Theo đó, dự án cây cầu đường bộ bắc qua sông Hồng, nối liền hai khu vực biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Bá Sái tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tổng mức đầu tư cho dự án này là khoảng 282 tỷ đồng, với mục tiêu hoàn thành trong 18 tháng và đưa vào sử dụng trong năm 2026.
Vị trí xây dựng cầu vượt sông Hồng. Ảnh: Báo Lào Cai
Cây cầu sẽ được xây dựng tại khu vực cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách cột mốc 97 (2) khoảng 700 mét tính từ hạ lưu sông Hồng. Phía Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm xây dựng một nửa cầu chính dài 115 mét.
Phần cầu và đường dẫn phía Việt Nam có chiều dài 40 mét, được thi công bằng dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc trên đà giáo cố định. Đoạn đường đầu cầu dài 232,5 mét, với nền đường rộng 35 mét và mặt đường rộng 25 mét. Bề mặt đường sẽ được phủ bê tông nhựa, đảm bảo đạt tiêu chuẩn Eyc≥140Mpa.
Quy mô và thiết kế chính của công trình: Phần cầu chính dạng Extradosed (cầu dây văng tháp thấp) với sơ đồ nhịp: (Trung Quốc) 60m + 110m + 60m (Việt Nam). Dầm cầu làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực (BTCT DƯL), thi công theo phương pháp đúc hẫng kết hợp dây văng đan, trụ tháp cao 20m tính từ mặt cầu. Phía Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng ½ cầu chính (bao gồm 1/2 nhịp chính 110m + 60m), cùng 40m cầu dẫn sử dụng dầm hộp BTCT. Mặt cầu phủ bê tông nhựa chặt dày 7cm trên lớp chống thấm phun.
Kết cấu, tải trọng: Thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 11823-2017 (Việt Nam) và JTG D60-2015 (Trung Quốc). Hoạt tải thiết kế HL93, tải trọng người đi bộ 3kN/m², đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của cả hai nước. Tần suất thủy văn thiết kế P = 1%, khổ thông thuyền B×H = 50×7m, cấp động đất: VII (theo thang MSK 64). Bề rộng cầu (B): 35,3m. Mố, trụ bằng bê tông cốt thép (BTCT), đặt trên móng cọc khoan nhồi, bảo đảm an toàn chịu lực.
Dự án này hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời tăng cường kết nối hạ tầng khu vực biên giới.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)