Ngày 17/5, TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) đã thụ lý hồ sơ vụ bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12) lái ô tô BMW gây tai nạn ở Hàng Xanh khiến một người chết và sáu người bị thương.
Được biết, bà Nga đã thương lượng bồi thường xong phần nhân sự với hầu hết các bị hại, hiện vẫn đang thương lượng với 1 gia đình. Những phương tiện hư hỏng trong vụ tai nạn đều được bồi thường bằng xe mới.
Trước đó, hồi tháng10/2018, bà Nga bị Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam sau khi gây tai nạn ở hàng xanh về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Cụ thể, khuya 21/10/2018, bà Nga đã gây ra vụ tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh khiến 1 người chết và 6 người bị thương. Người phụ nữ gây tai nạn thừa nhận có uống rượu bia tại một nhà hàng trên đường Pasteur (quận 3).
Khi điều khiển xe đến vòng xoay Hàng Xanh, bà Nga thấy tín hiệu đèn đỏ nên đạp thắng để xe dừng lại. Khi di chuyển chân từ cần ga sang cần thắng thì quai hậu chiếc giầy cao gót bị vướng vào cần ga.
Hiện trường vụ tai nạn.
Trong lúc mất bình tĩnh, bà Nga rút chân lên nhưng quai hậu tiếp tục bị vướng vào cần ga khiến chiếc xe lao lên, tông trực diện xe máy của chị Nguyễn Thị Kim Phụng (SN 1980, quê Đồng Nai) và nhiều phương tiện khác. Vụ tai nạn khiến chị Phụng tử vong, 6 người khác bị thương.
Bà Nga đã được Công an đưa về trụ sở làm việc. Kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở của bà này là 0,94 miligam/1lít khí thở. Số liệu này cao hơn nhiều so với sự cho phép theo quy định an toàn đường bộ.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Trí Đức (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết hành vi gây tai nạn của bà Nga đã rõ ràng vi phạm theo khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
"Theo đó người gây tai nạn nghiêm trọng trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác có thể bị xử phạt cao nhất 10 năm tù", luật sư Đức nói.
Luật sư cho rằng việc bà Nga say xỉn với nồng độ cồn quá cao gây tai nạn nghiêm trọng như vậy là dấu hiệu rõ ràng của tại điểm b, khoản 2, điều 260 BLHS 2015. Việc bồi thường cho các nạn nhân chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ.
Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: "Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; ... 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; |
Theo Ttvn.vn