Chiều 11/4, tại buổi tập huấn phần mềm quản lý dạy thêm, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở đang lấy ý kiến về các điều kiện tổ chức hoạt động dạy thêm, bao gồm cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự.
Một trong những đề xuất đáng chú ý là quy định các cơ sở dạy thêm không được hoạt động sau 20h, nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
Ông Minh lý giải, TP.HCM là đô thị lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Sau khi tan trường vào khoảng 16–17h, học sinh cần thời gian để về nhà, ăn uống, nghỉ ngơi trước khi tham gia học thêm. Việc kết thúc toàn bộ hoạt động dạy thêm trước 20h được đánh giá là phù hợp và cần thiết.
(Ảnh minh họa).
“Nhiều trường tại TP.HCM tổ chức học 2 buổi mỗi ngày, học sinh gần như ở trường cả ngày. Nếu tiếp tục học thêm, cần có giới hạn hợp lý để đảm bảo sức khỏe, đồng thời các em có thời gian sinh hoạt bên gia đình,” ông Minh nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, Sở GD&ĐT TP.HCM hiện đang lấy ý kiến về các tiêu chí tổ chức dạy thêm, trong bối cảnh thành phố có khoảng 10.000 trung tâm dạy thêm – trong đó có 1.300 trung tâm do giáo viên công lập tổ chức ngoài nhà trường.
Ông Hồ Tấn Minh cho biết thêm, tính đến nay, thành phố có khoảng 3.000 giáo viên đăng ký dạy thêm và có 1.300 cơ sở dạy thêm học thêm.
Phần mềm quản lý dạy thêm học thêm có địa chỉ https://dtht.hcm.edu.vn.
Phần mềm sẽ công khai các trung tâm dạy thêm, học thêm, giáo viên dạy thêm, lớp học, học phí… để phụ huynh, học sinh nắm kỹ thông tin.
Dự kiến từ nay đến hết tháng 4, các cơ sở phải đăng ký thông tin lên hệ thống, nếu chưa có tên trên hệ thống là chưa đủ điều kiện dạy thêm học thêm theo quy định của Thông tư 29.
"Sở sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn trong thời gian sớm nhất để có cơ sở quản lý, hướng dẫn. Từ đó, để đưa việc quản lý dạy thêm học thêm vào quỹ đạo theo đúng quy định", ông Minh nói.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)