Sáng hôm qua ngày 15/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình Quốc hội tờ trình dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đề nghị tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 150 triệu tại 6 thành phố T.Ư (Ảnh minh họa).
Tại tờ trình mới nhất (ngày 3/5), so với trước đó, Chính phủ đã bỏ các đề xuất tăng mức phạt hành chính tối đa trong nhiều lĩnh vực như giao thông đường bộ, phòng cháy, chữa cháy, an ninh mạng, an toàn thông tin…
Thay vào đó, Chính phủ đề xuất cho tăng mức phạt tối đa lên gấp 2 lần đối với địa bàn TP.Hà Nội, khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc T.Ư. Các lĩnh vực áp dụng bao gồm giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm.
So với dự thảo trước đó, đề xuất tăng mức phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và nhiều lĩnh vực đã được thu hẹp phạm vi áp dụng.
Tại tờ trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 44 hồi cuối tháng 4, Chính phủ đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa từ 2 - 4 lần trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể là tăng mức phạt tối đa với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng; lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng (tăng 2 lần).
Mức phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tăng từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng (gấp 4 lần). Các lĩnh vực đê điều tăng từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội tăng từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng…
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc bổ sung mức phạt tăng gấp 2 lần với địa bàn TP.Hà Nội là không cần thiết vì đã được quy định tại luật Thủ đô 2024. Với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, cơ quan thẩm tra cho rằng cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng làm cơ sở xem xét khi sửa toàn diện luật.
Việc tăng mức phạt tối đa trong đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong luật hiện hành, do đó cơ quan thẩm tra lưu ý cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phù hợp khi sửa toàn diện luật.
(Ảnh minh họa)
Như vậy, thông tin tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 150 triệu tại 6 thành phố T.Ư hiện đang là dự thảo, chưa chính thức áp dụng.
Ngoài đề xuất tăng mức phạt, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung xử phạt hành chính với các lĩnh vực: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; dữ liệu; công nghiệp công nghệ số; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; dữ liệu có mức phạt tối đa là 100 triệu đồng. Lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo có mức phạt tối đa là 500 triệu đồng. Còn lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định tại luật chuyên ngành tương ứng.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành bổ sung lĩnh vực và mức tiền phạt tối đa với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Đối với đề nghị bổ sung một số lĩnh vực mới như dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, cơ quan thẩm tra đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức tiền phạt tối đa trong từng lĩnh vực.
T. San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)