Khi Jobs đã tạo được chỗ đứng vững chắc ở thung lũng Sillicon, ông còn muốn với tay tới cả Hollywood, dù bản thân Jobs không phải là người thích phô trương như một ngôi sao của công chúng. Đó là thời điểm Jobs mua lại bộ phận đồ họa vi tính của công ty Lucasfilm – hãng phim đã tạo ra “Star Wars” của đạo diễn lừng danh George Lucas – với giá 10 triệu USD năm 1986, rồi biến nó thành xưởng phim hoạt hình Pixar lừng danh sau này.
Với cương vị là chủ tịch và giám đốc điều hành của Pixar, Jobs đã mở đường cho một cuộc cách mạng về công nghệ trong thế giới giải trí, nơi có vẻ như sự hào nhoáng và phù phiếm luôn ngự trị. Năm 1991, thời điểm mà thế giới chưa từng nghe tới công nghệ tạo ra hình ảnh bằng đồ họa vi tính (CGI), Pixar đã hợp tác với xưởng phim hoạt hình của Walt Disney (trước đó chỉ chuyên sản xuất các phim hoạt hình vẽ tay) cho ra đời siêu phẩm “Toy Story,” kể về cuộc phiêu lưu của đám búp bê đồ chơi, và “đám đồ chơi” ấy của Jobs cũng thành công chẳng kém gì những “đồ chơi công nghệ” của ông sau này như iPod, iPhone hay iPad.
Ngay lập tức, “Toy Story” trở thành phim đạt doanh thu cao nhất trong năm ấy, thu về tới 192 triệu USD từ các phòng vé ở khu vực Bắc Mỹ và 362 triệu USD trên toàn thế giới. Sau đó, “câu chuyện đồ chơi” đó còn mở ra hai phần kế tiếp (sequel) nữa, cũng như biết bao sản phẩm ăn theo mà đến ngày nay vẫn còn sinh lời.
Sau “Toy Story,” Pixar tiếp tục cho ra đời hàng loạt phim hoạt hình bằng công nghệ CGI mà phim nào cũng thành công, cả về thương mại lẫn nghệ thuật như “A Bug’s Life,” “Monster’s Inc.,” “Finding Nemo,” and “The Incredibles,” trong đó hai phim sau này đã giành giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất. Năm 2006, Jobs đã bán Pixar cho Disney, và giờ cứ mỗi khi xưởng phim hoạt hình này cho ra đời một tác phẩm mới thì tất cả đều phải nhớ rằng, người đặt nền móng cho những thành công ấy chính là Steve Jobs.
Sở dĩ Jobs bán đứt Pixar cho Disney là vì ông muốn tập trung cho công việc lèo lái Apple sau khi trở lại công ty mà mình là người đồng sáng lập. Và cũng bởi lúc đó trong đầu Jobs đang nảy sinh ý tưởng khác, cũng liên quan đến giải trí, nhưng không phải phim ảnh mà là âm nhạc. Đấy là thư viện âm nhạc trực tuyến iTunes, được cho ra mắt vào năm 2003, mở ra cuộc cách mạng về nhạc số (kinh doanh âm nhạc trên internet bằng hình thức download).
“Nhiều công ty khác đã khai thác nhạc số trước cả Apple. Nhưng Apple, mà cụ thể là Steve Jobs là người đã làm cho mọi thứ trở nên hoàn hảo, giản tiện và hào hứng hơn rất nhiều,” Bill Werder, tổng biên tập của tạp chí âm nhạc Billboard nói với CNN.
Cái giá 99 xu cho một lần download các “single” mà iTunes đưa ra đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen của người hâm mộ, không chỉ âm nhạc mà cả phim ảnh, mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành kinh doanh giải trí, đồng thời có thể là lời cáo chung cho những hình thức xem phim-nghe nhạc truyền thống như đĩa than, đĩa CD… Những thứ như iPod, iPhone hay iPad của Apple – giúp mọi người nghe nhạc xem phim ở bất cứ đâu, mọi lúc, mọi nơi – chính là những sản phẩm đón đầu, hoặc phương tiện để đáp ứng cho những dịch vụ mạng mà Jobs cùng các cộng sự tạo ra.
Điều đó phù hợp với phát biểu của Jobs với các nhân viên kinh doanh trong video giới thiệu về Apple Store, rằng “Theo nghĩa đen thì một nửa của cửa hàng sẽ lưu trữ những giải pháp, bởi mọi người không muốn mua máy tính cá nhân nữa, mà họ muốn biết có thể làm được gì với chúng.” Nghĩa là Jobs không chỉ tạo ra những sản phẩm, mà còn tạo ra cả một xu thế, trào lưu với tầm nhìn rất xa.
“Cảm ơn vì đã cho phép tôi đặt cả bộ sưu tập CD vào trong túi,” Sebastian Bach của nhóm heavy metal Skid Row đã viết như vậy trên Twitter để tưởng nhớ Jobs sau khi ông qua đời. “Ông đã giúp cho việc du lịch trên mạng trở nên thú vị hơn bất cứ thứ gì khác”.
Vietnam+