Thưa Ngài Đại sứ, trong cuộc gặp đầu tiên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, điều gì ở người khiến ông ấn tượng sâu sắc nhất? (Nguyễn Duy Khiêm - Hà Nội)
Ngài Jorge Rondón Uzcátegui: Từ những năm 14 - 15 tuổi, tôi đã bắt đầu đọc sách, bắt đầu tìm hiểu về Việt Nam. Cũng từ đó, tôi đã biết tới những cái tên làm nên lịch sử của Việt Nam.
Năm 2006, khi cố Tổng thống Hugo Chavez tới thăm Việt Nam, tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đã được có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ của mình - lần đầu được gặp và nói chuyện trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà tôi hằng yêu mến và ngưỡng mộ.
Vào thời điểm năm 2006 đó, Đại tướng vẫn rất minh mẫn, am hiểu sâu sắc về tình hình thế giới và tình hình Venezuela. Người đã trao đổi với cố Tổng thống Chavez về thành tựu mà ông ấy đã đạt được từ khi lên nắm quyền.
Mặc dù Đại tướng là nhà chiến lược quân sự, được cả thế giới biết tới, song trong đời thường, ông lại là người rất bình dị, nhân văn và rất có khiếu hài hước.
Ngài Jorge Rondón Uzcátegui tại buổi giao lưu trực tuyến quốc tế tổ chức
với chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân”.
Trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam năm 2006, Tổng thống Venezuela khi đó là ngài Hugo Chavez đã tặng Đại tướng phiên bản thanh gươm của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar. Theo ngài, giữa Simon Bolivar, cố Tổng thống Hugo Chavez và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có điểm gì giống nhau? (Phạm Văn Mến - Phú Thọ)
Ngài Jorge Rondón Uzcátegui: Anh hùng Simon Bolivar, cố Tổng thống Hugo Chavez và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là người lính, đều cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do hạnh phúc cho nhân dân trong Quốc gia mình và trên thế giới. Người anh hùng Simon Bolivar đã giải phóng 5 nước Mỹ Latinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đánh đuổi thực dân Pháp và có nhiều ảnh hưởng tới sự nghiệp đấu tranh giải phóng của Lào và Campuchia. Trong khi đó, ông Chavez cũng đã tập hợp các nước, xây dựng nên khối liên minh trong cộng đồng châu Mỹ Latinh, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực này.
Bằng việc trao tặng phiên bản thanh gươm của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2006, cố Tổng thống Chavez đã công nhận Đại tướng là một người anh hùng dân tộc của Venezuela.
Trong năm nay, từ trước khi Đại tướng qua đời, Chính phủ Venezuela đã thông qua quyết định trao tặng Huân chương giải phóng hạng Nhất Simon Bolivar cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là huân chương cao quý nhao tặng cho người đã có cống hiến cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân loại.
Theo dự định ban đầu, Tổng thống Venezuela Nicolas Manduro đã tới thăm Việt Nam và trao tặng huân chương này cho Đại tướng. Tuy nhiên, vì nhiều vấn đề khách quan mà ông Manduro đã phải hoãn chuyến thăm này của mình. Cũng rất tiếc vì Chính phủ chúng tôi đã không thể thực hiện được điều này khi Đại tướng còn sống.
Trong một dịp thích hợp tới đây, Chính phủ Venezuela sẽ trao tặng huân chương này cho gia đình Đại tướng.
Đại sứ Venezuela, Ngài Jorge Rondón Uzcátegui (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh
cùng các khách mời tại đầu cầu Hà Nội trong buổi giao lưu trực tuyến.
Ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong lịch sử của mình, Venezuela đã từng ra một nghị quyết tưởng nhớ một vị tướng hoặc chính khách nước ngoài nào khác hay chưa? Lí do vì sao Quốc hội Venezuela lại đưa ra một nghị quyết đặc biệt này dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp? (Lê Đình Bình Minh - Hà Nội)
Ngài Jorge Rondón Uzcátegui: Khi một chính khách trên thế giới qua đời, Venezula sẽ gửi thư chia buồn tới Chính phủ của Quốc gia đó. Song, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người đặc biệt đối với người dân Venezuela. Nhà nước Veneuzela đã ra thông cáo, Quốc hội đưa ra nghị quyết, đồng thời, Đảng Cộng sản Venezuela và Nhà hữu nghị Venezuela - Việt Nam đã gửi thư chia buồn tới Nhà nước và nhân dân Việt Nam, bày tỏ sự tiếc thương đối với Đại tướng. Bởi đối với người Venezuela, Đại tướng là tấm gương sáng về tài năng và nhân cách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ở Venezuela có rất nhiều đảng phái, việc thông qua một nghị định thông thường sẽ mất thời gian và phần lớn không nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, đối với nghị quyết về Đại tướng, cả Đảng cầm quyền và phe đối lập, cánh tả và cánh hữu đều nhất trí bỏ phiếu thuận.
Thưa Đại sứ Venezuela, ngài có thể chia sẻ cảm giác của mình khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần? (Trần Thu Nghĩa - Nữ - Du học sinh tại Pháp)
Ngài Jorge Rondón Uzcátegui: Chỉ một thời gian ngắn sau khi Tướng Giáp mất, tôi đã biết tin. Đó là cảm giác rất đau đớn và buồn bã. Lúc đó tôi cảm thấy như đó là sự mất mát của chính người thân trong gia đình mình. Là 1 đại sứ, tôi và Đại tướng đã gặp gỡ và trò chuyện với nhau và giữa chúng tôi có tình cảm bạn bè, tình anh em, đồng chí. Toàn thể chính phủ và người dân Venezuela chúng tôi cũng có cảm xúc như vậy.
Theo Trí Thức Trẻ