Hầu hết những vụ án bố đẻ xâm hại con gái, đều có sự “tiếp tay” của những bà mẹ nhu nhược.
Hại con vì nhu nhược?
Liên tiếp những vụ bố đẻ cưỡng hiếp con ruột khiến xã hội đau đớn và hoang mang về nền tảng đạo đức đang có nguy cơ băng hoại. Riêng người viết, trong những vụ án trên, nỗi đau đáu luôn hướng về một khía cạnh: khi những đứa trẻ bị hại, thì người mẹ ở đâu?.
Ngày 17/8/2011, TAND thành phố Hà Nội xử Hoàng Văn Duyến (SN 1974, ở thôn Đồi Vua, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, HN) về tội hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là Hoàng Thị M (SN 1996), con gái đẻ của Duyến.
Việc Duyến cưỡng hiếp bé M. đã diễn ra rất nhiều lần trong hơn một năm, ngay tại nhà cháu. Điều đáng nói là bé M. đã khai với cơ quan công an rằng, nhiều lần em có kể với dì ruột, nhưng dì đều gạt đi, bảo em nói bậy bạ. Còn với mẹ, em cũng đã bày tỏ sự sợ hãi đối với cha đẻ, xin mẹ cho đi làm xa, nhưng mẹ em chỉ bảo em "bình tĩnh rồi mẹ xin việc cho".
Lời nói mơ hồ của bà mẹ không thể hiện bà có biết chuyện con gái mình bị chồng hãm hại hay không, nhưng cũng đủ nói lên sự bàng quan, thờ ơ của người mẹ và người dì trước nỗi bất hạnh của con mình.
Cách đây hai năm, tại Huế, một người cha tên L.V.D đã bị phạt 20 năm tù vì cưỡng hiếp con gái đẻ của mình. Y thực hiện hành vi đồi bại với con gái suốt hai năm, mỗi lần vợ phát hiện và ngăn cản thì đuổi đánh vợ con hết sức tàn nhẫn. Có nghĩa là, suốt hai năm trời, người mẹ chứng kiến và biết hành vi của chồng với con gái, nhưng không dám tố cáo, chỉ đến lúc "không chịu nổi nữa" và biết mình mang bệnh nặng, thì người mẹ mới đưa sự việc ra ánh sáng.
Những bà mẹ trên, đáng trách nhưng vẫn chưa làm dư luận phẫn nộ bằng người mẹ tên Thoa ở Vĩnh Phúc trong một vụ án nổi tiếng gần đây. Bà biết chồng mình hiếp dâm con gái suốt chục năm trời mà "nhắm mắt làm ngơ", để đến mức lần lượt ba cô con gái đều bị cưỡng hiếp suốt từ tuổi thơ cho đến lúc lấy chồng.
Thậm chí, người mẹ này còn không dám cho các con biết là mình đã chứng kiến mọi chuyện, nghĩa là bà cố gắng đứng ngoài nỗi đau của các con... Trong những vụ án ấy, người mẹ, khi được hỏi, luôn thanh minh là mình khổ quá, sợ quá, bị uy hiếp, không tin vào sự thật, hoặc sợ hàng xóm láng giềng cười chê... Muôn vàn lý do để bao biện, nhưng lý do lớn nhất mà người ta có thể thấy, đó là sự nhu nhược, hèn nhát, thậm chí ích kỉ đã góp phần hại đời những đứa con bé bỏng của mình.
Đánh thức những người mẹ
Còn nhớ một người mẹ trong vụ án ở ở Đồng Nai, chung quanh ai cũng biết chuyện chồng chị có hành động dâm ô, thậm chí đi xa hơn với đứa con gái 12 tuổi, nhưng chỉ riêng chị phủ nhận. Thậm chí, ai hỏi đến, chị con to tiếng chửi rằng dám "vu oan" cho gia đình mình. Sau đó, đứa trẻ đã được ông bà ngoại đón về ở, và câu chuyện mãi mãi chỉ nằm trong những lời khẳng định của những người hàng xóm, chứ người cha vẫn sống yên thân. Chỉ biết là đứa con gái từ khi về ở nhà ngoại không một lần dám về thăm cha mẹ.
Hay chị G., có chồng là Nguyễn Văn Tài ở Phú Yên, cưỡng bức và đánh đập con đẻ suốt hai năm một cách tàn bạo, đã dũng cảm làm đơn tố cáo chồng sau một thời gian đau khổ. Thế nhưng, đến khi anh này bị án tù chung thân, thì chị lại đâm thương cảm, hối hận vì hành động của mình. Chị cùng bé L, đứa con gái bị cha ép làm nô lệ tình dục, viết một lá đơn dài phủ nhận những điều mình đã tố cáo, chị nói chồng bị oan, vì cưng con quá nên nông nỗi... Chị không nghĩ rằng, giả sử như kẻ tàn ác ấy mà có được trở về, thì mẹ con chị liệu có yên thân, con gái chị có chắc không rơi vào nỗi đau đớn bị làm nhục như trước?.
Nếu còn những người mẹ như thế, thì phải thừa nhận rằng, sẽ còn có chuyện những đứa bé gái tội nghiệp bị xâm hại, lạm dụng nhiều năm bởi bố đẻ, cha dượng mà không có lối thoát. Làm cách nào để đánh thức sự sáng suốt và lòng quả cảm trong lòng những người mẹ, đó là một câu hỏi vẫn chưa có lời đáp, vẫn đau đáu trong lòng những người quan tâm đến thân phận những đứa trẻ bị chà đạp thể xác lẫn tâm hồn. Những cơ quan chức năng, các hội bảo vệ phụ nữ, trẻ em sẽ làm gì để giải đáp câu hỏi này?.
Pháp luật Việt Nam