Theo ông Henry Bambang Soelistyo, lãnh đạo Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia: Mảnh vỡ lớn nhất trong số này có chiều dài 18m, rộng 5.4m.
Các nỗ lực tìm kiếm đã gặp nhiều trở ngại hôm qua 3/1, do sóng lớn. Tuy nhiên, tình hình có thể được cải thiện đáng kể trong ngày Chủ nhật và các quan chức Indonesia hy vọng họ sẽ tìm thấy thêm nhiều hành khách và phi hành đoàn bên trong, vẫn còn kẹt ở chỗ ngồi của mình.
Hải quân Indonesia trục vớt các thi thể nạn nhân thiệt mạng và đưa lên tàu
(Ảnh: Reuters)
Tính đến ngày 3/1, lực lượng cứu hộ đã vớt 30 thi thể nạn nhân từ vùng biển xảy ra tai nạn, trong đó 18 thi thể đã được đưa về Surabaya để nhận dạng và khám nghiệm.
Khi các hộp đen của máy bay chứa các dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái - vẫn chưa thể định vị được, các phát hiện về mảnh vỡ máy bay, đặc biệt là những mảnh vỡ lớn còn gần như nguyên vẹn sẽ có ích rất nhiều cho công tác điều tra.
Trong khi đó, một báo cáo sơ bộ của Cơ quan khí tượng thủy văn Indonesia cho rằng, thời tiết là yếu tố lớn nhất đằng sau vụ tai nạn máy bay của hãng AirAsia. Báo cáo trên cho hay, nhiệt độ cực thấp đã khiến động cơ máy bay bị đóng băng và tình trạng này rất khó để tránh khỏi.
Một điều chưa thể lý giải được về nguyên nhân vì sao chiếc máy bay lại vào khu vực biển Java mặc dù biết rằng thời tiết lúc đó hoàn toàn bất lợi?
“QZ8501 biết rõ diễn biến thời tiết ở đó rất xấu, phi công hoàn toàn có thể đánh giá được tình hình từ trước để giảm bớt nguy hiểm”. Trích báo cáo 14 trang của Cơ quan khí tượng thủy văn Indonesia.
Hadi Mustofa Djuraid, một quan chức của Bộ Giao thông Indonesia cũng nêu thắc mắc này trong buổi họp báo 3/1 rằng nhà chức trách cũng đang điều tra khả năng phi công QZ8501 đã không yêu cầu một bản tin thời tiết từ cơ quan khí tượng tại thời điểm cất cánh.
Theo Reuters, ông Djoko Murdjatmodjo, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hàng không Indonesia, từ thứ 2 ngày 5/1, Bộ giao thông vận tải nước này sẽ điều tra 15 tuyến đường bay của các nhà cung cấp dịch vụ bay tại Indonesia.
Đại diện AirAssia tại Indonesia cam kết phối hợp làm việc với Bộ giao thông vận tải nước này.
Chiếc Airbus 320 gặp nạn ngày 28/12 trên đường từ Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia tới Singapore. Phút cuối trước khi mất liên lạc, phi công đã yêu cầu bộ phận kiểm soát không lưu cảnh báo máy bay vào vùng nhiều mây, yêu cầu bay cao hơn, song yêu cầu bị từ chối điều chỉnh độ cao do thời điểm đó, lưu lượng hàng không đang dày đặc.
Theo VOV.vn