Cô giáo Phùng Thị Thoa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Hà tây và từng dạy học tại Đại học Sư phạm Huế. Mặc dù được giảng dạy trong một môi trường giáo dục rất tốt, học sinh chăm ngoan, bạn bè đồng nghiệp thân thiện tình cảm nhưng với tâm thế của một người con của mảnh đất Ba Vì, cô vẫn luôn đau đáu mong mỏi được trở về quê hương. Bởi cô biết ở đây còn nhiều khó khăn khi đa số đều là người dân tộc Dao với hy vọng chắp cánh ước mơ hướng đến tương lai tươi sáng cho con em dân tộc.
Cuối cùng, theo ước nguyện, cô Thoa được phân công về công tác ở trường PTCS Yên Sơn đảm nhiệm bộ môn Vật lý. Cô Thoa nhớ lại: “Ngày ấy đến trường rất vất vả bởi thời điểm đó đường xá đi lại vào trường cũng như trong thôn bản chưa được bê tông hóa như bây giờ. Mỗi khi trời mưa thì cả cô và trò đều vất vả trên những con đường sục bùn đất như ruộng cấy, những sườn bò trơn trượt. Những hình ảnh xách dép, chân đất đến trường ngày mưa là quen thuộc lắm, bởi có xe nào đi nổi đâu”.
Dẫu vậy, với sự cố gắng và lòng quyết tâm cao, cô trò đều vượt qua mọi khó khăn, luôn duy trì sĩ số lớp học đầy đủ. Bản thân cô Thoa cũng luôn cố gắng học hỏi, nâng cao chuyên môn, vận dụng những phương pháp dạy học phù hợp nhất với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số - trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế so với các trường trong khu vực.
“Dù dạy học trong điều kiện khó khăn, vất vả nhưng sự hồn nhiên, vô tư của các em học sinh và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào dân tộc đã luôn sưởi ấm tình yêu nghề của giáo viên”- cô Thoa chia sẻ.
Có lẽ khó khăn nhất của cô giáo trẻ lúc đó không phải quãng đường đến trường mà chính là tâm lý của các em học sinh. Bởi vốn dĩ Vật lý mà một môn học khó và khô khan, chưa kể PTCS Yên Sơn có đến 98% là học sinh dân tộc Dao nên mức độ tiếp thu bài giảng của học sinh còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, làm thế nào để giúp các em hiểu bài, giải tỏa được áp lực tâm lý và yêu thích môn học này quả thực không phải là điều dễ dàng.
Để khuyến khích tạo động lực cho các em yêu thích môn học hơn, cô Thoa luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp học sinh nắm chắc kiến thức. Cập nhật các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo cho học sinh, mà không gây nhàm chán, khuôn mẫu.
Đặc biệt, cô Thoa còn giúp các em thấy mối liên hệ mật thiết giữa môn học và thực tiễn cuộc sống, giải thích các hiện tượng tự nhiên thông qua các thí nghiệm sinh động mà với sự hướng dẫn của cô, học sinh hoàn toàn có thể tự thực hiện an toàn tại nhà… Những vấn đề khó, các em sẽ được phân công thảo luận theo nhóm, sau đó cô và trò mới cùng nhau nghiên cứu giải bài tập khó.
Ngoài giờ lên lớp, cô Thoa còn một niềm đam mê với trồng hoa lan. Mặc dù vô cùng bận rộn với công việc dạy học nhưng cô giáo Thoa vẫn dành phần lớn thời gian của mình chăm sóc, gắn bó với khu vườn thân yêu của mình bởi cô thấy nghề trồng lan cũng có nhiều nét tương đồng với nghề dạy học cần sự kiên nhẫn và bền bỉ.
Sau gần 20 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Phùng Thị Thoa đang là tổ trưởng bộ môn Vật lý khối PTCS Yên Sơn thuộc xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Niềm đam mê, tâm huyết với nghề của cô giáo Thoa đã được đền đáp bằng sự trưởng thành của các thế hệ học sinh, hay đơn thuần hơn là mỗi ngày, được chứng kiến tình yêu các em học sinh dành cho bộ môn Vật lý - môn học vốn được coi là khô khan, hàn lâm này.
Mong rằng niềm đam mê và tâm huyết của cô Phùng Thị Thoa sẽ luôn còn mãi để thắp lên tương lai cho các em nhỏ nơi đây và cũng chúc cho vườn lan của cô sẽ ngày càng xanh tươi, phát triển và có nhiều giống lan mới được sưu tầm hơn nữa.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)