Một ủy ban độc lập đã tiến hành điều tra thương hiệu Daihatsu (thuộc tập đoàn Toyota) sau khi hãng này, hồi tháng 4, thừa nhận đã gian lận trong bài kiểm tra an toàn của khoảng 88.000 xe cỡ nhỏ; phần lớn trong số đó được bán dưới thương hiệu Toyota.
Tuy nhiên, những tiết lộ gần đây cho thấy phạm vi của vụ bê bối gian lận an toàn này còn lớn hơn rất nhiều và đã diễn ra từ rất lâu trước đó, có thể phá hủy danh tiếng của cả hai về chất lượng và độ an toàn.
Daihatsu là công ty con của tập đoàn ôtô Toyota. Ảnh: Bloomberg
20 mẫu xe liên quan trực tiếp tới Toyota
Được biết, sự vụ lần này có liên quan đến tổng cộng 64 mẫu xe, trong đó có đến 20 mẫu xe được bán ra dưới thương hiệu Toyota.
Hồi tháng 4, Daihatsu từng thừa nhận gian lận khi tiến hành thử nghiệm an toàn va chạm sườn trên 88.000 ôtô con khác nhau.
Nguồn tin từ Reuters vào thời điểm đó cho biết số này bao gồm khoảng 76.000 xe Toyota Yaris Ativ (còn được biết đến với tên gọi Toyota Vios) dành riêng cho thị trường Thái Lan và Mexico, cùng với khoảng 11.800 xe Perodua Axias sản xuất tại nhà máy ở Malaysia.
Sau sự việc này, một hội đồng độc lập đã được thành lập và tiến hành điều tra, từ đó phát hiện rằng phạm vi của vụ bê bối lớn hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu.
Nhiều mẫu xe mang thương hiệu Toyota nhưng do Daihatsu sản xuất (Ảnh minh họa: Getty Images/Bloomberg)
Reuters đánh giá sự cố lần này có thể làm hoen ố danh tiếng của các nhà sản xuất ôtô về chất lượng an toàn, bởi phạm vi ảnh hưởng bao trùm nhiều mẫu xe Toyota và Daihatsu tại những thị trường ngoài Nhật Bản, cùng với một số mẫu xe Mazda và Subaru dành riêng cho thị trường nội địa.
Cụ thể, cuộc điều tra cho thấy bộ điều khiển túi khí (ACU) được Daihatsu sử dụng trong các cuộc thử nghiệm an toàn đã không trùng khớp với chi tiết mà họ trang bị trên các mẫu xe thương mại đang xuất hiện trên thị trường. Các mẫu xe bị ảnh hưởng bao gồm Toyota Town Ace, các mẫu Toyota Pixis Joy và Mazda Bongo.
Nguồn tin từ Reuters cho hay Bộ Giao thông Nhật Bản sẽ sớm tiến hành kiểm tra trụ sở của Daihatsu đặt tại thành phố Osaka. Trong khi đó, các giám đốc điều hành của Daihatsu xin lỗi và xác nhận những chuyến hàng ra nước ngoài sẽ bị tạm dừng cho đến khi các cơ quan quản lý cho phép đơn vị này bán xe trở lại.
Dù vậy, Reuters dẫn lời đại diện Toyota khẳng định chưa nhận được bất kỳ báo cáo tai nạn nào liên quan đến vấn đề nói trên. Tập đoàn ôtô hàng đầu Nhật Bản cũng thừa nhận các cuộc thử nghiệm va chạm sườn tiến hành trên 2 mẫu xe có thể đã bị gian lận, nhưng quá trình xác minh sau đó đã đi đến kết luận túi khí trang bị trên xe vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cho hành khách.
Liên quan đến vấn đề này, ông Soichiro Okudaira, chủ tịch Daihatsu, thừa nhận tình hình đang “cực kỳ nghiêm trọng”. Vị này cho biết thêm rằng mọi giấy phép pháp lý mà Daihatsu có được thông qua các hành vi gian lận đều có khả năng bị thu hồi.
Danh sách xe bị ảnh hưởng bởi bê bối gian lận an toàn của Daihatsu có mẫu Toyota Avanza bán tại Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)
Việt Nam được nhắc tên
Reuters dẫn thông cáo mới nhất từ Daihatsu cho thấy các mẫu xe bị ảnh hưởng được sản xuất riêng cho thị trường Đông Nam Á, bao gồm các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.
Sản phẩm của Daihatsu tại các thị trường ôtô ở Trung và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruguay cũng nằm trong diện chịu ảnh hưởng.
Hồi tháng 5, Daihatsu từng phải tạm ngừng phân phối các mẫu Toyota Raize Hybrid và Daihatsu Rocky do phát hiện vấn đề trong quá trình thử nghiệm an toàn.
Được biết, Daihatsu là đơn vị sản xuất ôtô con của Toyota, đồng thời chịu trách nhiệm sản xuất các xe Kei-car vốn rất phổ biến tại Nhật Bản.
Theo dữ liệu của Toyota, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu ôtô trong 10 tháng đầu năm, với gần 40% trong số đó xuất xưởng ngoài phạm vi Nhật Bản. Doanh số của Daihatsu đạt khoảng 660.000 xe trên toàn cầu trong giai đoạn này, chiếm khoảng 7% tổng doanh số mà Toyota sở hữu.
Tại Việt Nam, Toyota phân phối 5 dòng xe có liên quan trực tiếp tới Daihatsu, bao gồm Wigo, Raize, Veloz Cross, Avanza, và Yaris Cross.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)