã có mặt để giữ trật tự trên các tuyến đường.
Đồng thời đó, hàng chục người dân đã kéo đến tụ tập trước cổng tòa án để xem phiên tòa xét xử vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng (Báo Người Lao Động) bị sát hại.
Bà Nguyễn Thị Kim Nga, mẹ nhà báo Hoàng Hùng có mặt từ lúc 5 giờ sáng. Bà Nga cho biết cả đêm qua không ngủ được chỉ mong trời sáng đến tòa để nhìn được công lý.
6 giờ 30 sáng,có hơn 10 phóng viên các báo trong và ngoài tỉnh đến đăng ký tác nghiệp. Bên ngoài phòng xử, hơn 20 cảnh sát bảo vệ làm nhiệm vụ.
Người Lao Động