Trừng phạt chồng bằng cái chết
Hoàng Thị D., 20 tuổi vốn là cô gái xinh đẹp quê ở Tuyên Quang, năm 2011 bén duyên với một chàng trai Hà Nội, cô trở thành công dân của thủ đô. Cuộc hôn nhân chưa được 1 năm đã nhưng đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Chồng D. vốn tuổi trẻ ham chơi, thiếu quan tâm chăm lo cho gia đình. Khi D. mang thai đứa con đầu lòng, chồng lại càng có cơ chơi bời thâu đêm suốt sáng. D. đã dùng đủ mọi cách khuyên nhủ chồng từ lời ngon ngọt đến to tiếng cãi vã, nhưng chồng cô bỏ ngoài tai tất cả. Quá thất vọng về chồng, D. đã uống thuốc sâu tự tử.
Được người thân đưa vào viện cấp cứu, qua 4 lần lọc máu D. thoát chết, nhưng cái thai trong bụng thì không thể bảo toàn sự sống. D. rời bệnh viện trong tâm trạng tổn thương, đầy nước mắt. D. bảo: “Chỉ khi cận kề với cái chết em mới hiểu cuộc sống là vô giá, em rất ân hận vì đã để mất con…”.
Hà Thu N., 24 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội mang thai ở tuần 34, chỉ vì mâu thuẫn với chồng và gia đình nhà chồng đã uống 100 viên thuốc ngủ tự tử. Sau 4 giờ, người nhà phát hiện ra và đưa cấp cứu tại bệnh viện Hà Đông.
Bệnh nhân đã trải qua 4 lần lọc máu nhưng tiên lượng rất nặng (ảnh minh họa)
Với sự nỗ lực của các bác sĩ, N. đã qua cơn nguy hiểm và được chuyển bệnh viện tuyến trên điều trị. Nguy hiểm nhất là N. đã dùng thuốc ngủ với số lượng nhiều, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới thai nhi cả trong trước mắt và lâu dài.
Lê Thị N., 26 tuổi ở Khoái Châu, Hưng Yên, cũng chỉ vì cãi nhau, tức giận với chồng đã uống thuốc sâu để chết. Vì quá giận chồng, nên N. quên luôn cả việc mình đang mang thai đứa con thứ hai trong bụng. Lúc đau bụng, nôn mật xanh mật vàng, N mới hốt hoảng kêu la chồng đưa vào viện.
“Mẹ sống, con chết”, đó là nỗi đau, sự day dứt trong lòng N. khi được các bác sĩ thông báo về tình trạng sức khỏe sau những sang chấn tâm lý. Chồng N., khi biết được hậu quả đau lòng này cũng trở nên lầm lì. Cả hai đều biết rằng chỉ vì sự kích động nhất thời, mà họ đã làm hại mầm sống đang nảy nở, khiến đứa nhỏ chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời đã phải chết.
Không những mất con, mà gia đình N. còn mang thêm một món nợ khổng lồ lên tới hơn 70 triệu đồng. Đó là tiền tổng cộng từ những xét nghiệm cho người bệnh, 4 lần lọc máu, tiền giường bệnh mỗi ngày, tiền thuốc điều trị, tiền chi phí đi lại…Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, với mấy sào ruộng, không việc làm, chẳng biết đến khi nào vợ chồng N. mới trả hết được nợ.
Sự hối lỗi muộn màng
Thật lạ lùng, trong số những người muốn tìm đến cái chết không phải chỉ là những phụ nữ trẻ mười tám đôi mươi mà có người đã ngoài 30, thậm chí 40 tuổi, mang thai lần thứ 2 thứ 3. Có người để có thai đã phải nỗ lực, cố gắng chạy chữa nhiều nơi…nhưng chỉ vì mâu thuẫn cãi vã với chồng mà quyên sinh và xem đó là sự trừng phạt đối với người chồng của mình.
Cấp cứu người bệnh bị ngộ độc (ảnh minh họa)
Trở về từ cõi chết, nhiều phụ nữ giống “như cái xác không hồn”, ánh mắt thất thần, lặng lẽ nhìn vào hư không. Trong lòng họ rằn vặt bởi “chỉ vì một phút nông nổi đã làm hại đến con mình. Ân hận, nhưng tất cả đều đã muộn.”
Với những phụ nữ mang thai lần đầu, tự tử không chết, thì những ngày sống tiếp theo rất khó khăn. Tình cảm vợ chồng sứt mẻ, mất đứa con cũng đồng nghĩa với việc mất “sợi dây” kết nối giữa hai vợ chồng. Liệu họ có thể tiếp tục xây dựng lâu đài hạnh phúc sau những đổ vỡ hay không, đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Lý giải về vấn đề này, bác sĩ tâm lý cho rằng, thời kỳ mang thai tâm trạng người phụ nữ hay cáu giận bất thường, hai vợ chồng cãi vã chẳng khác nào thêm dầu vào lửa. Người vợ bất chấp cả việc mang thai, sẵn sàng uống thuốc độc tự tử, dường như đã trở thành vấn đề của xã hội.
Cá nhân những người đó nhận thức quá đơn giản về sự sống - chết. Dường như họ (nhất là những phụ nữ trẻ) không có sự trân trọng đối với việc mang thai, không yêu quí cái sinh linh bé bỏng mà mình đang bao bọc. Họ luôn đặt vị trí của cá nhân mình lên trên hết, hơi chút hờn giận, ghen tuông, tự ái, là tự tìm đến cái chết.
Các bác sĩ cho rằng, với những người uống thuốc độc nhưng vẫn bảo toàn được mạng sống, chưa hẳn là mọi nguy hiểm đã hết hoàn toàn. Thực tế, những loại chất độc sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, nó vẫn tồn tại và gây hậu quả về lâu dài, là nguồn gốc dẫn tới bệnh ung thư, đột biến gen.
TTTĐ