Trước thời điểm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân vụ Cát Tường, chưa được tìm thấy, nhiều người cho rằng, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường có thể đã dùng hóa chất đặt biệt gì đó để tiêu hủy, phi tang xác nạn nhân, giống như loại “thuốc chưa tiêu” những người “phu” đào mộ vẫn dùng để phân hủy thi thể khi cải táng. Giả thuyết rùng rợn này từng được đề cập đến trong một thời gian dài khi xác nạn nhân chưa được tìm thấy.
Trong lúc các cơ quan chức năng vẫn “mò kim đáy bể”, người nhà nạn nhân vẫn vô vọng trong việc tìm thi thể, thì nghi vấn đó không phải không có cơ sở. Bởi trên thực tế, “thuốc chưa tiêu” được bày bán dù kín đáo nhưng vẫn có thể mua ở các nhà tang lễ, nghĩa trang trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Ông đánh cá chỉ vị trí phát hiện thi thể Lê Thị Thanh Huyền. Ảnh: Zing.
Mới đây, điều nghi ngờ nói trên lại được đưa ra mổ xẻ khi xác chị Huyền thời điểm được ngư phủ Nguyễn Văn Ngoan (52 tuổi) phát hiện trên bến đò Vân Đức (Gia Lâm, Hà Nội), trên thi thể nạn nhân có mảng bê tông lớn bằng gạch bám vào. “Trên quần áo của nạn nhân cũng có nhiều mảng bám dính nhỏ cỡ như hạt dưa, có chất liệu giống như chất bọc quanh đùi”, ông Ngoan kể.
Từ những thông tin mà ông Ngoan cung cấp, không ít người đặt giả thuyết bác sĩ Tường đã dùng bê tông đổ lên người nạn nhân trước khi ném xuống sông, để thi thể không thể nổi lên. Theo nhiều nhân chứng và các chuyên gia, chất còn dính lại trên thi thể nạn nhân có thể là một dạng xi măng đông cứng siêu tốc hoặc vữa thạch cao chuyên dùng trong y tế.
Điều mà dư luận và gia đình rất quan tâm và có thể ảnh hưởng đến quá trình tố tụng tiếp theo là bác sĩ Tường có dùng bê tông bọc thi thể nạn nhân hay không. Trong buổi họp báo ngày 5/8, để thông báo kết quả giám định ADN của chị Huyền, cơ quan công an cho biết sẽ điều tra lại vụ án nên chưa kết luận được chất lạ trên thi thể nạn nhân là gì.
Hai bên ống quần của nạn nhân có dính một loại hóa chất lạ.
Để biết chính xác, cần phải chờ xét nghiệm từ cơ quan chức năng mới kết luận được. Tuy nhiên, nhiều người đã bày tỏ ý kiến của mình quanh chất lạ này. Trong kỹ thuật xây dựng, người ta vẫn thường dùng các loại phụ gia chặn nước giúp xi măng đông cứng nhanh. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại như Activ DC – 01B (phụ gia dạng bột), Activ DC – 01 (dạng lỏng), Waterplug hay Lamposilex… Các phụ gia này thực chất là một dạng xi măng thủy lực (cũng hay được gọi là xi măng siêu tốc) sẽ đông cứng chỉ sau từ 30 đến 90 giây.
Một chuyên gia nghiên cứu vật liệu xây dựng cho biết: “Dựa theo miêu tả, có thể nhận định thứ vật chất bám trên cơ thể nạn nhân là một trong hai vật liệu: xi măng đông cứng siêu tốc hoặc vữa thạch cao (loại dùng trong y tế). Tuy nhiên, đặc tính của xi măng đông cứng siêu tốc là khả năng bền vững trong môi trường rất cao. Nếu nạn nhân bị bao bọc bởi loại vật liệu này khi bị thả xuống sông thì thi thể rất khó có thể bị tan ra và nổi lên. Do đó, theo tôi nếu bác sĩ Tường có dùng một loại chất nào đó bọc vào thi thể chị Huyền để cho nặng hơn, khó nổi lên hơn thì thủ phạm đã dùng loại vữa thạch cao thường dùng trong y tế. Đây là loại mà ngành y tế thường được dùng để bó bột cố định các đoạn xương bị gãy. Loại vật liệu này tuy cũng có khả năng chịu nước song sức chịu nước kém hơn xi măng, dưới tác động của môi trường có khả năng bị tan rã sau một thời gian ngắn. Khá phù hợp với các tình tiết trong vụ án nói trên”.
Được biết, ngày 6/8, gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã đến nghĩa trang thôn Trung Quang, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) để đắp lại mộ cho nạn nhân xấu số và chuẩn bị cho lễ cầu siêu sắp tới.
Tri Thức Trẻ