Bạn hãy tưởng tượng thế này. Sau khi TTK VFF Trần Quốc Tuấn phát biểu khai mạc, Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi và Chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi đọc báo cáo sơ kết, đến phần ý kiến của các CLB. Khổ thân, Phó TTK VFF Nguyễn Hữu Bàng kiêm “MC” cầm micro kêu gọi các đội “ý kiến ý cò” thì chỉ nhận được “sự im lặng đáng sợ”.
Ông Bàng phải chỉ định, như “mời anh Hồ Văn Chiêm, đội vô địch lượt đi phát biểu”, nhưng ông GĐĐH SLNA cũng cười cười từ chối. Cuối cùng, chỉ 2 có ý kiến của ông Lê Văn Cường (GĐĐH CLB XSKT.Cần Thơ), ông Mai Đức Chung (HLV trưởng N.SG), nhưng được coi vô thưởng vô phạt, mang tính vuốt ve là chính.
Cuối cùng, buổi sơ kết biến thành màn độc thoại của VFF, BTC, HĐTT QG. Bỏ công, bỏ tiền từ 3 miền đất nước về Thủ đô dự một buổi sáng với tinh thần cờ bay phấp phới, sau đó VFF mời đi ăn trưa rồi ai về nhà nấy, đấy không phải là một buổi sơ kết nghiêm túc. Họ không nghĩ đến quyền lợi của đội bóng, nhà tài trợ và khán giả hâm mộ, rất cần tiếng nói để làm cho bóng đá nước nhà tốt hơn.
Điều đáng nói, đấy không phải là lần đầu tiên buổi sơ kết, hay tổng kết mỗi mùa giải biến thành chuyến du lịch của các CLB, màn độc thoại của BTC và VFF.
Lúc không được nói thì đua nhau lên tiếng, từ trưởng đoàn, HLV, trợ lý cho tới cầu thủ, còn khi cần nói thì cạy miệng không ra. Ảnh: Quang Nhựt
Rõ ràng, bóng đá VN đang thiếu sự phản biện. Đấy là một nghịch lý, bởi bao vấn đề nhức nhối xảy ra không chỉ ở lượt đi mùa giải này, rất cần được những người trong cuộc mỏ xẻ thấu đáo, rút ra “chân lý” cho bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Ai chẳng biết phản biện là một nhu cầu của cuộc sống, bởi nhờ có nó con người có thể loại bỏ những yếu tố sai trái để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, hành vi của mình.
Trong khoa học, phản biện cũng là một trong những cách thức chủ yếu để các nhà nghiên cứu tiệm cận tới các chân lý khoa học. Còn trong đời sống xã hội, phản biện là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ. Bóng đá VN đầy bất cập, thiếu sự thiếu phản biện như thế, là một hiện tượng cần được xem như là bất thường.
Càng nghịch lý bởi ngoài sân cỏ, các đội thi nhau phản ứng, chấp nhận bị phạt. Trong khi đó, những buổi như sơ kết, phản ứng thế nào cũng không bị kỷ luật, các CLB đã chọn cách im lặng.
Rõ ràng, bóng đá chuyên nghiệp VN còn thiếu trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận, chưa xây dựng được văn hoá thảo luận. Do đó, vẫn chưa thể có nền văn hoá phản biện theo đúng nghĩa, thay vào đó là cung cách ứng xử theo kiểu chống đối, phá phách trên sân cỏ.
Thật là nguy hiểm bởi sự im lặng trên có thể suy ra 2 khả năng. Thứ nhất, các CLB sợ nếu nói thẳng, nói thật sẽ bị ghét. Thứ hai, có nói ra cũng không giải quyết được vấn đề gì, theo chiều hướng tích cực. Với bóng đá VN, xem ra cả hai khả năng trên đều đúng. Các bản báo cáo tổng kết trong tiền lệ luôn màu hồng.
Các đội rất sợ bị BTC, ban Kỷ luật và lực lượng trọng tài ghét bỏ bởi những lời nói thẳng. Lúc không được nói thì đua nhau lên tiếng, từ trưởng đoàn, HLV, trợ lý cho tới cầu thủ, còn khi cần nói thì cạy miệng không ra.
Đấy không còn là chuyện riêng của bóng đá nữa.
TTVH Online