Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư là 4,2 tỷ USD, tổng diện tích gần 272 ha tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Hai bên ký thỏa thuận với nhau hồi giữa năm 2017.
Theo bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, tầm nhìn về tính bền vững của Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội là bên cạnh việc trở thành một khu đô thị thông minh, xanh, đẳng cấp, hiện đại thì người dân - cốt lõi của mọi khu đô thị, sẽ gắn bó với thành phố này ở thế hệ hiện tại và nhiều thế hệ tiếp nối khi được tận hưởng những gì mới nhất, hiện đại nhất, tiên tiến nhất của thế giới ngay tại quê hương.
Phối cảnh dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội được phát triển bởi liên doanh Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ đôla Mỹ.
Tọa lạc ở vị trí vô cùng đắc địa kết nối trực tiếp giữa trung tâm thành phố Hà Nội và sân bay Quốc tế Nội Bài, Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội được đánh giá là một bệ phóng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thương hàng hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội sẽ được thực hiện trong 9 năm, chia thành 5 giai đoạn. Trong đó, 4 giai đoạn đầu, kéo dài khoảng 7 năm, tập trung triển khai các hạng mục quan trọng như cây xanh, công trình công cộng, khu nhà ở, trường học, hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, cũng như các công trình di tích, tôn giáo và các dự án riêng biệt.
Giai đoạn thứ 5, diễn ra từ cuối năm 2030 đến cuối năm 2032, sẽ tập trung xây dựng các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, đặc biệt là Trung tâm tài chính và thương mại phức hợp với tòa tháp cao 108 tầng.
Điểm nhấn trong thiết kế của dự án tỷ đô này là tòa tháp tài chính cao 108 tầng – biểu tượng mới không chỉ cho Hà Nội mà còn cho toàn khu vực. Đây là công trình trọng điểm với thiết kế hiện đại và hài hòa, thể hiện sự sáng tạo và công nghệ tầm cỡ quốc tế.
Về mục tiêu trung hòa carbon, bà Nga nhấn mạnh, Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội sẽ áp dụng các giải pháp tối ưu để giảm 50% chi phí năng lượng cho các hộ gia đình. Đồng thời, Tập đoàn cam kết nhập các loại cây đặc biệt từ nước ngoài để giải quyết ô nhiễm không khí, tạo một không gian sống xanh, sạch, và tiết kiệm năng lượng.
Không chỉ hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, thành phố còn đi đầu trong việc sử dụng công nghệ thông minh trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục, quản lý, và kinh tế. Dự án hứa hẹn không chỉ là biểu tượng của sự phát triển bền vững mà còn góp phần giải quyết các vấn đề lớn về hạ tầng của Hà Nội hiện nay.
Hợp tác quốc tế cũng là yếu tố cốt lõi của Dự án. Với kinh nghiệm quản lý và phát triển đô thị của Nhật Bản, dự án được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu cho các thành phố trong tương lai, đồng thời giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Sinh sống và làm việc tại thành phố thông minh này, người dân sẽ được hưởng tối đa lợi ích lan tỏa từ việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng hiện đại, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của thủ đô. Dự án sẽ áp dụng hàng loạt các công nghệ của tương lai vào thực tế như quản trị năng lượng thông minh, lưu thông thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh, kinh tế thông minh.
Sự khởi đầu của dự án này không chỉ mở ra một tương lai bền vững cho Việt Nam mà còn chứng minh tiềm năng to lớn của đất nước trên trường quốc tế. Thành phố thông minh Bắc Hà Nội – biểu tượng của sự kết nối giữa công nghệ, môi trường và con người – chính là tương lai mà cả thế giới mong chờ.
N.Minh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)