Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được xây dựng tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Dự án có tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, công suất đốt rác đạt 2.000-2.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 60 MW/ngày. Theo dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025. Nhà máy nghìn tỷ này được xem là một trong những dự án xử lý rác quy mô lớn nhất của quốc gia, hứa hẹn sẽ đem lại những giải pháp đột phá cho bài toán xử lý rác thải tại Việt Nam.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào vận hành, trong khi việc xử lý rác bằng phương pháp truyền thống gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng: ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và không thu hồi được nhiệt lượng quý giá.
Phối cảnh dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa. (Ảnh: Bamboo Capital)
Theo chủ đầu tư BCG Energy - công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital, mỗi năm, nhà máy sẽ đóng góp khoảng 365 triệu kWh điện lên lưới, đủ để cung cấp năng lượng cho gần 100.000 hộ gia đình. Đồng thời, dự án giúp giảm phát thải khoảng 260.000 tấn CO2 mỗi năm.
Điểm nổi bật của nhà máy Tâm Sinh Nghĩa là công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến. Quy trình hoạt động bao gồm thu gom và phân loại rác, đốt rác ở nhiệt độ cao để thu hồi nhiệt lượng, và chuyển đổi thành điện năng.
Để làm được điều này, BCG Energy đã chọn công nghệ lõi SUS-Hitachi Zosen Vonroll - là công nghệ đốt rác thải tiên tiến tiêu biểu trên thế giới hiện này, vốn được sử dụng tại hàng trăm nhà máy điện rác trên thế giới - cho Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa.
Công nghệ này tối ưu hóa quy trình xử lý rác thải chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao và nhiệt trị thấp - đặc trưng của rác thải sinh hoạt tại Việt Nam (đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp).
Ngay tại những nơi có tiêu chuẩn môi trường khắt khe như: Nhật Bản, Đài Loan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất… các nhà máy điện rác sử dụng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll vẫn được đặt trong các thành phố lớn đông đúc dân cư. Hoạt động xử lý rác của nhà máy hoàn toàn khép kín, khí thải ra môi trường được xử lý an toàn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Sau khi được đốt bằng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll, rác thải sẽ giảm được phần lớn thể tích và khối lượng, nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt trở thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác là loại chất thải không độc hại có thể sản xuất thành vật liệu xây dựng. Lượng nước thải phát sinh trong quá trình nhà máy vận hành được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc trong nhà máy. Khí thải và tro bay sản sinh ra trong quá trình đốt rác được xử lý bằng công nghệ hiện đại, ưu việt hơn tiêu chuẩn xử lý EURO 2010, đảm bảo không gây ra mùi hôi hay ô nhiễm không khí khi thải ra môi trường.
Không chỉ trang bị SUS-Hitachi Zosen Vonroll, nhà máy còn được tích hợp các hệ thống lọc khí thải hiện đại, nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến như Đức và Nhật Bản. Các thiết bị này giúp loại bỏ các chất độc hại như dioxin và furan, đảm bảo khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường quốc tế.
Ngoài ra, hệ thống giám sát khí thải liên tục (CEMS) được sử dụng để đo lường và kiểm soát chất lượng khí thải, đưa việc bảo vệ môi trường lên một tầm cao mới.
Trước bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng và lượng rác thải toàn cầu được dự báo sẽ tăng 70% vào năm 2050, ngành công nghiệp Đốt Rác Phát Điện (WtE) nổi lên như một lĩnh vực đầy tiềm năng.
Nhìn rộng ra trên quy mô toàn cầu, công nghệ đốt rác phát điện không chỉ là một giải pháp hiện đại, mà còn mang đến lợi ích kép: Giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra nguồn năng lượng tái tạo.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)