Vụ đứt cáp làm mặt cầu vuông góc với dòng suối, hất toàn bộ khoảng
50 người xuống từ độ cao khoảng 10 mét.
Vụ đứt ốc neo cáp cây cầu treo Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) xảy ra vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 24.2 khiến gần 10 người tử vong và hàng chục người thương vong. Đây được xem là tai nạn hi hữu, xảy ra khiến không ít người bàng hoàng, đau xót.
5 giờ sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, không khí tang thương, ảm đạm bao trùm xuống 2 bản người Mông Chu Va 6 và 8.
Hiện trường vụ tai nạn đã được thu dọn song nhìn chiếc cầu treo méo mó, phương thẳng đứng so với lòng suối, ai cũng có cảm giác hãi hùng. Từng đoàn người vẫn nườm nượp đổ về để tận mắt chứng kiến chiếc cầu treo với bao ánh mắt hiếu kỳ, cảm giác lo lắng, sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người...
Ốc neo bị đứt do vượt quá tải trọng của cầu.
Ông Chẻo A Chiếu ở bản Chu Va 6 - người chứng kiến toàn bộ vụ tai nạn kể lại: "Lúc đó vào khoảng 8 giờ 30 phút, người dân trong xã đang đưa tang của đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Bình, người vừa bị mất do tai nạn giao thông. Trước đó, 1 tốp người đã sang bên kia cầu. Thấy số lượng người đưa tang khá đông, tôi đã gàn họ lại, bảo đi sang tốp sau nhưng do đoàn người khiêng quan tài cộng với số lượng người nhà đông nên mọi người cứ bước theo. Khi họ đi đến giữa cầu, bỗng tôi nghe thấy một tiếng "rầm" và rồi một cảnh tượng kinh hoàng ngay trước mắt tôi: Toàn bộ số người trên chiếc cầu (khoảng 50 người) đã bị rơi xuống dưới cầu. Đen đủi thay, đúng mùa suối cạn nên đa phần mọi người bị va vào đá dưới lòng suối, chấn thương nặng. Có 3 người trong số họ đã chết ngay tại chỗ".
Nhà anh Vừ A Xá ở cạnh đầu cầu. Sự việc xảy ra đột ngột quá, tâm trạng còn nguyên vẻ hoảng hốt, anh Xá tâm sự: Lúc tôi ra đến nơi, nhìn xuống lòng suối thấy người với người chồng lên nhau. Máu chảy hòa vào màu dòng nước suối cạn, trông ghê sợ. Tôi xuống dìu mọi người lên, trong đó có 1 phụ nữ và 2 người thân gia đình tôi. Họ đang được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện. Tôi cũng mong muốn, tỉnh, huyện cần khẩn trương khắc phục tình trạng này, làm cầu kiên cố hơn để nhân dân 2 bản sớm có đường đi lại.
Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Cháng Seo Sùng (trú tại bản Nậm Dê, xã Sơn Bình) – một trong những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn. Con trai ông cho biết, ông Sùng là một trong những người trực tiếp khiêng cỗ quan tài nên bị chấn thương nặng nhất.
“Ngay sau khi chiếc dây cáp cầu bị đứt, bố tôi rơi xuống và chết ngay lập tức. Gia đình tôi gốc ở huyện Mường Khương (Lào Cai) nên chúng tôi đang làm thủ tục để đưa bố về quê an táng“ - người con trai đau xót kể. Chia buồn với gia đình anh, lãnh đạo tỉnh, huyện, tổ chức cứu trợ xã hội cũng đã đến hỏi thăm, tặng quà.
Được biết, cây cầu treo Chu Va 6 mới được hoàn thành tháng 12.2012, tổng chiều dài 54m, trọng tải 1,5 tấn. Công trình do UBND huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, Doanh nghiệp Tư nhân Ký Hoa là đơn vị thi công với tổng nguồn vốn trên 1,2 tỷ đồng.
Giải thích về nguyên nhân xảy ra vụ việc trên, ông Hoàng Thọ Trung - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Theo thiết kế, chiếc cầu có trọng tải tối đa 1,5 tấn, nhưng ước lượng trọng tải lúc xảy ra vụ việc lên tới 2,5 tấn. Như vậy là vượt quá trọng tải cho phép lên tới gần 1 tấn dẫn đến ốc neo tăng đơ cáp cầu bị đứt. Mặc dù đã có người ngăn lại nhưng ai cũng muốn sang sớm nên trước lúc xảy ra tai nạn, có khoảng 50 người cùng đi trên cầu.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, huyện, xã đã huy động lực lượng công an, dân quân di chuyển các nạn nhân và khẩn trương tiến hành sơ, cấp cứu. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 8 người chết và 40 người bị thương. Một số bệnh nhân nặng đã được BV Đa khoa tỉnh Lai Châu chuyển tuyến về các bệnh viện T.Ư để điều trị với mong muốn "còn nước, còn tát".
Cũng theo ông Trung, trước khi cây cầu được đầu tư, bà con nhân dân 2 bản đã có một chiếc cầu treo bằng gỗ khá thuận tiện cho việc đi lại. Toàn bộ diện tích cây trồng của bà còn đều năm phía bên kia cây cầu nên vào mùa thu hoạch nông sản, bà con vận chuyển hàng hóa trên chiếc cầu gỗ không yên tâm. Năm 2012, một chiếc cầu mới được xây dựng, bà con rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất. Từ khi có cây cầu, chưa thấy có vấn đề gì bất an xảy ra với đời sống bà con.
Theo ông Trung, trước mắt, bà con vẫn di chuyển theo đường lòng suối do mùa khô, nước suối cạn. Tuy nhiên, ngay trong ngày 25.2, UBND huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bổ sung, lắp ghép lượng gỗ vào chiếc cầu treo cũ đủ đảm bảo an toàn để khắc phục tạm thời đường đi cho nhân dân. Đối với cây cầu vừa đứt, huyện sẽ xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để giải quyết trong thời gian tới.
Ngay khi vụ việc xảy ra, ngoài chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn, lãnh đạo HĐND - UBND tỉnh, huyện Tam Đường, các tổ chức đoàn thể tỉnh, huyện và cấp ủy, chính quyền xã Sơn Bình đã sớm có mặt tại hiện trường, động viên, hỗ trợ các gia đình có người gặp nạn. UBND tỉnh quyết định hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 7 triệu đồng và hỗ trợ mỗi người bị thương 3,2 triệu đồng.
Xe của cảnh sát giao thông cũng được huy động đưa người bị nạn
đến bệnh viện.
Cấp cứu các nạn nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.
Mổ cấp cứu các nạn nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.
Lãnh đạo tỉnh đến bệnh viện thăm hỏi và tặng quà cho các nạn nhân
vụ tai nạn.
Theo Danviet.vn