Chân bệnh nhân đã ổn định
Thông tin do bác sỹ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cung cấp. Theo bác sỹ Hưng, sau khi xảy ra vụ việc, bệnh nhân được xử lý cấp cứu nhanh, vết thương ở chân đã ổn định và đang được điều trị tích cực.
Tình trạng bệnh nhân D. hiện đã ổn định, vết thương ở
chân đã khô.
Tuy nhiên, do bệnh nhân bị ung thư, di căn lên não nên ngay từ khi vào viện bệnh nhân đã không được tỉnh táo, sức khỏe yếu, não bị tổn thương nhiều (trong 5 ngày nằm viện – từ 23-28/12, bệnh nhân đã có 2 lần dọa tử vong do có vấn đề về đường thở).
Sau khi phẫu thuật, bệnh viện có tiến hành chụp tổn thương não thì phát hiện có tổn thương khá lớn, lúc nào cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Sáng nay, khi được bác sỹ vào khám, hỏi han, bệnh nhân vẫn nhận biết được, nắm được tay bác sỹ, vẫn tiếp tục dùng thuốc an thần. Bệnh nhân vẫn có người nhà đến chăm sóc bình thường. Tăng cường an ninh bệnh viện
Theo PGĐ Nguyễn Đình Hưng, bình thường người lạ ra vào buồng bệnh của các bệnh nhân rất khó do có đội ngũ bảo vệ kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, người thân đến chăm sóc bệnh nhân đều phải có thẻ và áo riêng theo đúng quy định của bệnh viện. “Sự việc vừa rồi là không thể tưởng tượng được vì người gây ra là người thân của bệnh nhân. Đây không chỉ là vấn đề an ninh của riêng một bệnh viện nữa mà đã trở thành vấn đề an ninh xã hội”, ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Đình Hưng - PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn.
Xác định bệnh nhân nào cũng cần có người chăm sóc, là tình cảm gia đình bệnh viện không thể cấm đoán và nhân viên y tế không đủ để có mặt 24/24 giờ.
Ông Hưng cho biết, sau sự việc xảy ra an ninh đã được tăng cường ở các cửa ra vào và tập trung vào cả 2 hướng: Lực lượng bảo vệ bệnh viện chốt ở các cửa, lối đi chính và lực lượng vệ sỹ ứng phó khi có tình huống khẩn cấp. Còn ông Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp cho biết đường dây nóng về chuyên môn và an ninh, bảo vệ cũng được củng cố lại để có thể tiếp nhận thông tin thông suốt, nhanh hơn trong những trường hợp bất ngờ.
“Tập huấn” cho người nhà
Việc người thân vào chăm sóc người nhà nằm viện là việc bình thường ở Việt Nam song thực tế không phải người nhà nào cũng hiểu, chấp hành các quy định của bệnh viện. Theo ông Phạm Mạnh Thân, người nhà đến bệnh viện trông nom người bệnh đều phải được y tá hướng dẫn cụ thể về cách cho ăn, uống, vệ sinh, … để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, tránh bị sặc hoặc nhiễm khuẩn. Ngoài ra, họ cũng cần hiểu các nội quy của bệnh viện để phối hợp với các cán bộ y tế nhằm chăm sóc người bệnh tốt nhất. “Trên thực tế, đã có những người nhà bày tỏ thái độ không nhã nhặn với cán bộ y tế, đưa ra những yêu cầu này khác, … song khi được giải thích thì họ chấp hành”, ông Thân nói.
Theo Vietnamnet.vn