Khu công nghiệp Phước An có diện tích 330 ha, nằm tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) - với một mặt giáp cao tốc Bến Lức - Long Thành, mặt còn lại giáp sông Thị Vải và tuyến đường sắt quy hoạch.
Vị trí xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Đây là khu công nghiệp được định hướng phát triển sinh thái, thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có sử dụng công nghệ cao. Phát huy, khai thác lợi thế đặc thù của cảng Phước An.
Khu công nghiệp Phước An có đường tỉnh 771C kết nối cảng Phước An đi xuyên qua, chia thành hai phân khu.
Trong đó, Phân khu A (phía Tây đường tỉnh) có quy mô 58 ha - có vị trí tiếp giáp với nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự kiến tại đây thu hút các mô hình công nghiệp sử dụng công nghệ cao, doanh nghiệp hỗ trợ, nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo.
Phân khu B (phía Đông đường tỉnh) có quy mô gần 272 ha - ưu tiên loại hình công nghiệp hỗ trợ, đa ngành, khu dịch vụ và thiết chế công đoàn. Đây cũng là nơi bố trí đầu mối hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu vực.
Theo quy hoạch, đất sản xuất công nghiệp, kho bãi chiếm hơn 245 ha. Còn lại là đất khu dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh mặt nước, đất giao thông...
Dự kiến, nhu cầu lao động của toàn khu công nghiệp Phước An là khoảng 18.000 lao động. Nhu cầu lưu trú tối đa 1.000 chỗ trong khu vực dịch vụ - phục vụ chuyên gia, người lao động trình độ cao làm việc ngắn ngày.
Bên cạnh đó, UBND huyện Nhơn Trạch sẽ bố trí nhà xã hội, nhà ở công nhân với diện tích khoảng 50 ha tại khu hỗn hợp xã Phước An và xã Long Thọ, nằm ngoài ranh giới quy hoạch dự án.
Trước đó, vào tháng 8/2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (về hạ tầng kỹ thuật và KCN). Theo đó, điều chỉnh chức năng đất tại phân khu dịch vụ hậu cần cảng và cảng Phước An sang đất công nghiệp, xây dựng mới khu công nghiệp Phước An.
Theo quy hoạch, Đồng Nai sẽ có 48 khu công nghiệp
Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ có 48 khu công nghiệp được thành lập.
Trong 48 khu công nghiệp theo quy hoạch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 34 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 11.500 hecta. Trong số này, có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu công nghiệp đang trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và 2 khu công nghiệp mới được thành lập từ tháng 7-2024.
Một góc Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cho biết, qua rà soát danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 16 khu công nghiệp chưa có quy hoạch xây dựng.
Trong đó có 2 khu công nghiệp là Long Đức 3 và Phước An đang được DIZA tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng. Với 14 khu công nghiệp còn lại, DIZA đang đề xuất xin chủ trương UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng đối với 2 khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn (có diện tích từ 1.000 hecta trở lên phải lập quy hoạch chung xây dựng) và quy hoạch phân khu xây dựng đối với 12 khu công nghiệp còn lại.
Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh cũ là Biên Hòa và Long Khánh, Việt Nam. Đây là tỉnh đông dân thứ 5 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An.
Hiện tỉnh Đồng Nai có 2 dự án sân bay dân sự đang được triển khai, hứa hẹn mang đến một tương lai sáng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của vùng Đông Nam Bộ.
Dự án sân bay dân sự thứ nhất ở Đồng Nai là dự án sân bay Biên Hòa, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay thành lưỡng dụng cấp 4E. Sân bay có công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm. Sân bay Biên Hòa tọa lạc tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 25km.
Dự án sân bay dân sự thứ hai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chính là "đại dự án" sân bay quốc tế Long Thành có tầm quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia. Dự án có tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD (khoảng 340.000 tỷ đồng), khi đi vào hoạt động sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)