Những ngày đầu nhà báo Hoàng Hùng nằm viện, tinh thần anh vẫn còn rất minh mẫn, tỉnh táo, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Long An liên tục cử người vào lấy lời khai của anh. Nhưng vì sao lời sinh cung của anh không được đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng?
Lời sinh cung bị gạt bỏ
Trong bản tường trình ngày 22-1-2011 của cháu Lê Hồng Nhung (con gái đầu của nhà báo Hoàng Hùng) thể hiện trong buổi tối 18-1, trước khi đi chợ hoa chơi (19 giờ 30 phút), “mẹ tôi còn khóa cửa rất cẩn thận và đưa chìa khóa cho tôi giữ. Nhưng đến khi ba tôi về, đẩy cửa vào nhà mới phát hiện cửa đã bị mở và chỉ khép hờ lại. Do lúc đó ba tôi lu bu lo viết bài nên đến khi (21 giờ 30 phút) mẹ tôi, tôi và em tôi về, lên lầu ngủ, ba tôi quên hỏi chuyện cửa nẻo. Ba tôi nói với tôi chuyện này lúc trưa hôm qua (ngày 21-1, khi đó nhà báo Hoàng Hùng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - PV) lúc tôi vào thăm ”.
Căn phòng nơi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt. Nhà kế bên là của ông Nguyễn Văn Sữa
Đây là một chi tiết đáng chú ý vì đêm đó, trước khi đi ngủ, nhà báo Hoàng Hùng đã khóa cửa nhưng sau khi xảy ra cháy, các con anh và bà Liễu đều khẳng định “khi xuống tầng trệt, thấy cửa đã mở’’ và không ai trong số họ là người mở cửa.
Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKSND tỉnh Long An cũng yêu cầu làm rõ lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng có hay không có căn cứ, phải có kết luận rõ ràng. Thế nhưng, kết luận điều tra bổ sung của CQĐT Công an tỉnh Long An chỉ trả lời ngắn gọn: “CQĐT đã tiến hành ghi âm, sang đĩa và chưa phát hiện gì có liên quan đến vụ án”, gạt bỏ lời sinh cung của nạn nhân ra khỏi hồ sơ vụ án.
Không thể bỏ qua nhân chứng Nguyễn Văn Sữa
Theo yêu cầu của VKSND tỉnh Long An, ngày 20-9, CQĐT Công an tỉnh Long An đã dựng lại hiện trường bà Liễu nhận tội đốt chết nhà báo Hoàng Hùng. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành vào ban ngày, trời nắng, ánh sáng tốt trong khi thời điểm xảy ra vụ án mạng là 1 giờ sáng. Chưa tính đến tâm lý lo lắng của người phạm tội, chỉ riêng hành vi lén lút hành động giữa đêm khuya so với hành vi được thực hiện giữa ban ngày, ánh sáng tốt đã là hoàn toàn khác biệt.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Sữa (anh rể bà Liễu), nhân chứng tham gia chữa cháy đầu tiên, đã không được CQĐT mời đến để thực nghiệm các thao tác chữa cháy. Cần nhắc lại, ông Sữa có lời khai: Khi nghe tiếng kêu cứu, ông leo qua lan can nhà ông Hoàng Hùng, “tôi không nhìn thấy lửa cháy bên trong, chỉ nhìn thấy đám cháy ở gần cửa rất lớn, ngọn lửa qua khỏi đầu và lùa ra cửa nên không thể vào được’’. Vì vậy, ông Sữa leo trở về nhà lấy chiếc mền nỉ cuộn tròn lại, ném mền qua trước rồi lại leo qua lan can như lần đầu.
Mẹ nhà báo Hoàng Hùng thắp nhang tưởng nhớ con
“Tôi lấy mền dùng hai tay căng ra giơ lên chụp xuống đám cháy ở gần cửa ra vào và dùng tay lấy mền dập những chỗ cháy. Thấy Nhung đứng ở cửa cầu thang, tôi mới kêu Nhung lấy nước dập lửa. Nhung chạy đi đâu không biết, sau đó xách lên 2 bình nước Lavie loại 5 lít, tôi một bình, Nhung 1 bình dập lửa” (lời khai của ông Sữa). Vậy động tác ông Sữa nhiều lần leo qua leo lại lan can, dùng mền chụp xuống đám lửa trong bối cảnh ngọn lửa cháy lớn “qua khỏi đầu’’ và rất nóng là như thế nào? Điều này cũng hoàn toàn không được đề cập trong kết luận điều tra lẫn cáo trạng.
Về chiều dài sợi dây dù có tại hiện trường có phải là 12m hay không cũng không được làm rõ. Thay vào đó, CQĐT lấy một sợi dây dù khác có chiều dài như trong kết luận điều tra (12m) để bà Liễu tiến hành thắt nút.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội phía Nam (C45B) - Bộ Công an cho biết C45B đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Long An thông báo lịch thực nghiệm hiện trường để cục cử cán bộ xuống cùng tham gia hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ nhưng đơn vị này đã âm thầm tiến hành mà không quan tâm đến chỉ đạo của cấp trên!
Chiếc hộp quẹt gas màu trắng biến mất
Trong bản ảnh do CQĐT chụp tại khu vực nhà nạn nhân ngay sau khi vụ án xảy ra với sự chứng kiến của nhiều phóng viên cho thấy cơ quan công an có thu giữ một hộp quẹt gas màu trắng. Tuy nhiên, gia đình bà Liễu khẳng định không phải quẹt gas của nhà bà. Làm việc với CQĐT, cháu Lê Hồng Châu (con gái út của nhà báo Hoàng Hùng) khai rằng: “Nhà tôi không có cái quẹt gas màu trắng. Tôi nhớ hình như nhà dì Tư (bà Trần Thúy Loan, vợ ông Sữa - PV) có một cái màu trắng đục”. Thế nhưng, trong bản kết luận điều tra và cáo trạng không thấy nhắc đến chiếc hộp quẹt này mà chỉ thể hiện tang vật thu giữ chỉ có: một quẹt gas vỏ nhựa màu đỏ, một quẹt gas vỏ nhựa xanh, một quẹt gas vỏ nhựa màu vàng. Như vậy, hộp quẹt gas màu trắng là của ai và vì sao “có mặt” tại thời điểm án mạng xảy ra mà không được lý giải trong bản kết luận điều tra?
Tấm nệm nạn nhân nằm khi bị đốt, khi khám nghiệm hiện trường, CQĐT đã cắt một mảnh giữ lại nhưng tang vật thu giữ thể hiện trong kết luận điều tra và cáo trạng không nhắc đến. Trong khi đó, tình tiết này cũng rất quan trọng bởi mỗi chất liệu nệm, mức độ cháy, thời gian cháy và số lượng xăng dùng để đốt cũng sẽ khác nhau. Đặc biệt, việc xác minh thời gian vào đêm 18-1, ông Tâm đi đâu, làm gì, ai làm chứng, lời người làm chứng có đáng tin cậy? Tất cả cũng chỉ được trả lời chung chung: “Thời gian từ 21 giờ ngày 18-1, ông Nguyễn Văn Tâm ngủ tại nhà, không có đi đâu’’.
Người Lao Động