Dù chồng đã trở về sau 10 năm xa cách vì án oan, nhưng chị Nguyễn Thị Chiến vẫn gào lên thảm thiết: “10 năm nay, đêm nào tôi cũng khóc. Các con ngủ hết nhưng một mình tôi cứ khóc thầm vì tủi thân...".
"Đêm nào tôi cũng khóc"
Chồng bị bắt, chị Nguyễn Thị Chiến cáng đáng mọi việc trong nhà, cuộc sống gia đình dường như đè nặng thêm nên đôi vai của chị. Ngoài cấy gần một mẫu ruộng, chị còn làm đủ mọi công việc để trang trải cuộc sống như bán thịt, phụ xây, phụ sơn…
Kể về những khó khăn trong cuộc sống sau khi chồng bị bắt, chị Chiến ôm mặt khóc: “Làng trên xóm dưới họ xì xào bàn tán. Đi đâu họ cũng bàn, cũng nói rằng thằng Chấn giết chị Hoan. Họ ghét cả nhà tôi”.
Rồi chị kể: “Trước đây chồng tôi làm nghề chở thuê bằng xe ngựa, anh ấy bị bắt thì con tôi tiếp tục làm. Nhưng kể từ đấy, chẳng ai còn thuê xe ngựa nhà tôi nữa. Tôi đành đem bán cả xe cả ngựa. Họ lại làm khó, chỉ mua ngựa mà không mua xe nên tôi đành bán tháo, bán rẻ phương tiện mưu sinh của cả nhà”.
Từ lúc anh Chấn trở về, dù vui nhưng chưa lúc nào chị Chiến ngừng khóc.
Khi anh Chấn bị bắt, con trai anh là Nguyễn Hữu Quyết cũng dang dở chuyện học hành. Anh Quyết chia sẻ: “Mình là con trưởng trong nhà, bố bị đi tù nên không tiếp tục ôn thi đại học được nữa, còn phải ở nhà lo giúp đỡ mẹ”.
Trước đấy, Quyết có yêu một cô gái và xác định là sẽ cưới. Nhưng khi nghe tin bố Quyết bị đi tù thì cô ấy cũng đã bỏ rơi anh.
Anh Nguyễn Hữu Quyết - con trai anh Chấn nấu cơm để cúng tổ tiên mừng
ngày bố trở về.
Từ ngày tòa kết án anh Nguyễn Thanh Chấn giết chị Nguyễn Thị Hoan và tuyên án tù chung thân đối với Chấn, mối quan hệ giữa gia đình chị Chiến và dòng họ cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Xét trong mối quan hệ thì gia đình chị Chiến và gia đình chị Hoan là họ nội tộc.
“Ông Bờ, bố đẻ chị Hoan, quá đau xót trước cái chết của con gái mình nên đòi đuổi gia đình chị Chiến ra khỏi họ. Nhiều người trong họ cũng cho rằng Chấn là hung thủ gây ra cái chết của chị Hoan nên mỗi khi đi qua nhà đều giếc móc, chửi bới”, anh Nguyễn Hữu Quyết kể.
10 năm đằng đẵng viết đơn kêu oan cho chồng
Dù kinh tế không khá giả, nhưng trong suốt quãng thời gian đầu từ 2003- 2007, chị Chiến vẫn thường xuyên đến thăm và mang đồ tiếp tế đến cho chồng tại trại giam Vĩnh Phúc. Dù đồ mang lên cho anh Chấn chỉ là gạo, muối vừng và vài con cá, con tép – những thứ chủ yếu do nhà tự làm ra được kèm theo một ít tiền. Sau này, kinh tế gia đình càng lúc càng eo hẹp, số lần đến thăm chồng của chị cũng thưa dần nhưng không vì thế mà anh Chấn buông lời trách móc.
Quãng đường đến để thăm chồng với chị Chiến giống như một thử thách. Chị kể: “Gia đình tôi không có xe máy, mỗi lần đi lên thăm chồng đều phải đi mượn. Có lần cái Quyền, con gái chị Chiến, đèo mẹ đi thăm bố nhưng buồn ngủ quá nên bị tai nạn, phải đền xe cho người ta. Sau này chắt bóp mãi, gia đình cũng mua được cái xe, việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Nhưng có xe rồi vẫn khổ, có lần lên thăm ông ấy mà thủng săm đến bốn lần, lúc ý sao tôi thấy cuộc sống nhiều đớn đau thế”.
Vợ chồng anh Chấn - chị Chiến mừng tủi lên nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho bố.
Từ khi anh Chấn được trở về với gia đình, hàng trăm người dân, hàng xóm, láng giềng kéo đến chia vui. Vừa mừng, vừa tủi, chị Chiến chỉ biết khóc. Chồng về mà chị chẳng ngủ được chút nào, cứ thức suốt đêm. Người phụ nữ ấy khóc đến oặt cả người, vừa khóc chị vừa nói: “Nếu bố mà không phải là liệt sĩ, có công với cách mạng thì người ta đã tử hình ông ấy lâu rồi”.
Trong lúc thắp hương, chị Chiến và chồng luôn miệng gọi bố và khóc:
"Ới cha ơi, con trai của cha đã được về".
Chị tiếp tục chia sẻ: “Chồng tôi bị bắt vì giết người, tòa án người ta nói thế, nhưng gia đình tôi không bao giờ tin. Cho đến khi bố bà Lành (Bà Lành là vợ ông Chúc – bố của nghi phạm Lý Văn Chung - PV) là ông Hiền đến gặp tôi và nói rằng: Anh Chấn Oan quá, nhưng chuyện này khó nói quá thì tôi mới hiểu ra chuyện.
Suốt 10 năm trời, tôi gửi đơn đến tòa án nhân dân Bắc Giang, Viện kiểm sát nhân dân Bắc Giang, rồi lại gửi lên Hà Nội để trình bày oan sai cho chồng. Số lượng đơn giờ không thể đếm xuể, tôi cứ kêu, cứ khóc trong vô vọng, không nghĩ chồng mình có ngày trở về".
Nghe chị Chiến kể về cuộc sống 10 năm đằng đẵng không có chồng ở bên mà họ hàng, làng xóm ai cũng khóc. Cô Nguyễn Thị Định, chị gái cô Chiến, ra sức bóp tay, bóp chân cho em mà mắt ứa nước: “Thôi em đừng kể nữa, khổ lắm rồi”.
phunutoday.vn