9 giờ sáng ngày 4/9, lần đầu tiên, phía trường mầm non Thiên thần nhỏ đã có buổi làm việc với gia đình cháu Trần Nhật Hương tại chính nơi xảy ra sự việc đau lòng mà chúng tôi đã đưa tin. Về phía trường mầm non có các cô giáo: Cô Hồng, cô Quyên và cô Ly. Đây là những người trực tiếp trông nom cũng như chứng kiến sự việc xảy ra với cháu Hương từ đầu đến cuối.
Trường mầm non Thiên thần nhỏ - nơi xảy ra sự việc đau lòng với con gái 1 tuổi của chị Thủy.
Theo đó, các cô giáo ở lớp mầm non kể lại cho gia đình như sau:
Vào hồi 10 giờ 30 phút, chị Thủy đưa con đến trường, cô Hồng đón cháu lên lớp. Lúc bé Hương đến lớp thì các bé khác đã ăn xong nên chỉ có mỗi bé Hương được cô Hồng bế đút thức ăn ở trong bếp.“Lúc tôi cho ăn thì bé ăn rất ít, chỉ chừng 7-8 thìa cháo là bé đã khóc và nhè ra không ăn nữa”, cô Hồng nói.
Đến 11 giờ 20 phút, cô Hồng cho bé Hương uống 100ml sữa. Sau khi uống hết thì cháu trớ ra và các cô cho cháu uống nước rồi lau miệng, thay bỉm. Từ 11 giờ 25 phút đến 11 giờ 35 phút, cô Quyên đã đặt cháu Hương nằm xuống giường và cho cháu ngủ. Đến 11 giờ 40 phút các cô bắt đầu đi ăn trưa và ngồi ngoài cửa trông các cháu.
Đến 12 giờ 30 phút, cô Quyên kiểm tra không thấy cháu có biểu hiện gì lạ. Đến 13 giờ 30 phút cô Quyên kiểm tra lại một lần nữa thì cháu vẫn ngủ bình thường.
Nhưng đến 13 giờ 45 phút, cô Quyên phát hiện cháu mê man, cơ thể bất động nên hô gọi mọi người. Sau đó, cô Ly đưa cháu đến bệnh viện đa khoa Đức Giang cấp cứu nhưng không kịp.
Cô Cao Khánh Ly cho rằng: “Khẩu phần ăn của cháu 7-8 thìa cháo, 100ml sữa thì không phải là nhiều. Và trước khi ngủ thì cháu đã trớ ra rất nhiều nên nguyên nhân nhân dẫn đến cái chết của cháu Hương khó có thể do sặc sữa”. Tuy nhiên, chị Thủy cho biết, chính cô Ly đã nói rằng, trên đường đi đến bệnh viện, cháu Hương đã nôn sữa ra áo của bé và cả áo cô. Vậy thì, nếu trước đó cô nói là cháu đã trớ hết ra thì vì sao sau đó lại có thể trớ sữa tiếp?
Về giờ ngủ cũng khá mâu thuẫn. Chị Thủy cho biết, sau giờ ăn thì không nên cho trẻ ngủ ngay, vậy thì nguyên nhân do đâu mà chỉ 5 phút sau khi cho ăn và vệ sinh đã đưa cháu Hương đi ngủ?
Theo lời cô Quyên thì hôm đâu tiên (26/8), cháu Hương khóc và đòi bế mới ngủ, nhưng ngày 27/8 cháu lại ngủ một cách ngoan ngoãn? Nếu cháu ngủ ngoan ngoãn thì tại sao không phát hiện điều bất thường?
Các cô ngồi ngoài có thể nhìn xuyên qua cửa kính này để trông nom các cháu?
Đối với việc trông các cháu ngủ trưa cũng xuất hiện nhiều khuất tất, tắc trách. Khi gia đình hỏi về việc ai trông các bé khi ngủ, cô Quyên cho biết “Khi các bé đi ngủ, các cô thay nhau trông, nhưng đến 11 giờ 40 phút thì cô không trông nữa”. Lúc này gia đình lại hỏi sâu về việc này thì cô Hương (là một giáo viên ở trường) lại nói rằng “Các cô bê cơm ngồi ăn trước cửa phòng để trông vì cửa kính nhìn xuyên qua được”. Tuy nhiên khi gia đình cháu Hương xem xét thực tế, cửa kính không nhìn qua xuyên qua được thì lúc này các cô lại nói “bê cơm vào trong phòng vừa ăn vừa trông các cháu”?
Trao đổi với chúng tôi, chị Thủy nhấn mạnh, “Các giáo viên ở trường mầm non quá yếu kém về kinh nghiệm cũng như xử lý những tình huống khẩn cấp”. Bởi, theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các cô giáo mầm non phải được đào tạo, hướng dẫn cách sơ cứu những tai nạn thường gặp ở trẻ.
Thế nhưng, khi cháu Hương nằm bất động, cô Ly chỉ biết hà hơi thổi ngạt và ấn nhân trung. Khi gia đình hỏi về tình trạng lúc bấy giờ thì cô Ly nói: “Em cũng không biết cháu còn thở hay không, nhưng em thấy cháu nằm bất động nên làm mọi việc em nghĩ có thể cứu được cháu”.
Như vậy, qua lời kể của các cô giáo có rất nhiều mẫu thuẫn. Liệu rằng các cô đang cố tình chối bỏ trách nhiệm liên quan đến cái chết thương tâm của cháu Trần Nhật Hương?
Thông tin chúng tôi nhận được từ Phòng Giáo dục quận Long Biên là chưa cho trường mầm non Thiên thần nhỏ giải thể và yêu cầu đại diện nhà trường giữ nguyên hiện trạng cho tới khi có kết luận của các cơ quan điều tra.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc xung quanh vụ việc đau lòng này.
Theo Trí Thức Trẻ