Gia đình nạn nhân lên tiếng
Thời gian gần đây, dư luận đang sôi sục với tin tức Nguyễn Mạnh Tường có thể được tại ngoại khi thời hạn điều tra vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường sắp hết hạn. Thông tin này cũng khiến cho gia đình nạn nhân bức xúc, bày tỏ sự không đồng tình.
Nguyễn Mạnh Tường (bên trái) và Đào Quang Khánh (bên phải).
Trả lời trên báo Pháp luật và xã hội, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ của chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân trong vụ án Cát Tường, cho biếti: “Con gái tôi đã thiệt mạng oan uổng vì bác sĩ Tường, gia đình tôi đã tốn kém bao nhiêu tiền của để tìm thi thể con. Tôi nghĩ rằng, bác sĩ Tường gây nên tội thì dứt khoát phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, mới đảm bảo công bằng, và cũng là răn đe ngăn ngừa tội ác. Không thể có luật pháp nào mà kẻ phạm tội lại không bị trừng trị, lại được thả vì hết thời hạn điều tra.”
Bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ đẻ của chị Huyền - nạn nhân vụ TMV Cát Tường.
Và hầu như thông tin về việc bác sĩ Tường được tại ngoại, đang nhận được rất nhiều dư luận trái chiều từ dư luận, bởi dư luận cho rằng hành vi của bác sĩ Tường cần phải bị trừng trị nghiêm khắc bởi mấu chốt quan trọng nhất của vụ TMV đã được tháo gỡ, việc tìm thấy thi thể nạn nhân giúp cơ quan chức năng xác định rõ Tường có phạm tội giết người hay không.
“Khả năng Nguyễn Mạnh Tường được tại ngoại là rất khó”
Về thông tin trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) - Luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Quang Khánh trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường khi trả lời trên báo Vietnamnet cho hay: “Có một số quan điểm cho rằng, hết thời hạn tạm giam để điều tra thì bị cáo Nguyễn Mạnh Tường sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn là không có căn cứ pháp luật”.
Ông Thơm phân tích, với vấn đề này cần phải phân biệt, thẩm quyền trả hồ sơđiều tra bổ sung của Thẩm phán khi vụ án chưa được đưa ra xét xử và thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX (gồm cả Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân) khi vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm là khác nhau.
Thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của Thẩm phán theo qui định tại Khoản 2, Điều 121, BLTTHS được áp dụng như sau: Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì Thẩm phán ký quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung và số lần trả là 2 lần, mỗi lần không quá 1 tháng.
Khoản 2, Điều 199:
Quyết định về việc thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và về việc bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản.
Vụ TMV Cát Tường đã được đưa ra xét xử, HĐXX đã trả hồ sơ theo qui định tại Khoản 2, Điều 199 BLTTHS. Và khi vụ án được đưa ra xét xử thì Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX (gồm thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân) quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trong trường hợp này, luật không qui định giới hạn số lần và thời hạn trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX nên HĐXX được trả nhiều lần mà không hạn chế về mặt thời gian, nhằm thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và tội danh của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường theo nội dung mà HĐXX đã nhận định.
Đồng thời luật sư Anh Thơm khẳng định, trường hợp bác sỹ Tường và Đào Quang Khánh có được ra tại ngoại là do các cơ quan tố tụng xem xét đơn xin bảo lãnh tại ngoại của gia đình chứ không phải do hết thời hạn điều tra phải cho tại ngoại như một số ý kiến đưa ra gần đây.
Tuy nhiên trong vụ án này, các đối tượng bị truy tố về tội nghiêm trọng, phạm cùng lúc 2 tội, gây bức xúc trong dư luận xã hội, hành vi phạm tội còn có mục đích che dấu tội phạm nên rất khó có thể được thay đổi biện pháp ngăn chặn.
"Mặt khác, hiện HĐXX đang trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng bất lợi cho bị cáo nên việc thay đổi biện pháp ngăn chặn là rất khó xảy ra", ông Thơm nói.
nguoiduatin.vn