Chúng tôi trở lại vùng quê “trắng” gái ở độ tuổi xuân thì vì trào lưu lấy chồng Hàn Quốc thì nhận được không ít cái thở dài của những chàng trai cũng đang ở độ tuổi mưu cầu hôn nhân. Nhiều người trong số họ, dù công ăn việc làm ổn định vẫn bị người yêu “đá” để thực hiện giấc mơ đổi đời nơi xứ người.
“Chia tay” - điệp khúc không của riêng ai
Anh Vũ Hồng Hà, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, độ tuổi kết hôn trung bình của con trai xã hiện nay là khoảng 30 tuổi. Con gái về làm dâu phần lớn là người nơi khác như Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên… và các xã lân cận. Con gái bỏ đi lấy chồng Hàn Quốc, con trai đi tàu đánh cá, đó là thực tế cuộc sống của người dân vùng sông nước.
Những cuộc hôn nhân qua mai mối, ít có sự tìm hiểu, sự giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền cũng dẫn tới sự đổ vỡ của nhiều gia đình. Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho những mối tình “chớp nhoáng” ấy.
Anh còn cho biết thêm: Nhiều phong trào đoàn của xã cần tới sự “mềm mại” của con gái, anh cũng phải đi nhờ con gái xã bạn vì thực tế: “Quê mình có còn con gái đâu”.
Con gái đi lấy chồng nước ngoài đã thành trào lưu nên khi con trai ở xã yêu con gái cùng làng bao giờ họ cũng sẵn trong mình tư tưởng “người yêu có thể chia tay mình bất kì lúc nào để “tiếp bước” đồng hương”. “Chia tay”, hai từ đó không gây cho họ sự tổn thất nặng nề về tinh thần, vì rất nhiều chàng trai trong xã đều có chung cảnh ngộ đó khi yêu gái làng chứ không riêng mình ai.
Nhiều cô gái đã trải qua 4 - 5 lượt thi tuyển làm dâu chồng ngoại
Cũng rất hiếm để tìm được những cuộc tình kéo dài một vài năm. Yêu rồi cưới, thời gian ấy chỉ khoảng 2 tháng. Một phần do khoảng cách địa lý, một phần cũng vì các chàng trai không muốn đi vào vết xe đổ của những gì đã qua. Có những chàng trai gần 30 tuổi vẫn chưa biết tới cái nắm tay với người bạn khác giới.
Trở về với cuộc sống thường ngày, những chàng trai này lại nối nghiệp cha anh với nghề truyền thống của quê hương là chài lưới.
“Suốt ngày lênh đênh trên biển nên sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài hạn chế. Hơn nữa thời gian trên bờ ít, con gái cùng làng lại có mong muốn lấy chồng ngoại nên con trai ở xã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm bạn đời. Những cuộc hôn nhân của họ chủ yếu do mai mối với con gái ở những vùng quê khác. Ở nông thôn người dân chưa quen với lối sống độc thân nên việc bằng cách này hay cách khác phải đi tìm kiếm được “một nửa” của mình là quy luật tất yếu trong hôn nhân gia đình” – anh Hà cho biết thêm.
Gian nan con đường đi tìm “một nửa”
Phóng viên Báo giáo dục Việt Nam đã được nghe tâm sự của một chàng trai sau những ngày lênh đênh trên biển về thì nhận được tin người yêu đã rẽ bước sang ngang cùng một người Hàn Quốc hơn bố đẻ một tuổi. Chàng trai ấy giờ đã ngoài 30 nhưng vẫn chưa tìm được “một nửa” của mình vì gái trong làng thì “hiếm” mà đi tán gái nơi khác anh lại không có thời gian. Bạn bè, người thân cũng mai mối nhưng anh đều… lắc đầu vì có chút tự ti về bản thân.
Gia đình anh có 3 anh em đều đã ở ngưỡng tuổi kết hôn nhưng hiện tại chưa ai trong số họ có người yêu. Hỏi ra mới biết, bố mẹ anh cũng không quá sốt sắng trong vấn đề hôn nhân của các con vì thực tế, không chỉ gia đình anh mà nhiều gia đình trong xã cũng chung cảnh tượng này. Con trai khó lấy vợ hoặc phải đi lấy vợ nơi khác.
Anh đã yêu, mối tình không chút toan tính, vụ lợi với cô gái cùng thôn. Tình yêu của họ kéo dài được hai năm. Gia đình làm nông nghiệp, anh đi đánh lưới thuê, người yêu ở nhà làm công nhân cho một công ty giày da với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng.
Nhiều lần anh nghe người yêu so sánh cuộc sống của mình với những người bạn đồng trang lứa đang làm vợ nơi xứ người và cả những câu bông đùa “hay em cũng đi tuyển xem sao”. Anh gạt đi vì chẳng bao lâu nữa họ cũng sẽ kết hôn. Dù vậy trong lòng anh cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận hai từ “chia tay” như bao người bạn khác của anh đã từng đón nhận.
Nhưng… Người yêu đi tuyển chồng lúc nào anh không biết, họ kết hôn khi nào anh không hay. Sự thật mà anh nhận được sau hơn 1 tháng đi biển về là thiệp hồng đã được để sẵn ở nhà dành riêng cho anh. “Lúc đó mình chỉ biết cười và chúc phúc cho cô ấy. Bạn bè còn rủ mình đi uống rượu coi như là bữa ra mắt để gia nhập mình vào hội… ế” – chàng trai tâm sự.
Gái làng thì luôn mơ về cuộc sống sung túc nơi xứ người nên dẫn tới trai làng
phải đi tìm vợ nơi khác. Nhiều người còn gặp khó khăn
trong việc tìm bạn đời.
Sau cuộc tình đó anh không dám yêu gái làng nữa mà đúng hơn… không còn gái làng để yêu. Qua người nhà mai mối, anh cũng yêu một cô gái ở Phú Thọ. Nhưng vì xa xôi, cô gái ấy lại không đồng ý về làm dâu vì sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu khi chồng mình cứ đi biền biệt ngoài sông nước. Lời chia tay một lần nữa lại đến với anh. Tình yêu thứ hai tan vỡ, anh tự ti về chính mình và chỉ biết lao vào công việc.
Các em trai của anh cũng đến tuổi trưởng thành, thấy ai cũng khó khăn trong việc đi tìm người yêu, nhiều khi anh cười đùa: “Chắc chắn nhất là đi tìm gái nơi khác mà yêu chứ yêu gái cùng làng trước sau gì rồi cũng phải chia tay. Các em ấy không an phận lấy chồng Việt Nam đâu”.
Nếu không có “làn sóng” lấy chồng nước ngoài, nam giới ở Lập Lễ đến tuổi xây dựng gia đình chắc sẽ không lấy vợ nơi khác nhiều như vậy. Rõ ràng, thị trường hôn nhân ở Lập Lễ trở nên khan hiếm với nam giới, trong khi với phần lớn phụ nữ ở đây họ lại hướng đến một thị trường hôn nhân nước ngoài (Đài Loan, Hàn Quốc…).Có lẽ hiếm nơi đây trên đất nước ta, phụ nữ lại hiếm như ở xã Lập Lễ này.
Giáo dục Việt Nam