Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Evision Enegry Singapore PTE.LTD (EES - thuộc Tập đoàn Envision Energy) đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị nghiên cứu khảo sát, lắp cột đo gió tại dự án Nhà máy điện gió Tà Năng và Đà Quyn (huyện Đức Trọng). Đồng thời, công ty mong muốn lập hồ sơ bổ sung quy hoạch vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh các dự án nêu trên sau khi có chủ trương, hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Trong đó, Nhà máy điện gió Tà Năng có quy mô công suất 100MW, đặt tại xã Tà Năng và Đà Quyn. Dự án này dự kiến xây dựng trạm biến áp 220kV tại nhà máy điện gió Tà Năng cùng đường dây 220kV dài gần 30km, đấu nối vào trạm biến áp 220kV Đức Trọng.
Evision Enegry Singapore đề nghị đầu tư 2 nhà máy điện gió Tà Năng và Đà Quyn (huyện Đức Trọng), Lâm Đồng.
Nhà máy điện gió Đà Quyn cũng có quy mô công suất 100MW, đặt tại xã Đà Quyn. Giải pháp đấu nối dự kiến xây dựng trạm biến áp 220kV tại nhà máy cùng đường dây 220kV dài khoảng 8,8km, đấu nối vào đường dây 220kV Tuy Hòa - Nhà máy điện gió Tà Năng.
Lâm Đồng là địa phương giàu tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời. Tốc độ gió ở huyện Đức Trọng ổn định, bình quân 7-9m/s. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (tầm nhìn đến năm 2050), tổng công suất tiềm năng được phân bổ về điện gió của khu vực là 2.121MW.
Được biết, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 4 dự án nhà máy điện gió đã được cấp chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Nhà máy điện gió Cầu Đất, Nhà máy điện gió Đức Trọng, Nhà máy điện gió Xuân Trường I và Xuân Trường II. Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương làm chủ đầu tư, quy mô công suất giai đoạn 1 là 68,9MW, giai đoạn 2 là từ 100-300MW, đã hoàn tất các hạng mục đầu tư, hòa lưới điện thành công.
Hiện nay, đề xuất của EES đang được các Sở, Ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, xem xét các yếu tố về quy hoạch, môi trường và khả năng kết nối hạ tầng điện để đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển năng lượng quốc gia và quy hoạch địa phương. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là một trong những dự án điện gió đầu tiên có mặt tại huyện Đức Trọng, mở ra cánh cửa mới cho lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những điểm du lịch hấp dẫn. Được mệnh danh là "xứ sở sương mù" của Việt Nam, địa phương này là nơi lý tưởng để bạn trốn khỏi cái nắng oi bức của mùa hè.
Envision Energy ông lớn điện gió toàn cầu
Envision Energy Singapore Pte. Ltd. là công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Envision Energy – một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ thông minh.
Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại Thượng Hải, Trung Quốc, Envision Energy hiện đang vận hành hàng loạt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Đức, Đan Mạch, Pháp và Anh.
(Ảnh minh họa).
Được thành lập vào năm 2007, Envision đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ năng lượng toàn cầu, đặc biệt nhờ vào việc sản xuất các tua - bin gió thế hệ mới, giải pháp lưu trữ năng lượng và các hệ thống quản lý năng lượng sử dụng trí tuệ nhân tạo. Hãng không chỉ là nhà cung cấp công nghệ, mà còn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển toàn diện chuỗi giá trị của ngành năng lượng sạch.
Năm 2018, Envision lần đầu vươn lên vị trí thứ hai trong ngành sản xuất tua-bin điện gió tại Trung Quốc và dẫn đầu thị trường giải pháp điện gió ngoài khơi.
Theo báo cáo mới nhất từ BloombergNEF, Envision là nhà sản xuất tua-bin gió có công suất lắp đặt mới lớn thứ hai toàn cầu trong năm 2023, với tổng sản lượng đạt 15,4 GW, chỉ đứng sau Goldwind (16,4 GW).
Envision cũng dẫn đầu thế giới về số lượng đơn đặt hàng tua-bin gió trong năm tài chính 2023, đạt tổng công suất lên tới 22 GW, theo hãng phân tích năng lượng Wood Mackenzie.
Ngoài ra, Envision còn đầu tư mạnh vào công nghệ pin lưu trữ năng lượng và hydro xanh – được xem là giải pháp năng lượng của tương lai. Tập đoàn hiện đang hợp tác với nhiều quốc gia trong nỗ lực hiện thực hóa cam kết trung hòa carbon vào giữa thế kỷ 21.
Tại Việt Nam, Envision Energy đã bắt đầu mở rộng hoạt động đầu tư với nhiều dự án quy mô lớn. Ngoài 2 đề xuất tại Lâm Đồng, công ty cũng đang lên kế hoạch triển khai dự án nhà máy điện gió Envision Nam Po tại tỉnh Điện Biên, với tổng công suất lên tới 300 MW.
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 420 triệu USD, dự kiến khởi công từ tháng 6/2025 và hoàn thành vào cuối năm 2026. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 900 triệu kWh điện mỗi năm – một đóng góp đáng kể vào an ninh năng lượng cho khu vực Tây Bắc.
Năm 2021, Envision Energy trúng thầu năm dự án điện gió tại các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Trị, Bạc Liêu và Đắk Nông, với tổng công suất lên đến 412 MW.
Bên cạnh các dự án sản xuất điện, Envision cũng đang hướng đến phát triển các mô hình khu công nghiệp xanh, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tại tỉnh Ninh Thuận, tập đoàn này đã đề xuất phát triển khu công nghiệp Net-Zero, kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ để vận hành bền vững chuỗi sản xuất công nghiệp.
Gần đây, Envision Energy đã đạt được giấy chấp thuận (LOA) cho dự án điện gió ngoài khơi 500 MW tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến mới trong kế hoạch chiến lược của Envision Energy tại Việt Nam, cũng như trên thị trường Đông Nam Á.
Tính đến đầu năm 2025, Envision Energy đã và đang triển khai hoặc đề xuất tổng cộng ít nhất 8 dự án lớn nhỏ tại Việt Nam, với tổng công suất ước đạt 1.212 MW và tổng vốn đầu tư hơn 1,08 tỷ USD.
Tập đoàn này hiện là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt trong mảng điện gió.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)