Một vụ giết người dã man vừa diễn ra tại Tp.HCM. Nạn nhân được phát hiện trong một căn phòng trọ, đã bị chặt đầu và tứ chi. Theo lời khai của những nghi can tại cơ quan công an, thì họ đã giết người để tự giải thoát khỏi một mối tình đồng tính. Duy và Tuấn, hai người nam từng có quan hệ tình cảm, nhưng rồi Duy lại yêu Linh, một cô gái. Tuấn đe dọa, ngăn cấm, và cặp đôi Duy-Linh đã cùng tham gia vào một vụ giết người để có tự do.
Đó là một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng sự đáng sợ của nó sau đó lại được tô điểm bằng cái cách mà người ta tiếp nhận: họ nhanh chóng đưa “đồng tính” ra như một trong những nguyên nhân.
“Đây là lý do tôi bài trừ tình cảm đồng giới” – một người viết. “Đồng ý với bạn” – một người khác viết. Hơn 100 lượt “thích” được đặt dưới bình luận này.
Sự quy kết này có thể là vô thức. Nhưng nó được tạo ra từ một cơ chế tâm lý rất dễ hiểu, mà người xưa đã đúc kết trong ca dao. Thương nhau củ ấu cũng tròn. Ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông. Sự kỳ thị vốn đã có từ trước, sau đó nó chỉ cần một cái cớ để người ta thể hiện.
Cách đây chưa lâu tại Hà nội cũng đã diễn ra một vụ tai nạn mà rất nhanh sau đó những “nhà quan sát” quy kết nó cho việc người gây ra tai nạn là dân “ngoại tỉnh” không biết tôn trọng luật giao thông ở thủ đô.
Thậm chí có vị có chức sắc của thành phố lớn đã từng quy kết sự thiếu ổn định xã hội cho “dân nhập cư”.
Nhiều năm về trước, một trong những nhà sinh vật học nổi tiếng nhất thế giới, từng có giải Nobel đã từng dày công nghiên cứu để đưa ra tuyên bố: Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng để kết luận rằng trí tuệ của người da đen không phù hợp với việc họ được hưởng các chế độ xã hội tương đương với “chúng ta” (người da trắng). Sau tuyên bố này, ông đã mất toàn bộ sự nghiệp.
Có thể nhà khoa học đó thực sự đã tìm ra một vài “bằng chứng” gì đó. Nhưng rốt cục là cái công trình của ông đã được thực hiện với động cơ nào? Nếu động cơ ngay từ đầu đã là sự kỳ thị, nếu ngay từ đầu cái kết luận đã được xác lập trong đầu óc, thì người ta hoàn toàn có thể tìm thấy bằng chứng để phục vụ cho cái kết luận ấy, như vụ án mạng kể trên.
Ngày mai, có thể một nhà nghiên cứu nào đó của Việt Nam sẽ đi thống kê và phát hiện ra rằng tỷ lệ án mạng trong các tình yêu đồng tính cao hơn dị tính, hoặc ngược lại, thì cũng coi là một loại “bằng chứng”. Bằng chứng kiểu này có giá trị như thế nào mỗi người có thể tự trả lời.
Và những sự quy kết kiểu như thế này có thể tạo ra những tác hại không bao giờ lường được. Tâm lý yếm thế của người “ngoại tỉnh” khiến cho họ sống theo kiểu địa phương chủ nghĩa và sẵn sàng hy sinh lợi ích tập thể để được bao bọc nhau (đơn cử, chuyện tuyển dụng ở các cơ quan nhà nước). Tâm lý yếm thế của những người đồng tính khiến họ trở nên dễ rơi vào trạng thái bế tắc và có những hành động mất kiểm soát hơn.
Cái nguyên nhân cuối cùng của sự tha hóa (nếu có), có thể lại là từ việc họ bị kỳ thị, từ những người xung quanh chứ không phải chính họ.
DepPlus.vn/MASK