Mấy ngày nay, dư luận đang vô cùng bức xúc, phẫn nộ trước hành động phi nhân tính và đi ngược lương tâm nghề nghiệp của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (nhân viên khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai và là Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường) khi hành nghề thẩm mỹ “chui” và đã nhẫn tâm phi tang xác bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền sau khi gây ra cái chết của chị trong ca phẫu thuật nâng ngực.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã bị bắt khẩn cấp về hành động phi nhân tính
bất chấp lương tâm nghề nghiệp
Người ta tự hỏi: Tại sao bác sĩ Tường thay vì báo với gia đình, cơ quan chức năng sau khi gây ra cái chết cho chị Huyền lại vứt xác để phi tang?
Lần theo dấu vết từ sự mất tích bất thường
Trao đổi với báo chí, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội cho biết: Vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973) phi tang xác bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, trú tại 36 Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được phát hiện vào 23 giờ ngày 19.10, tại đường Cổ Linh, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.
Theo đó, vào thời điểm trên, anh Vũ Văn Tuấn (SN 1990, trú tại Thạch Bàn, Long Biên) trên đường đi xem phim ở Vincom về, đến đường Cổ Linh phát hiện trên vỉa hè có một xe máy nhãn hiệu Lead màu đen mang BKS 30K2- 8747 đỗ nghiêng trên vỉa hè trong tình trạng khóa vẫn cắm ổ điện và trên móc xe treo một túi xách nhỏ. Anh Tuấn gọi hai người bạn tới hiện trường và cùng mở túi xách. Trong túi có hai thẻ ATM, một chiếc điện thoại màu đỏ và một chứng minh thư mang tên Lê Thị Thanh Huyền. Kiểm tra điện thoại, anh Tuấn thấy có rất nhiều cuộc gọi nhỡ. Anh gọi ngược lại vào một số điện thoại và tìm được người thân của chủ nhân.
Cảnh sát áp giải Nguyễn Mạnh Tường đến cầu Thanh Trì để chỉ
địa điểm đã phi tang xác người xuống sông Hồng
Sau đó, anh Nguyễn Hữu Huy (SN 1973, trú tại 36 Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nơi để xe và cho biết chị Lê Thị Thanh Huyền là vợ mình. Anh Huy cho biết, chị Huyền ra khỏi nhà vào lúc 8 giờ 45 ngày 19/10, đi có việc riêng nhưng đến tối không về. Từ 22 giờ cùng ngày, gia đình anh chia người đi nhiều nơi tìm nhưng không thấy.
Sau khi nhận được thông tin, cơ quan CSĐT, Công an Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, khám nghiệm hiện trường, và tổ chức xác minh điều tra. Thông qua lời khai của những người trong gia đình, xác định chị Huyền làm trưởng phòng bán vé máy bay của Công ty du lịch lữ hành Sài Gòn tại Hà Nội.
Công an đã làm việc với công ty và những người thân quen, xác định trước đó, chị Huyền có thông tin đi thẩm mỹ viện nâng ngực. Một nguồn tin khác cho biết, chị Huyền đã nhiều lần bàn với anh Huy, chồng mình xin được đi làm phẫu thuật thẩm mỹ nhưng anh Huy đều gạt đi không đồng ý. Ngày 19/10, trước lúc ra khỏi nhà, chị Huyền nói dối chồng là đi hội thảo. Chiều cùng ngày, chị Huyền nhắn cho chồng là đi sinh nhật về muộn, nhưng đến tối vẫn không thấy về. Chỉ đến khi có người gọi thông báo về chiếc xe của vợ để tại khu vực đường Cổ Linh thì anh Huy mới biết vợ mình mất tích.
Thông qua một người bạn của chị Huyền, anh Huy mới biết vợ mình đi phẫu thuật tại thẩm mỹ viện Cát Tường, nhưng khi mời lên cơ quan công an làm việc phía Cát Tường hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm. Sáng 22.10, anh Huy tình cờ phát hiện hóa đơn thanh toán tiền ghi tên cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường (thu 50 triệu đồng) thì mọi chuyện đã sáng tỏ. Đến lúc này thì bác sĩ Tường buộc phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Sợ trách nhiệm, bác sĩ hành động vô nhân tính
Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường mở cửa từ tháng 4.2013 do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, làm giám đốc, có 20 nhân viên làm việc tại đây. Cơ sở y tế này được cấp giấy kinh doanh, ngành nghề, nhưng chưa có giấy phép của Sở Y tế Hà Nội hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo lời khai của Nguyễn Mạnh Tường thì ông đã làm phẫu thuật thẩm mỹ từ khi mở trung tâm. Khoảng 9 giờ ngày 18.10, chị Huyền đã đến thẩm mỹ viện Cát Tường để liên hệ làm phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực. Chị Huyền đã dặt cọc 50 triệu đồng và được nhân viên hẹn ngày 19.10 đến để thực hiện phẫu thuật.
Vào 10 giờ sáng ngày 19.10, chị Huyền đến trung tâm, làm thủ tục nhập viện. Đến khoảng 12 giờ, Nguyễn Mạnh Tường và 3 nhân viên của trung tâm gồm Lê Thị Ngọc Vân, Bùi Thị Hoa và chị Thư (đều là y tá) đã tiến hành gây mê, hút toàn bộ mỡ, nâng ngực cho chị Huyền.
Nguyễn Mạnh Tường khai đã dùng ống bơm kim tiêm loại 50 cc hút 11 ống mỡ rồi dùng các ống bơm trên, bơm lượng mỡ vừa hút được vào 2 vú của chị Huyền. Các công đoạn trên được thực hiện đến khoảng 16 giờ. Sau đó, 3 nhân viên đưa chị Huyền ra phòng ngoài nằm nghỉ. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có biểu hiện co giật chân tay, nháy mắt, sùi bọt mép.
Thấy vậy, bác sĩ Tường đã tiêm cho chị Huyền thuốc chống sốc. Sau khi tiêm xong, chị Huyền không còn biểu hiện trên nữa. Tuy nhiên, đến khoảng 17 giờ 45, nhân viên phát hiện chị có biểu hiện tím tái, mạch yếu không đo được và đã thông báo cho Tường biết. Do đã rời khỏi trung tâm nên Nguyễn Mạnh Tường đã hướng dẫn cho nhân viên truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc, cho thở ô xy. Sau đó Nguyễn Mạnh Tường quay lại trung tâm và làm các biện pháp cấp cứu khác cho chị Huyền, nhưng tình trạng của chị Huyền vẫn không thuyên giảm.
Đại tá Dương Văn Giáp (đứng) trao đổi với báo chí về vụ việc bác sĩ
ném xác bệnh nhân xuống sông để phi tang
Nguyễn Mạnh Tường tiếp tục đặt ống thở và tiêm thuốc trợ tim nhưng chị Huyền đã chết lâm sàng, dù Tường tiếp tục các biện pháp cấp cứu khác, nhưng sau đó chị Huyền đã tử vong. Là bác sĩ trực tiếp phẫu thuật lại là giám đốc trung tâm, Nguyễn Mạnh Tường sợ trách nhiệm nên đã nảy sinh âm mưu phi tang xác bệnh nhân hòng trốn tránh tội lỗi. Tường đã cho nhân viên giải tán, về nghỉ rồi cùng một số nhân viên khác thu dọn đồ đạc, cho chở sổ sách khám chữa bệnh cùng trang thiết bị đi nơi khác cất giấu để nhằm xóa dấu vết.
Đến tối, Nguyễn Mạnh Tường sử dụng xe ô tô cá nhân mang biển kiểm soát 29A - 4881 và cùng nhân viên bảo vệ là Đào Quang Khánh , mang xác chị Huyền xuống ô tô. Khánh đi xe máy đi trước và Tường lái ô tô đi sau, hai người chạy lòng vòng qua nhiều nơi, lên đê Vĩnh Tuy và sang Cổ Linh. Sau đó, Khánh bỏ xe chị Huyền ở Cổ Linh, lên xe ô tô cùng Tường tiếp tục vòng đường đê về cầu Thanh Trì. Khoảng 23 giờ 30, đến giữa cầu Thanh Trì, Tường cùng Khánh khiêng xác chị Huyền vứt xuống sông.
Hiện tại, cơ quan công an TP.Hà Nội đã phối hợp cùng các địa phương Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình… sử dụng nhiều biện pháp để tìm xác nạn nhân. Cùng ngày 22.10, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở và làm việc của Nguyễn Mạnh Tường.
Trao đổi với báo chí, Đại tá Dương Văn Giáp khẳng định: Nguyễn Mạnh Tường bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra làm rõ hành vi “Giết người”, khi tìm được thi thể nạn nhân và pháp y, xác định được nguyên nhân tử vong thì có thể thay đổi tội. Tuy nhiên, quan điểm của Công an thành phố Hà Nội là phải xử lý nghiêm và bản thân Nguyễn Mạnh Tường cũng đã nhận tội.
Đại tá Giáp còn cho biết thêm: Đây là hành động vô cùng nguy hiểm, có tính chất trốn tránh tội lỗi và không có đạo đức nghề nghiệp cũng như tính người bởi cũng có khả năng, khi Nguyễn Mạnh Tường ném chị Huyền xuống sông thì chị Huyền có thể vẫn còn sống. Ngoài ra, khi chị Huyền có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng, Tường cũng không đưa chị đến bệnh viện cấp cứu mà chỉ sử dụng các biện pháp cấp cứu tại trung tâm.
Biết nguy hiểm nhưng vẫn bất chấp
Ngày 22.10, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Ngay khi có thông tin về vụ việc này, Thanh tra Sở đã tiến hành xác minh việc đăng ký hành nghề của thẩm mỹ viện Cát Tường.
Theo ông Cường, thẩm mỹ viện Cát Tường chưa được Sở Y tế cấp phép thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mĩ. Theo quy định, thẩm mỹ viện chỉ được phép làm các dịch vụ đơn giản như chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da mặt, tập thể dục, massage săn chắc cơ ngực… Những dịch vụ này chỉ cần đăng ký giấy phép kinh doanh. “Tuy nhiên, để thực hiện bất cứ phẫu thuật, thủ thuật gây chảy máu nào như xăm mắt, xăm môi, phẫu thuật nâng ngực thì đều phải có cấp phép của Sở Y tế. Vì thế, thẩm mỹ viện Cát Tường không được cấp phép nên việc tiến hành phẫu thuật là hành nghề chui”.
Theo bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề tư nhân (Sở Y tế) Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Tường đã được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề về ngoại khoa, phụ trách phẫu thuật cơ xương tại bệnh viện..
Một bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ (đề nghị giấu tên) cho biết, nâng ngực bằng mỡ tự thân là loại phẫu thuật hút mỡ từ bụng hoặc đùi để bơm vào ngực. Khi hút hay bơm mỡ sẽ gây chảy máu nhiều ở các khu vực bị hút mỡ, nếu chạm vào các động mạch gây vỡ động mạch thì có thể cháy máu ồ ạt.
Đồng thời, mỡ hoặc máu đông có thể chui ngược vào mạch máu, gây tắc mạch máu não hoặc phổi. Bệnh nhân nhân có thể bị sốc, liệt hoặc tử vong. Do đó, việc hút mỡ có tỷ lệ tai biến khá cao. Nếu vừa bơm mỡ, vừa hút mỡ thì còn làm tăng khả năng gây tai biến gấp đôi. Theo vị bác sĩ này, trước đó, tại một bệnh viện lớn đã từng xảy ra vụ tử vong do phẫu thuật nâng ngực bằng mỡ tự thân.
Vị bác sĩ này cho biết, khi bệnh nhân hút mỡ, bơm mỡ cần phải gây mê toàn thân. Đây là kỹ thuật đòi hỏi phải thực hiện ở bệnh viện, không được phép thực hiện ở phòng khám tư nhân, kể cả phòng khám được phép phẫu thuật. Để giảm thiểu rủi ro, bệnh nhân cũng có thể thực hiện hút mỡ 3-4 lần để tránh chảy máu ồ ạt. Nhưng do mức độ nguy hiểm của phẫu thuật “nâng ngực bằng mỡ tự thân” nên nhiều bệnh viện cũng đã bỏ kỹ thuật này từ rất lâu rồi.
Chiều ngày 22.10, ngay sau khi nhận được thông tin về việc “thẩm mỹ viện làm chết khách hàng rồi vứt xác xuống sông Hồng”, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra rõ thông tin và báo cáo về Bộ. Trao đổi với báo chí về việc có thanh tra các trung tâm thẩm mỹ về vấn đề trên hay không, Đại tá Dương Văn Giáp cho biết: Đây là trách nhiệm của ngành y tế, còn cơ quan công an luôn sẵn sàng phối hợp khi cần thiết.
Chân dung hung thủ
Nguyễn Mạnh Tường có bằng thạc sĩ, bác sĩ (40 tuổi, trú xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai-Hà Nội. Theo tìm hiểu được biết, Nguyễn Mạnh Tường từng công tác ở nhiều bệnh viện trong đó có viện 108, Bệnh viện Việt Đức, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Hiện Nguyễn Mạnh Tường là thành viên Hiệp hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Châu Á Thái Bình Dương, thành viên Hiệp hội thẩm mỹ Hà Nội. Theo nhiều nguồn tin thì BS Tường được cho là một người có tài, thẩm mỹ viện Cát Tường cũng được quảng cáo rầm rộ là một trong những cơ sở có uy tín trong lĩnh vực thẩm mỹ tại Hà Nội.
Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, vợ ông Tường cũng là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện E của Bộ Y tế và cũng tham gia cùng chồng làm việc tại thẩm mỹ viện này. Vợ ông Tường cũng được cơ quan điều tra triệu tập ngay sau đó. Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết hiện Phòng quản lý hành nghề (Sở Y tế Hà Nội) đã làm việc với đại diện thẩm mỹ viện.
Theo ông Cường, thẩm mỹ viện này đã quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ ngoài phạm vi cho phép (chăm sóc da), với giá thành quảng cáo mỗi dịch vụ lên đến 30-60 triệu đồng. Website của thẩm mỹ viện này liên tục đăng quảng cáo công khai về dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nhưng Sở Y tế Hà Nội lại không có động thái xử lý nào. Như vậy là công tác kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã bị buông lỏng?
Cơ quan công an cũng cho biết sẽ tiến hành làm việc với Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ trách nhiệm quản lý cán bộ của bệnh viện. Theo như lãnh đạo BV Bạch Mai thông tin thì việc ông Tường làm giám đốc của Thẩm mỹ viện lãnh đạo BV đều biết. Cơ sở này nằm đối diện với cổng BV Bạch Mai. Trong đơn vị, ông Tường là người có năng lực, được đánh giá cao. Tuy nhiên, hành động tàn ác, mất nhân tính của ông Tường thì ai nghe cũng bàng hoàng. Cũng liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này, Bộ Y tế chiều ngày 22/10 đã chính thức gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân và nhân dân.
Ngay trong chiều ngày 22.10, cơ quan điều tra đã cho đối tượng đi thực nghiệm hiện trường để xác định vị trí vứt xác của chị H. Đồng thời, thông báo cho các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam phối hợp tìm xác nạn nhân.
Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ với những người liên quan để xử lý trước pháp luật.
Theo Dòng Đời