Cuộc đời đối với phạm nhân mang tên Hòa “đen” đúng là những chuyến đi thật. Người ta vẫn bảo cuộc đời hắn coi như đã bỏ đi vì mới gần 40 tuổi, cái tuổi mà nhiều người như hắn đã là cha, là chú thì mức án mà hắn phải trả còn nhiều hơn so với số tuổi. Ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà, thành tích bất hảo ấy cũng đủ để “những chuyến đi” của hắn được viết thành một cuốn sách, làm gương cho những kẻ coi thường luật pháp.
Chúng tôi vẫn chưa quên câu nói cuối cùng của Hòa “đen” trước khi y bị tuyên phạt thêm một mức án về hành vi trốn khỏi nơi giam giữ: “Tao sẽ còn trốn tiếp”. Kèm theo câu nói ấy là một tràng cười vang vọng vào không gian, lê thê, não nề của một kiếp người lầm lỗi khiến tất cả ai biết hắn đều lắc đầu ngao ngán.
Hơn 30 năm tù khi mới 30 tuổi
Về vụ trốn tù nổi tiếng tại Vĩnh Phúc này, chúng tôi đã lục tìm rất nhiều tư liệu của đồng nghiệp, các cơ quan chức năng và cả việc có mặt tại hai trại giam Vĩnh Quang và trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc để có thể có một cái nhìn đầy đủ về một con người mới hơn 30 tuổi nhưng phạm tội thì quá nhiều.
Phạn nhân Nguyễn Văn Hòa, tức Hòa "đen".
Trước khi đọc hồ sơ của phạm nhân này, các cán bộ quản giáo tại trại giam Vĩnh Quang (trại giam của Tổng cục VIII, Bộ Công an) đã bảo với chúng tôi rằng: “Phạm nhân này sẽ khiến các anh ngạc nhiên đấy”.
Với 5 tiền án, hơn ba mươi năm tù đang gánh trên lưng khi mới ba mươi tuổi, Nguyễn Văn Hòa (tức Hòa “đen”, SN 1980, trú tại phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) thực sự khiến bất kỳ ai đọc hồ sơ cũng giật mình.
Vào thời điểm những năm 1997 ở thị xã Sơn Tây (Hà Tây cũ), nhắc đến cái tên Hòa với biệt danh Hòa “đen”, nhiều anh em trong làng “hai ngón” cũng phải cúi đầu tâm phục khẩu phục.
Học xong lớp 11, khi ấy Hòa chỉ mới 17 tuổi nhưng đã có thâm niên và kinh nghiệm trong những pha trộm cắp ngoạn mục. Cũng thời điểm ấy, khi bạn bè chuẩn bị hành trang bước vào con đường đại học thì Hòa lại chuẩn bị hành trang đi thi hành 24 tháng tù vì tội “trộm cắp tài sản” do Tòa án nhân dân thị xã Sơn Tây xử phạt.
Chấp hành xong bản án này, những tưởng Hòa sẽ ăn năn hối hận làm lại cuộc đời, quay lại con đường lương thiện để ba mẹ hắn yên lòng. Thế nhưng với bản tính “ăn trộm quen tay” lại lười lao động, thích ăn chơi, Hòa tiếp tục quay lại con đường đã đưa hắn vào vòng tù tội.
Không chịu dừng lại ở thành tích trộm cắp tài sản, lần này Hòa đi cướp. Sau một vài phi vụ đầu tiên trót lọt, Hòa “đen” và đàn em bị Công an thị xã Sơn Tây đưa vào tầm ngắm.
Trong một lần mật phục, toàn bộ toán cướp do Hòa “đen” cầm đầu đã bị bắt gọn. Vậy là sau khi mãn hạn tù chưa đầy một năm, Hòa lại “khăn gói” vào khám nằm tiếp 20 năm vì tội trộm cắp tài sản và cướp tài sản do TAND tỉnh Hà Tây xử phạt.
Nằm trong tù với bản án 20 năm tưởng chừng sẽ là mức án phạt nghiêm khắc và cuối cùng dành cho y nhưng hóa ra con số 20 năm là chưa đủ. Bởi trong chính một năm mãn hạn tù ấy, Hòa “đen” còn gây ra hàng loạt các vụ án nghiêm trọng khác. Vì vậy, sau khi vào trại giam, Hòa thường xuyên bị trích xuất đưa đi nhiều nơi xét xử để cộng thêm án.
Năm 2001, Hòa “đen” bị TAND thị xã Bắc Giang (Bắc Giang) tuyên phạt 4 năm tù về “tội trộm cắp tài sản” và tội “chiếm đoạt tiêu hủy tài liệu cơ quan nhà nước”. Năm 2002, hắn tiếp tục bị TAND tỉnh Lạng Sơn xử phạt 4 năm tù về “tội trộm cắp tài sản” xảy ra tại huyện Hữu Lũng mà Hòa là đồng phạm tích cực nhất. Tính đến cuối năm 2002, sau hai bản án tiếp tục bị phạt thêm, Hòa “đen” cõng trên mình mức án 28 năm, mức án chỉ kém các phạm nhân chung thân trong trại giam Vĩnh Quang.
Cuộc đời lầm lỗi chưa dừng lại
Một bản án quá dài đã khiến Hòa có nhiều đêm phờ phạc vì lo sợ nhưng cảm giác đó ở gã trai này gần như trôi qua rất nhanh.Hòa “đen” nghĩ rằng, nếu mình ở tù sẽ “mọt gông”, chưa biết khi nào có thể trở về được nên trong quá trình bị giam giữ tại Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), Hòa đã tìm cách “vượt ngục” nhưng không thành.
Âm mưu bị phát giác và Hòa tiếp tục phải trả giá cho hành vi trốn trại của mình. Sau phiên tòa của TAND TP. Hải Phòng, Hòa bị tuyên phạt thêm 3 năm tù về “tội trốn khỏi nơi giam giữ”.
Các cán bộ trại giam Xuân Nguyên cho rằng, nếu giam giữ Hòa tại đây, rất có thể y sẽ lại tìm cách trốn trại nên đã đề nghị chuyển phạm nhân bất hảo này lên một trại giam vùng cao hoặc có điều kiện giám sát chặt chẽ hơn.
Chấp nhận đề nghị này của trại giam Xuân Nguyên, lãnh đạo Tổng cục VIII phê chuẩn quyết định chuyển phạm nhân Nguyễn Văn Hòa về Trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc) để tiếp tục thi hành bốn bản án với tổng cộng 31 năm tù.
Đi tù nhiều hơn những chuyến đi ngoài đời của mình, Hòa từng nói với nhiều phạm nhân khác rằng, cuộc đời của hắn quá chua chát và bi thảm. Ấy là hắn nói vậy nhưng kỳ thực Hòa vẫn chưa từ bỏ những ý định trong đầu mình, đó là trốn tù. Suy nghĩ này luôn thường trực trong đầu hắn, kể cả khi hắn biết rằng, nếu hắn trốn tù thất bại, bản án mà hắn đang phải gánh sẽ tiếp tục nối dài thêm nữa.
Trong quá trình giam giữ tại buồng giam khu 1, phân trại số 1 Trại giam Vĩnh Quang, Hòa được nhốt cùng với hơn 60 phạm nhân khác nên hắn nhanh chóng bắt chuyện được với Nông Đức Hạnh (SN 1979, ở Đồng Yên, Bắc Quang, Hà Giang) bị xử phạt mức án chung thân về tội “Giết người” và Nguyễn Minh (SN 1973, ở Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội) bị xử phạt chung thân cũng về tội “Giết người” và 4 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”.
Mặc dù đã phải trả giá cho hành vi trốn trại một lần ở trại giam Xuân Nguyên nhưng xem chừng đối với Hòa như thế vẫn chưa thấm tháp gì. Y vẫn nuôi ý định trốn khỏi nơi giam nên đầu tháng 7/2009, Hòa đã mua một lưỡi cưa sắt của một người thợ xây không rõ tên tuổi với giá 500.000 đồng rồi mang về bẻ đôi lưỡi cưa giấu dưới đáy thùng rác ở lô sản xuất.
Có được lưỡi cưa, Hòa ngỏ ý rủ Hạnh và Minh trốn cùng thì được cả hai đồng ý và thống nhất sẽ cưa song cửa sổ sắt ở gần nơi Hạnh nằm để trốn ra ngoài.
Giáo dục Việt Nam