Sáng 26/3/1997, cảnh sát San Diego đã nhận lệnh khẩn cấp đến một ngôi biệt thự ở Rancho Santa Fe, California. Tại đây, họ rất bàng hoàng khi phát hiện ra thi thể của 39 thành viên thuộc giáo phái Cổng Trời. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy những cái chết có liên quan đến hành động tự sát tập thể. Nguyên nhân được xác định là do người đứng đầu giáo phái này nói rằng khi sao chổi Hale-Bopp xuất hiện, người ngoài hành tinh sẽ bám theo để thâm nhập Trái đất, hủy diệt loài người, và với những ai tham gia tự sát, linh hồn họ được đưa lên con tàu vũ trụ dẫn đến một thiên đường bên ngoài Trái đất.
Gần 20 năm trước đó, ngày 18/11/1978, 918 thành viên giáo phái Thánh đường nhân dân gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã sơ tán vào các khu rừng ở Guyana để tránh ngày tận thế và tự sát tập thể bằng cách uống rượu punch có độc theo lệnh của Đức cha Jim Jones.
Đây chỉ là những ví dụ điển hình cho niềm tin mù quáng về ngày tận thế. Các chuyên gia phải mất nhiều thời gian đi tìm câu trả lời cho việc tại sao rất nhiều người dễ dàng tin vào quan điểm rằng thế giới đang đi đến hồi kết.
Trong cuốn sách mang tên “2012: Extinction or Utopia”, dựa trên việc phân tích những lời tiên tri tận thế cả trong quá khứ và hiện tại, tác giả J.Allan Danelek phần nào đã làm rõ thắc mắc này.
Nỗi sợ hãi, những linh cảm về một cái gì đó bất trắc là nguyên nhân
khiến nhiều người tin vào lý thuyết về ngày tận thế.
(Ảnh: Photos.com)
Khá nhiều lý do được đưa ra nhưng có lẽ phổ biến và thuyết phục nhất là nguyên nhân xuất phát từ nỗi sợ hãi, những linh cảm về một cái gì đó bất trắc, không bền vững của cuộc sống trên hành tinh chúng ta. Nhiều người cảm thấy bị mắc kẹt trong một thế giới quá nhiều thứ có thể giết chết họ, biến họ thành nô lệ và sống “thoi thóp” trong nghèo đói hoặc để lại trong họ cảm giác chán nản, mất niềm tin vào tương lai. Trong khi đó những lời tiên tri tận thế thường kèm theo sự hứa hẹn về một “cái kết hạnh phúc”, và đối với nhiều người, đây là nguồn hy vọng to lớn.
Một lý do khác khiến nhiều người có niềm tin vào ngày tận thế là bởi vì họ đã quá chán ngán với sự đơn điệu của cuộc sống. Trên thực tế, nó xuất phát từ khả năng tưởng tượng của nhóm người thuộc trường phái thoát ly thực tế. Theo đó, sự nhạt nhẽo, vô vị của thế giới chúng ta đang sống chỉ là tạm thời và một ngày nào đó sẽ bị ngắt quãng, thay đổi bởi sự kiện bất thường. Sự nhàm chán là động lực mạnh mẽ khiến con người ta tin vào thứ tưởng chừng không thể tin được.
Niềm tin tận thế cũng dễ hình thành những người nhìn thấy Trái đất như là một nơi tồi tệ và sự hủy diệt của nó được hiểu là chuyển biến tích cực sang cái mới tốt đẹp hơn. Đây là nhóm ủng hộ thuyết khuyển nho (hoài nghi), những người bị ám ảnh với mặt tiêu cực của cuộc sống. Vì vậy, với họ, lời cảnh báo hủy diệt chỉ đơn giản là xác nhận rằng thế giới thực sự là một nơi đặc biệt khó chịu, từ đó giúp họ biện minh cho nỗi sợ hãi và sự hoài nghi của mình. Với nhóm người này, họ sẽ rất khó chịu nếu bạn lạc quan cho rằng mọi thứ không phải là xấu.
Tuy nhiên, động cơ mạnh mẽ nhất thúc đẩy hình thành kịch bản ngày tận thế ở một số người đến từ niềm tin rằng họ là một trong số những người đặc biệt “được lựa chọn”, có thể cảm nhận điều bí mật của vũ trụ tương lai và đây chính là phần thưởng cho sự thông minh của họ trong việc tìm lời giải đáp.
Vậy nhưng tất cả đều hoàn toàn không trả lời được câu hỏi tại sao ngay cả người có trình độ cao, không ít trong số đó là tiến sỹ, cũng nhanh chóng chấp nhận những tuyên bố kỳ quặc như vậy và kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Lý do, theo J. Allan Danelek, chỉ đơn giản là nhiều người thiếu kỹ năng tư duy phê phán rất quan trọng trong việc xác định cái thực tế từ cái hư cấu.
Nghe có vẻ không thuyết phục nhưng thực tế là nhiều người muốn chấp nhận những ý tưởng dựa trên một cấp độ hoàn toàn do trực quan hơn là do lý trí. Điều này thường thấy trên các đấu trường chính trị - đặc biệt là trong một cuộc bầu cử - người tham gia vận động tranh cử thường đưa ra quyết định không hề dựa trên các sự kiện thực tế mà dựa trên thuật hùng biện, lối nói khoa trương và cường điệu.
Ngoài ra, hầu hết mọi người đều không hề có kiến thức cơ bản về lịch sử hay khoa học để nhận ra một lời tuyên bố sai lầm hay để xác nhận giá trị của một dự đoán cụ thể, một bối cảnh bên trong, từ đó có thể cân nhắc tính hợp lý của giả thuyết.
Thật không may, việc thiếu một cơ sở vững chắc về lịch sử, khoa học khiến người ta tin tưởng vào những cá nhân, tổ chức được cho là có quyền lực về mặt tâm linh. Như vậy, nếu một nhà môi trường học tuyên bố rằng thế giới sẽ cạn kiệt nguồn năng lượng trong 20 năm hoặc một nhà truyền giáo khẳng định Chúa Giê-su có thể trở lại bất cứ lúc nào, chắc chắn sẽ có khá nhiều người đặt niềm tin mà không hề thắc mắc.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên nghe theo người hiểu biết nhiều hơn chúng ta. Một nhà khoa học khi đã lên tiếng cảnh báo rằng Trái đất đang ấm dần lên với tốc độ đáng báo động thì có nghĩa là mức hiểu biết của anh ta về chủ đề này chắc chắn cao hơn so với một người đàn ông lang thang. Và các nhà thần học, người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu những tư liệu cổ rõ ràng sẽ có kiến thức về lĩnh vực này tốt hơn một người dân bình thường. Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là chúng ta sẽ sai lầm nếu bỏ qua chúng.
Khám phá