Cho trẻ uống Vitamin A bằng hạt đậu giống
Trên báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng ngày 1/12/2013, hàng chục hộ gia đình có trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi trú tại thôn 10 xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa con em mình đến hội quán của thôn để uống Vitamin A. Tại đây, ông Võ Văn Hùng, nhân viên y tế của thôn đã phát cho mỗi cháu bé một viên Vitamin A, có hình dáng rất giống một hạt đậu.
Sau đó, một số bậc phụ huynh thì cho con uống ngay, một số còn lại thì lo lắng, chưa dám cho uống vì nghi ngờ viên Vitamin A này là hạt đậu. Tuy nhiên, khi hỏi lại ông Võ Văn Hùng, thì ông này vẫn khẳng định đây là Vitamin A thật, và là Vitamin A ngoại nên rất cứng. Tuy nhiên, sau đó một số bậc phụ huynh đã gọi điện cho chính quyền địa phương và Trạm Y tế xã Cẩm Trung. Sau khi kiểm tra, đã phát hiện ra viên Vitamin A mà ông Hùng phát chính xác là hạt đậu, nên đã tạm dừng việc uống Vitamin A.
Hạt đậu và viên Vitamin A mà ông Hùng nhầm lẫn.
Ông Bùi Xuân Định - Chủ tịch UBND xã Cẩm Trung xác nhận thông tin trên. Theo ông Định, sở dĩ có sự nhầm lẫn này là do ông Hùng khi mang số vitamin A về nhà để cạnh túi đựng đậu giống nên sáng sớm đã cầm nhầm. Hiện nay, Trạm trưởng Trạm xá Cẩm Trung đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Võ Văn Hùng và yêu cầu ông làm bản tường trình sự việc.
Sự việc xảy ra ở trên đây chỉ là hy hữu, đã nhanh chóng được phát hiện, và cũng chưa để lại hậu quả gì đáng tiếc. Nhưng một vấn đề đặt ra là một cán bộ dân số của thôn lại không phân biệt nổi đâu là hạt đậu và đâu là viên Vitamin A? Trong khi đó, chỉ với cảm quan bằng mắt thường thì nhiều người dân ở thôn 10 xã Cẩm Trung cũng đã nhận ra. Cũng may là ông Hùng, cán bộ dân số của thôn còn phát nhầm bằng hạt đậu, chứ nếu phát nhầm bằng một loại hạt có độc tố nguy hiểm nào khác, thì hậu quả thật khó lường.
Phát nhầm thuốc hết hạn sử dụng
Ngày 14.8.2013, anh Phan Hữu Thọ, ngụ tại ấp Sậy Niếu A, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã dùng thuốc hết hạn sử dụng để điều trị cho con anh và hai bệnh nhi khác nằm cùng phòng bệnh.
Theo anh Thọ, cách đây hơn một tháng, con trai anh là bé Phan Ngô Đăng Khoa, sinh tháng 10.2012, bị ho. Anh Thọ đã đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám bệnh, bác sĩ ở đây khám và chẩn đoán bé bị viêm họng, kê toa về mua thuốc uống và hẹn tái khám.
Gói thuốc Hydrit hết hạn sử dụng.
Sau 20 ngày điều trị ngoại trú với nhiều lần tới lui tái khám nhưng bệnh cháu vẫn không thuyên giảm.
Đến ngày 29.7, bé Khoa bị tiêu chảy và được nhập viện nằm ở khoa Nhiễm điều trị. Sáng 14.9, khi điều dưỡng đến phát thuốc thì anh mới tá hỏa phát hiện các gói Hydrite có hạn sử dụng là ngày 1.8.2013. Những người nhà của các bé khác khi hay cũng phát hiện thuốc của con mình hết hạn sử dụng. Sau đó, điều dưỡng này nói người nhà gom các gói Hydrite đi đổi lại.
Ngay sau đó, anh Thọ đã trao đổi với bệnh viện làm thủ tục chuyển cháu Khoa lên TP.HCM tiếp tục điều trị. Cũng về vấn đề này, Báo Dân Việt trích dẫn ý kiến của Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: Về thuốc Hydrite thì có lẽ do đây là bột bù muối nước, không phải thuốc dùng để uống hay tiêm, nên khoa dược sơ suất không lưu tâm đến hạn dùng dẫn đến tình trạng này.
Tiêm nhầm thuốc phun sương cho trẻ
Ngày 25-7/2013, cháu Nguyễn Huỳnh Phúc An (7 tháng tuổi, ngụ quận Ôn Môn, TP Cần Thơ) phải nhập viện để điều trị viêm phổi và nhiễm trùng đường tiêu hóa theo phác đồ là tiêm kháng sinh. Tuy nhiên sau đó, An vẫn còn sốt, ho nhiều, tiêu chảy và kết quả cấy phân phát hiện tụ cầu vàng.
Hội chẩn khoa ngày 30-7, đã đổi thuốc, dùng Tienam và Vancomycin truyền qua máy chảy chậm vào cơ thể cháu An từ 30 phút đến 1 giờ. Song song với đó, đối với việc điều trị viêm phổi, bé An được dùng thuốc Ventolin dưới dạng phun sương.
Bác sĩ Hồng tiêm nhầm thuốc phun sương cho trẻ.
Khoảng 10 giờ 30 ngày 31-7, người nhà bệnh nhi báo hết thuốc để phun sương. Điều dưỡng Cao Minh Đường đến nơi có đem theo ống kim tiêm chứa thuốc Ventolin nhưng lúc này cháu An được người nhà đưa đi vệ sinh. Vì vậy, điều dưỡng Đường đã để ống kim tiêm trên máy phun và sang phòng bệnh khác.
Khi ba mẹ cháu An vào, đã thấy ống kim tiêm trên máy phun nên đã đặt xuống mâm tiêm. Sau đó, máy truyền báo hết thuốc nên ba cháu An đã ra ngoài gọi bác sĩ. Lúc này, điều dưỡng Trần Thị Kim Anh vào thấy ống kim tiêm chứa thuốc Ventolin lầm tưởng là nước cất nên đã đưa vào máy truyền để đẩy hết thuốc Tienam và Vancomycin vào cơ thể bé An. Việc này đã làm cháu An quấy khóc và da nổi bông tím.
Sau khi sự việc xảy ra, cháu An được đưa sang BV Nhi đồng TP Cần Thơ cấp cứu và đã qua khỏi. Theo thông tin từ Báo Người lao động, sau khi xảy ra sự việc, BV đã tạm ngưng mọi hoạt động về chuyên môn của điều dưỡng Kim Anh.
Bác sĩ kê nhầm thuốc, bệnh nhi tử vong
Cùng về vấn đề này, một vụ nhầm lẫn gây ra hậu quả nghiêm trọng tại tỉnh Nghệ An. Theo báo Người đưa tin, cháu Lê Nguyễn Phương Linh (SN 21/1/2013), nặng 3,1kg, sức khỏe bé bình thường. Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 26/1/2013, cháu Linh có biểu hiện nghi vàng da, nên gia đưa bé đến Bệnh viện Nhi Nghệ An thăm khám. Tại bệnh viện, thạc sĩ Trần Thị Kiều Anh khám, chỉ định cho cháu đi làm xét nghiệm máu và chụp X - quang. “Bác sĩ Kiều Anh kết luận kết quả xét nghiệm sinh hóa máu âm tính, kết quả chụp X - quang cháu bị nhiều đờm ở họng và mũi nên bác sĩ Kiều Anh kê đơn thuốc (1 lọ Betadine, 1 lọ Chloramphenicol (1g) cho gia đình đi mua rồi mang sang Khoa Hồi sức cấp cứu để hút, rửa đờm và tiêm thuốc”, anh Phong kể. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, điều dưỡng Phạm Đức Tuấn trực tại Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiêm thuốc Chloramphenicol 1g cho bệnh nhi Linh.
Đơn thuốc bác sĩ kê cho bé 6 ngày tuổi
Sau khi tiêm, bệnh nhi được đưa sang phòng bác sĩ Kiều Anh kiểm tra lại, bác sĩ cho cháu về nhà và hẹn 3 ngày sau quay lại để rửa rốn. Tuy nhiên, theo anh Phong đến khoảng 18 giờ15 phút cùng ngày bé bỏ bú. Tưởng con mệt nên mẹ bé để con ngủ, khi nào khỏe thì cho bú lại. Tuy nhiên, đến khoảng 0 giờ 15 phút cháu có biểu hiện khó thở, tím tái, bụng trướng… anh chị hốt hoảng bắt xe taxi đưa cháu vào bệnh viện để cấp cứu. Dù các bác sĩ đã nỗ lực nhưng đến 10 giờ 40 phút ngày 27-1 bệnh nhi đã tử vong.
Cùng ngày, bệnh viện đã có buổi làm việc với gia đình nạn nhân. Trong biên bản buổi làm việc giữa lãnh đạo bệnh viện và người nhà bệnh nhân, xác định nguyên nhân tử vong của bé là do “suy hô hấp, suy tuần hoàn, thiếu máu do dùng thuốc Chloramphenicol 1g cho trẻ 6 ngày tuổi”. Được biết, loại thuốc Chloramphenicol chỉ được chỉ định dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Theo Trí Thức Trẻ