Tại Việt Nam, hiện chỉ xuất khẩu khoảng 2.000 - 3.500 tấn cacao mỗi năm - một con số khiêm tốn so với những cường quốc như Indonesia, Bờ Biển Ngà hay Malaysia. Thế nhưng, hạt cacao Việt Nam lại được xếp vào nhóm chất lượng cao hiếm hoi trên thế giới. Thị trường tiêu thụ cacao chính của Việt Nam bao gồm Malaysia, Nhật Bản, Bỉ, Trung Quốc và Hoa Kỳ, với các sản phẩm chủ yếu là hạt cacao thô, chocolate và bột cacao.
Theo Hội đồng Cacao Quốc tế (ICCO), tính đến tháng 4/2024, thế giới chỉ có 20 nước sở hữu và xuất khẩu "Cacao hương vị hảo hạng - Fine Flavor Cocoa". Các nước này bao gồm: Việt Nam, Brazil, Cameroun, Costa Rica, Colombia, Cộng hòa Dominica, Ecuador, El Salvador, Ghana, Grenada, Haiti, Indonesia, Jamaica, Madagascar, Malaysia, Nicaragua, Papua New Guinea, Peru, Trinidad & Tobago, Venezuela.
Hội đồng Cacao Quốc tế (ICCO) cho biết, trong năm 2024, sản lượng cacao toàn cầu đạt hơn 4,3 triệu tấn, trong đó khu vực châu Phi chiếm hơn 70%, chủ yếu với giống cây Forastero.
Belvie Chocolate "Black Diamond - Kim cương đen" là loại chocolate được chế biến từ những hạt cacao ngon nhất của Việt Nam và tuân thủ công thức Bỉ truyền thống. Ảnh: Barandcocoa
Tại Việt Nam, cacao - một trong những loại cây trồng có giá trị nhất thế giới - được trồng chủ yếu từ giống lai Trinitario. Dù chỉ chiếm 0,1% sản lượng cacao toàn cầu năm này, nhưng hạt cacao Việt Nam thuộc nhóm cacao hương vị cao cấp hàng đầu thế giới.
Từng bị xem là cây trồng phụ, cacao Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình, không chỉ nhờ khí hậu và thổ nhưỡng, mà quan trọng hơn cả là sự bắt tay chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở nguyên liệu thô, nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào chế biến sâu. Chocolate "Made in Vietnam" hiện đã có mặt tại hơn 20 quốc gia.
Ông Justin Jacquat - Quản lý Cacao khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định: "So với Malaysia, Indonesia hay Bờ Biển Ngà, sản lượng cacao Việt Nam còn rất nhỏ. Nhưng chính sự nhỏ này lại là thế mạnh: chất lượng cao, hương vị độc đáo, tạo ra phân khúc riêng cho thị trường cao cấp".
Theo nhận định các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi có thể chủ động nguyên liệu ca cao, trong khi hai quốc gia hàng đầu về chocolate là Bỉ và Thụy Sỹ lại không trồng được cacao. Từ những mảnh vườn nhỏ ven sông Mekong, cacao Việt đang từng bước tạo ra vị thế riêng, bền vững và đầy hứa hẹn.
Không những thế, nhiều vùng trồng cacao nổi tiếng tại Việt Nam còn hấp dẫn về mặt kinh tế khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tại các vùng trồng cacao trọng điểm Đắk Lắk, nông dân khi bước vào vụ thu hoạch. Họ thu hái được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Tuyệt đối không dùng tay giật trái mà phải sử dụng dao chuyên dụng để cắt cuống, tránh làm tổn thương cây. Sau đó, trái được tách vỏ trong vòng 24 giờ và ủ lên men theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
Khoảng 10 năm trước, hàng trăm hộ dân Đắk Lắk từng đốn bỏ cacao vì giá thấp, đầu ra bấp bênh. Thế nhưng giờ đây, nhờ có doanh nghiệp liên kết, cây cacao đang hồi sinh mạnh mẽ.
ICCO đánh giá, thị trường cacao thế giới phân biệt giữa 2 loại hạt cacao chính: Hạt cacao "hương vị hảo hạng" - và hạt cacao "số lượng lớn"/"thông thường". Nhìn chung, hạt cacao hương vị hảo hạng được sản xuất từ các giống cây cacao Criollo hoặc Trinitario; trong khi hạt cacao số lượng lớn (hoặc thông thường) đến từ cây Forastero.
Hạt cacao Việt Nam được xếp vào nhóm chất lượng cao hiếm hoi trên thế giới.
Cacao: Ngành công nghiệp trị giá hơn 17 tỷ USD năm 2024
Cây cacao được trồng ở hơn 50 quốc gia trên thế giới và đang tạo nên một ngành công nghiệp trị giá hàng chục tỷ đô la Mỹ.
Năm 2024, quy mô thị trường hạt cacao đạt 17,24 tỷ USD và dự kiến sẽ nâng lên mức 23,97 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,81% trong giai đoạn dự báo (2024-2029), theo nghiên cứu mới nhất của Mordor Intelligence.
Cây cacao mọc ở vùng khí hậu nóng và mưa nhiều. Hầu hết việc trồng trọt tập trung trong phạm vi vĩ độ 20 độ ở cả phía bắc và phía nam của Đường xích đạo, nơi một số người gọi là “Vành đai Cacao - Cacao Belt”.
Cho đến gần đây, người ta vẫn cho rằng cacao có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây nhất cho biết những cây cacao đầu tiên đến rừng mưa Amazon ở Nam Mỹ - có niên đại hơn 5.000 năm.
Trước khi đến thế giới phương Tây, cacao thường không được chế biến như một loại thực phẩm hoặc đồ uống ngọt. Thay vào đó, các nền văn hóa cổ đại đã chấp nhận hương vị đắng, đen của nó và thường kết hợp nó với gia vị. Phải đến khi cacao du nhập vào châu Âu thì những món chocolate ngọt ngào, xa hoa mà chúng ta thường thấy ngày nay mới bắt đầu xuất hiện.
Dẫu vậy, so với nhiều loại cây trồng khác, cây cacao đang phải đối mặt với thách thức rất lớn mang tên Biến đổi khí hậu. Trong đó, một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với cacao phát sinh từ biến đổi khí hậu là sự gia tăng thoát hơi nước.
Nói cách khác, khi nhiệt độ cao hơn sẽ khiến đất và cây hấp thụ nhiều nước hơn; trong khi đó lượng mưa có thể sẽ không tăng đủ để bù đắp cho lượng ẩm bị mất, đặc biệt ở các khu vực sản xuất cacao lớn như Bờ Biển Ngà và Ghana, nơi chiếm hơn 50% sản lượng cacao toàn cầu.
Các chuyên gia Mỹ dự báo, diện tích đất phù hợp để trồng cacao có thể giảm tới 40% vào năm 2050. Tệ hơn nữa, cây cacao được dự đoán sẽ biến mất vào đầu năm 2050 do nhiệt độ ấm hơn và điều kiện thời tiết khô hơn, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thông báo trong một bài viết năm 2018.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)