Có một xác chết vô cùng nổi tiếng mà những người quan tâm và có ý định chinh phục đỉnh Everest không thể không biết mang tên “Green Boots” - người đã nằm lại địa danh cao nhất thế giới này trong suốt 20 năm mà không hề được chôn cất. Trong suốt từng đấy thời gian, đã có rất nhiều người đi qua nhưng không có một ai định đưa thi thể này xuống núi, không chôn cất, thậm chí còn chẳng dám kéo chiếc áo màu đỏ trùm qua đầu nạn nhân ra để xem đó là ai.
Tuy nhiên, theo nhiều manh mối và suy đoán thì nhiều người cho rằng, đây là nhà leo núi người Ấn Độ có tên Tsewang Paljor, qua đời vào năm 1996, khi ấy anh 28 tuổi. Cái tên “Green Boots” cũng được đặt theo đôi giày dạ quang mà anh mang ở chân cho đến tận bây giờ.
Thật ra thì, để di chuyển một thi thể từ nơi có vĩ độ cao như vậy xuống dưới là một việc vô cùng khó khăn và chi phí đắt đỏ khoảng 40.000-80.000 đô la. Bên cạnh đó, còn yêu cầu 6-8 người Sherpa (người hướng đạo của đội leo núi các nước) để đưa thi thể xuống núi, bất chấp nguy cơ hy sinh tính mạng bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, với "độ cao chết chóc" - 8000m, con người thậm chí còn không thể cử động, hô hấp, và suy nghĩ một cách bình thường thì việc đào một thi thể nặng gần 150kg rồi mang xuống núi gần như là một nhiệm vụ bất khả thi.
Kể cả việc chôn cất thi thể cũng cần nhiều người leo núi cùng hợp sức lại thì mới thực hiện được. Thế nhưng, đối với những người leo núi vì mục đích thương mại, liệu có bao nhiêu người chịu bỏ tiền, lãng phí thời gian và mạo hiểm để dừng lại chôn cất một người chẳng hề quen biết này?
Ngoài ra, có một thực tế khá... rùng rợn, đó là những thi thể lộ ra lại đóng vai trò là cột mốc cho những người đang leo núi hiện tại. Họ dùng yếu tố này để định hướng, nhắc nhở bản thân cẩn trọng hơn. Trong đó, "Green Boots" từng là cột mốc tiêu biểu nhất trên đỉnh Everest mà chúng ta biết đến.
Theo Sohuutritue.net.vn