Khi lần theo các địa chỉ trên, chúng tôi lại phát hiện ra nguồn thịt heo thối thường được lấy ở nhiều sơ sở tại Đồng Nai, sau đó được vận chuyển lén lút xuống TP. HCM tiêu thụ.
Xác lợn vứt bừa bãi dưới nền nhà. Ảnh: T.G
Kinh hoàng thâm nhập lò heo bẩn
Trong vai một dân buôn cần mua thịt lợn chết giá rẻ với số lượng lớn để về chế biến thành món lợn quay, tôi được chị H., chủ sạp thịt tại một chợ ở huyện Định Quán (Đồng Nai) dẫn về nhà xem hàng. Chị cho biết, cơ sở giết mổ tại gia của mình hoạt động từ trước đến nay chuyên cung cấp lợn ra các chợ và những lò heo quay trong và ngoài tỉnh chủ yếu là mặt hàng heo sữa. Dẫn chúng tôi ra sau nhà để xem bãi giết mổ, chỉ vào đám thợ đang hì hục xẻ từng tảng thịt, chị H., bảo: “Các chú cứ xem thoải mái, chỗ chị chỉ bán heo sữa nguyên con, vừa vặn để làm món quay”.
Nói xong, chị tiếp tục dẫn tôi vào kho chất đầy các thùng xốp đã bốc mùi hôi thối và cho biết, đây lò kho chứa tạm, tất cả heo chết nhập về được sơ chế rồi bỏ tại đây. Tôi nhìn xuống dưới nền nhà thấy từng dòng nước màu đục nhờn cứ liên tục rỉ ra từ các thùng xốp. Đó là nước từ xác heo thối đã để quá lâu ngày trong thùng, vì không được bảo quản tốt nên chúng đã trương lên và bắt đầu phân hủy. Thấy chúng tôi tỏ vẻ khó chịu, người chủ nhà trấn an: “Chú cứ yên tâm, giờ nghe mùi vậy thôi chứ cứ ướp hương liệu nhiều vào rồi quay lên là thơm phức ngay. Mình làm heo quay mua loại này bán mới nhiều lãi, chú mà không nhanh tay là mấy tiệm heo quay khác họ giành ngay đấy”.
Tại khu lò mổ này, tiếng xẻ thịt, tiếng vứt heo uỳnh uỵch diễn ra rất nhộn nhịp. Tôi chứng kiến một công nhân vạch thùng xốp lấy ra những tảng thịt heo đông cứng để xuống sàn rồi đi ủng vào nhảy lên giẫm đạp. Thấy chúng tôi thắc mắc về điều kiện vệ sinh thì anh ta trấn an: “Vì xác lợn đã đông đá nên phải giẫm như thế để cho nhanh rã. Mà phải cho vào lò quay cho chín giòn rồi mới bán chứ có ai mang cả tảng thịt này ăn luôn đâu mà sợ”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cứ vài ngày lò mổ này lại nhập về một đợt hàng, tất cả đều là heo chết. “Em cứ xem mình có thể làm ăn lâu dài được không? Ở đây giá gốc tụi chị thu mua chỉ dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg thôi”, bà chủ cơ sở cho biết.
Trong khi tôi đang nhẩm tính mức lãi mà những kẻ kinh doanh thịt bẩn này thu được thì bà chủ nhà lại lôi đến xem một đống xác heo sữa khác. Tại đây, tôi chứng kiến hai công nhân đang vớt từng con heo sữa đã làm thịt từ bồn nước xi măng ra nền nhà. Chỉ vào đống heo sữa được cạo lông trắng toát, chị ta lại nói: “Chả giấu gì chú, chỗ chị dùng sulfur dioxide pha với nước rồi ngâm thịt. Chỉ cần khoảng 10 phút số thịt tái xanh bốc mùi lúc nãy chú thấy sẽ chuyển sang màu đỏ tươi như thịt vừa mổ. Nhìn đẹp mắt vậy người trong nghề còn khó nhận ra huống gì người mua”.
“Thối mấy cũng thành thịt thơm”
Chưa dừng lại ở việc thu mua thịt bẩn, chủ cơ sở này cũng kiêm luôn việc “tư vấn” cho những mối hàng cách “phù phép” thịt heo bẩn. Tôi giả vờ phân trần mới mở tiệm lợn quay nên việc tẩm ướp cũng không rành, nếu mua số lượng lớn heo chết này về sợ không chế biến được cho nó thơm ngon thì khách hàng sẽ chê không quay lại nữa. Thấy lý do của tôi cũng “chính đáng” nên bà chủ H bảo sai người đưa đi để tìm hiểu thêm. Tôi được một người đàn ông đi xe máy đưa đến một lò heo quay cũng ở khu vực đó. Người đàn ông giới thiệu: “Đây là tiệm heo quay của con trai chị H. Mấy xác heo lúc nãy sẽ được đem qua đây tẩm ướp rồi quay lên bán cho khách”. Ngay lúc đó một người đàn ông to cao bước ra bắt chuyện với chúng tôi. Biết tôi có nhu cầu mở tiệm lợn quay tại TP.HCM và lấy hàng từ lò mổ của bà H. nên anh này nhiệt tình giúp đỡ. Anh ta cho biết, heo chết đó đã được xử lý bằng dung dịch hóa chất tại lò mổ nên thịt cũng tươi ngon rồi, khi đem vào lò quay thì chỉ cần tẩy sơ lại và ướp gia vị nữa là “đảm bảo chất lượng”.
Theo tiết lộ anh con trai bà H., thứ phụ gia khiến heo quay thơm, bắt mắt có bán nhiều ở khu chợ Kim Biên (Quận 5, TP.HCM). Người đàn ông này hướng dẫn: “Chất phụ gia đó giá cũng bình dân, khoảng 35 ngàn đồng/ 100gr. Cách dùng cũng rất đơn giản, chỉ cần đổ vào xô khuấy đều cùng nước nóng rồi nhúng nguyên con lợn sữa vào mấy giây rồi cho lên lò than hồng để quay. Khi đã được ngâm qua hóa chất này thì dù heo đã chết lâu đến mấy khi quay xong vẫn đảm bảo màu vàng cánh dán, dậy mùi thơm phức”. Anh này cũng cho biết thêm, nếu muốn món heo quay để được cả tuần mà vẫn giòn rộm thì nên mua thêm hóa “phụ gia” có tên “siro”. Chất này chủ yếu để làm cho lớp da bên ngoài giòn nên cần quét lên mình con heo khi mới quay xong. Nói rồi, anh này với tay lấy lọ dựng “siro” đưa cho tôi xem. Qua quan sát chúng tôi thấy đó là một chất sền sệt màu vàng đục, ngửi thấy mùi hắc rất khó chịu. Khi thắc mắc chất này có thể khiến khách hàng ngộ độc thì anh này tỏ vẻ khó chịu nói: “Sao chú khéo lo vậy. Tôi quay heo chết 3 năm nay rồi, người ta vẫn ăn rầm rầm chả thấy ai chết đâu. Để yên tâm thì tốt nhất là mình đừng ăn là được, cứ lo bò trắng răng làm gì cho mệt”.
Thịt lợn ôi thối, xuất huyết da, chảy nước bị phát hiện kịp thời
trước khi được sử dụng.
Trả lời với chúng tôi về vấn nạn bán heo bẩn, ông Nguyễn Văn Lý, Đội trưởng đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Đồng Nai là địa bàn phức tạp, việc vận chuyển và giết mổ heo lậu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi đã phối hợp với những ngành chức năng khác ráo riết ngăn chặn, phát hiện và bắt đóng cửa nhiều cơ sở phạm pháp. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi nhuận trước mắt mà nhiều chủ cơ sở vẫn dùng những biện pháp tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng”.
Theo Gia Đình & Xã Hội