Rạng sáng ngày 26.10, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai bất ngờ kiểm tra cơ sở của ông T.H.V (tại KP.5, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bắt quả tang công nhân đang ngâm hàng tấn nội tạng trâu, bò heo bằng hóa chất để bán cho quán nhậu. Tại hiện trường, ông V. đang chỉ đạo cho 5 nhân công phân loại 700 kg nội tạng trâu bò gồm lòng, dạ dày, tim, gan... cho vào một cái thau lớn để ngâm dung dịch tẩy trắng. Trong đó, gần 300 kg đã được hoàn thiện chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Số nội tạng trên, ông V. khai đưa đi tiêu thụ tại các quán nhậu trên địa bàn TP.Biên Hòa, TP.HCM và Bình Dương. PC49 cũng đã thu giữ 2 can (khoảng 40 lít) hóa chất dùng để tẩy trắng.
Thịt thối chuẩn bị đem ngâm hóa chất - Ảnh: Kim Cương
Trước đó, ngày 11.1, PC49 bắt quả tang hộ ông N.V.T (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) cũng dùng công nghệ này để "phù phép" thịt thối. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện các công nhân cơ sở đang đưa khoảng 60 kg lòng bò ngâm trong hóa chất để tẩy trắng và 3 thùng xốp chứa khoảng 1.000 kg nội tạng lòng bò (đã được tẩy trắng) chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. PC49 đã thu giữ 1 can (20 lít) đang đựng dung dịch tẩy lòng bò; 3 kg bột hóa chất tạo màu... Tại cơ sở của mình, ông T. cho xây dựng 4 hố ngâm hóa chất để tẩy trắng.
Theo lời khai ban đầu, để thịt được trắng, giòn, để lâu vẫn tươi, cơ sở này cho tẩy trắng lòng bò bằng hóa chất rồi ngâm với hàn the để bảo quản. Đến khi đem đi tiêu thụ, chỉ cần quét thêm chất tạo màu, tạo mùi để hấp dẫn rồi đem bỏ mối cho các quán nhậu tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Theo một cán bộ thú y Chi cục Thú y Đồng Nai, những loại thịt để lâu, bốc mùi hôi thối và bắt đầu phân hủy nhưng sau khi rã đông, ngâm hóa chất vào khoảng 10 tiếng đồng hồ, thịt sẽ trở nên trắng tươi như khi vừa mổ xong. Hoặc thịt để trong tủ cấp đông lâu ngày có màu thẫm, tái hoặc lên mốc meo, vẫn có thể bảo quản tiếp một thời gian dài nữa bằng cách ngâm hàn the cho thịt tươi và giòn hơn. Khi ăn, khó ai ngửi được mùi hóa chất cũng không thể phân biệt được thịt mới hay cũ. Đặc biệt các loại hóa chất được cơ sở tự chế biến bằng cách pha trộn theo công thức riêng nên khó biết đó là loại gì.
Đầu cơ thịt bẩn
Lái L. chuyên thu gom heo lậu tại H.Trảng Bom cho biết, hiện nay nhiều thương lái sẵn sàng đầu tư kho trữ đông, hệ thống xử lý thịt hàng tỉ đồng để thu gom, trữ thịt hàng năm. Khi giá thịt trên thị trường rẻ hoặc rơi vào dịp dịch (lở mồm long móng, tai xanh...), thì họ tổ chức thu gom heo, trâu, bò với giá rẻ để về mổ thịt. Sau đó xịt thuốc khử mùi, bỏ vào bịch nylon rồi cột chặt cho vào tủ cấp đông để trữ. Khi vào tủ cấp đông dưới mức -5 độ C, thịt có thể để năm này qua năm khác mà không sợ phân hủy. "Đến khi hết dịch, người dân cũng không còn gia súc để bán, lúc này thịt được đẩy giá lên cao. Khi đó thương lái sẽ tung hàng ra, dùng các công nghệ bằng hóa chất tẩy rửa, xử lý rồi bán với giá cao. Mặc sức thu lợi", L. tiết lộ.
Điển hình như ngày 28.3, Công an Đồng Nai và Chi cục Thú y đã tổ chức tiêu hủy hơn 20 tấn thịt heo và nội tạng thối do đã để quá đát từ lâu. Đây là số thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc được cơ quan chức năng phát hiện tại một DN trên địa bàn TP.Biên Hòa do bà N.T.K.P làm chủ. Qua kiểm nghiệm xác định số thịt trên đã bị nhiễm vi sinh.
Thanh Niên Online