Trong phòng ngủ của vợ chồng anh Lee Khim Fatt, tủ quần áo vẫn treo đầy quần, áo và váy của vợ anh dù cô đã mất tích tròn một năm cùng 238 người khác trên chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Anh Lee cũng để nguyên những đôi giày của vợ trên giá. Mọi đồ đạc của vợ được Lee sắp xếp như thể cô chưa bao giờ biến mất khỏi cuộc đời này.
Gương mặt buồn bã của ông bố đơn thân Lee Khim Fatt
một năm sau ngày mất vợ trong thảm kịch MH370.
Trong khi đó, anh Kelvin Shim cũng mất vợ trong thảm kịch MH370 hôm 8.3.2014 buộc phải cắt tóc ngắn cho cô con gái bởi anh không biết buộc tóc cho con thế nào mỗi sáng trước khi đưa bé đi học. Trước đây, vợ anh luôn là người làm việc ấy.
Sự biến mất của chiếc máy bay MH370 với 239 người trên khoang hồi tháng 3 năm ngoái đã biến Lee lẫn Kelvin cũng như nhiều người đàn ông khác thành những ông bố đơn thân. Họ phải sống cảnh "gà trống nuôi con", vừa vật lộn khắc phục khó khăn vừa phải tìm cách chống chọi với nỗi đau mất đi "người đầu gối tay ấp".
Vợ của anh Lee là Foong Wai Yueng, thành viên trong phi hành đoàn gồm 12 người trên chuyến bay MH370 xấu số, đã biến mất khỏi màn hình radar chưa đầy một tiếng sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur để tới Bắc Kinh ngày 8.3.2014. Máy bay MH370 chở theo 227 hành khách, phần lớn mang quốc tịch Trung Quốc.
Chân dung những người xấu số có mặt trên chuyến bay xấu số MH370.
Anh Lee, 45 tuổi là nhân viên bán hàng của một công ty ô tô chia sẻ, đối với anh, người vợ thân yêu vẫn chưa chết mà chỉ đang mất tích.
"Mọi thứ vẫn nguyên vẹn ở đây. Tôi không dọn đi bất cứ thứ gì. Với tôi, cô ấy chỉ đang mất tích dù cho chính phủ có tuyên bố gì đi chăng nữa. Tôi không thể chấp nhận rằng cô ấy đã chết, cho tới khi nào họ tìm thấy điều gì đó để chứng minh. Bất cứ điều gì", The Malaysian Insider dẫn lời Lee tâm sự trước thềm lễ kỷ niệm một năm sau ngày máy bay của Malaysia Airlines gặp nạn.
Trước đó, chính phủ Malaysia hôm 29.1 tuyên bố vụ mất tích MH370 là một "tai nạn" và toàn bộ 239 người trên máy bay được cho là đã chết.
Tuyên bố trên khiến ông bố đơn thân tức giận. Anh cho rằng, tuyên bố ấy không rõ ràng và không khiến anh vơi đi nỗi đau. Lee cùng nhiều gia đình hành khách và phi hành đoàn khác muốn có câu trả lời về số phận của người thân từ giới chức Malaysia.
Tuy nhiên, đáp lại họ chỉ là con số không khiến họ không khỏi giận dữ, thất vọng. Cho đến nay, thế giới của Lee vẫn nhuộm một màu đen như ngày đầu tiên khi anh nhận được hung tin người vợ thân yêu đã mất tích cùng chuyến bay định mệnh.
"Ngày họ nói với tôi rằng, chiếc máy bay mà cô ấy có mặt trên đó bị mất tích, thế giới của tôi chuyển thành một màu đen. Mất tích ở đâu? Tôi không biết. Tôi quá thất vọng và cảm thấy mất mát. Tháng đầu tiên là tồi tệ nhất", Anh Lee chia sẻ.
Lee đã giải thích sự việc với cô con gái 11 tuổi của mình vì anh nghĩ con đã đủ lớn để hiểu chuyện. Lee và Foong kết hôn năm 2003. Họ có hai con, một trai, một gái.
"Thời gian đầu, tôi gửi các con sang nhà ngoại. Tôi không thể đối mặt với toàn bộ sự việc. Không lâu sau, tôi trở lại làm việc. Công việc chiếm hết thời gian của tôi", Lee tâm sự cách anh vượt qua khủng hoảng tâm lý trong suốt một năm qua.
Hiện tại, ông bố đơn thân phải một mình nuôi dạy hai đứa con nhỏ. Con trai Lee thậm chí muốn bố ở nhà vì cậu bé sợ điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra với anh.
Tác phẩm nghệ thuật trên cát nhằm tưởng niệm và cầu bình an cho
239 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay MH370.
Trong khi đó, ông bố đơn thân Shim, 39 tuổi, rất lo cho cậu con trai lớn 9 tuổi kể từ sau ngày anh mất vợ còn cậu bé mất mẹ.
"Thằng bé không còn giống như trước đây. Giờ đây, nó hay khóc ở trường và gặp ác mộng trong đêm", anh Shim chia sẻ.
Vợ anh Shim là Christine Tan, cũng là tiếp viên hàng không trên chuyến bay MH370. Từ ngày mẹ đi mãi không về, cậu con trai 9 tuổi của Shim thường bần thần và bắt đầu có dấu hiệu bất ổn về tâm lý.
Cũng như cậu con trai của anh Lee, con trai của anh Shim cũng đòi bố nghỉ việc vì sợ bố sẽ biến mất giống như mẹ.
"Thằng bé bảo tôi nghỉ làm vì nó sợ tôi gặp tai nạn rồi rời bỏ nó ra đi. Trước khi chụp ảnh gia đình, nó cũng đếm tất cả mọi người để chắc rằng tất cả chúng tôi đều ở đây. Trước đó, nó chưa bao giờ như thế", Shim chia sẻ.
Cũng như nhiều ông bố đơn thân khác, Shim cảm thấy rất khó khăn khi phải một mình chăm lo cho các con. Mỗi lần đưa con đi chơi ở khu trung tâm mua sắm, anh lại thấy bối rối.
"Tôi không thể đi cùng con gái 7 tuổi vào nhà vệ sinh nữ ở nơi công cộng. Tôi phải cắt tóc ngắn cho con vì tôi không biết cách buộc tóc con mỗi sáng trước khi đưa bé đến trường. Nếu còn mẹ, tất cả điều đó sẽ thật dễ đàng. Đó là những điều đơn giản mà chỉ một người mẹ có thể giúp con gái mình. Ai đó có thể trách móc tôi nhưng tôi có thể làm được gì hơn", Shim tâm sự.
Bất chấp những khó khăn, ông bố đơn thân đã nỗ lực để cuộc sống diễn ra bình thường nhất có thể cho các con. Anh sống tích cực và vẫn nuôi hy vọng nhận được tin tức về người vợ thân yêu cùng chiếc máy bay mất tích cho dù đến nay chẳng có lấy chút manh mối nào.
"Không mảnh vỡ, không bằng chứng. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Thật khó để bước tiếp khi mà sự việc vẫn chưa kết thúc", Shim tâm sự.
Anh cũng cho biết, anh đã cảm thấy toàn thân tê liệt khi chính phủ ra tuyên bố thảm kịch MH370 là một "tai nạn" và tất cả 239 người trên máy bay được cho là đã chết.
"Tôi biết việc này sẽ xảy ra. Tôi chỉ không biết tuyên bố như vậy sẽ khiến mình cảm thấy thế nào. Tôi cảm thấy thế nào ư? Tôi cảm thấy bị tê liệt", ông bố đơn thân ngậm ngùi.
Theo Danviet.vn