Nhà máy sản xuất đồ chơi của LEGO tại Bình Dương động thổ xây dựng vào tháng 11/2022 tại Khu công nghiệp VSIP III. Sau hơn 2 năm thực hiện, nhà máy đã được khánh thành vào ngày 9/4.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1,36 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và lớn thứ hai tại châu Á của Tập đoàn LEGO. Đặc biệt, với diện tích sử dụng đất lên đến 44,79 ha (tương đương 62 sân bóng đá), cho phép Công ty có thể mở rộng quy mô hoạt động và phát triển sản xuất trong tương lai.
Nhà máy LEGO tại Khu Công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương.
Đây là một trong những nhà máy sở hữu công nghệ tiên tiến nhất, với hệ thống máy móc hiện đại đảm bảo độ chính xác của mỗi viên gạch LEGO lên đến 1/10 độ dày của sợi tóc. Nhà máy này đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng dài hạn của tập đoàn.
Dự kiến công suất giai đoạn đầu khoảng 30.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án dự kiến tạo ra hơn 4.000 việc làm, đặc biệt là tạo cơ hội để lao động trẻ có thể tiếp cận kỹ năng hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Niels B. Christiansen - Tổng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn LEGO chia sẻ, nhà máy tại Bình Dương cũng là cơ sở sản xuất bền vững nhất của Tập đoàn LEGO tính đến thời điểm hiện tại.
Nhà máy dự kiến sẽ vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo vào đầu năm 2026. Bên cạnh việc lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời áp mái, Tập đoàn LEGO cũng công bố thỏa thuận hợp tác quan trọng với Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) để xây dựng một trung tâm năng lượng ngay khu đất lân cận.
Trung tâm năng lượng sẽ tích hợp giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin quy mô lớn đầu tiên được triển khai tại Việt Nam và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Nhu cầu năng lượng tái tạo còn lại sẽ được đáp ứng thông qua các thỏa thuận mua bán điện (PPA).
Cùng với việc sử dụng năng lượng tái tạo, nhà máy LEGO Việt Nam là nhà máy đầu tiên của Tập đoàn LEGO sản xuất túi đóng gói hoàn toàn bằng giấy để thay thế túi nhựa.
Nhà lãnh đạo này cũng cho hay, việc triển khai mô hình lưu trữ năng lượng kết hợp PPA không chỉ giúp LEGO giảm thiểu carbon mà còn mở đường cho nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam cùng chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch. Ông khẳng định đây là một trong những sáng kiến tiên phong về năng lượng tái tạo trong ngành sản xuất tại Việt Nam hiện nay.
Đối với Bình Dương, Nhà máy LEGO sẽ là động lực mới thúc đẩy chuyển đổi kinh tế từ các ngành truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, xanh và sạch, kiến tạo hệ sinh thái kinh tế bền vững với các ngành hỗ trợ như dịch vụ hậu cần và giáo dục kỹ thuật.
Ở tầm quốc gia, Nhà máy LEGO là động lực mới cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời đóng góp vào cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó thủ tướng Mai Văn Chính cho biết, việc khánh thành nhà máy LEGO hôm nay đã hiện thực hóa cam kết giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo Tập đoàn LEGO tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm 2021.
Phó thủ tướng thông tin, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới là thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Việc khánh thành nhà máy LEGO với các tiêu chí xanh, bền vững là sự mở đầu cho việc thu hút các dự án bền vững tại Việt Nam.
Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn lớn đến đầu tư.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)