Rock climbing and deep water solo (tạm dịch là leo núi và thả mình xuống nước không trợ giúp) là bộ môn không quá mới ở Việt Nam nhưng chưa có nhiều người tham dự. Nhưng điều đó không cản trở những thành viên chuyên leo núi ở Việt Nam sinh hoạt thường kỳ và tìm cho mình những cảm giác mới.
Phóng viên xin giới thiệu với bạn đọc những hình ảnh mới nhất của những con người chuyên chinh phục độ cao, ưa thể thao khám phá, mạo hiểm tại Việt Nam.
Đối với bộ môn Rock climbing and deep water solo, điểm đến thường là những rặng đá dựng đứng hoặc những ngọn núi đá vôi ngoài biển. Nghĩa là quan trọng bên dưới phải có nước và độ sâu lớn để đảm bảo khi rơi không gặp nguy hiểm.
Điểm đến mới nhất của CLB VietClimb là khu vực núi đá tại Cát Bà, thuộc Vịnh Hạ Long. Đây được coi là thiên đường của những tay leo núi tay không bởi sự đa dạng của các hòn núi cũng như địa hình rất phù hợp cho Rock clibing and deep water solo.
Trước bất cứ lần leo nào, các thành viên cũng phải khảo sát các điểm leo. Mặc dù đa số các điểm này đều đã được khảo sát nhưng nếu không quan sát trước, vận động viên có thể đi nhầm hướng hoặc không đến được đích mà mình mong muốn.
Sự khởi đầu luôn là vấn đề. Thực sự không dễ khi bạn phải bắt đầu cuộc chinh phục từ trên Kayak. Sau đó thì hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh và sự tỉnh táo. Mọi tính toán sai lầm sẽ khiến bạn rơi xuống biển ngay từ khi xuất phát.
Bạn có thể nói chơi môn này cần thể lực. Đúng nhưng chưa đủ. Nếu không có sự khéo léo, biết phân phối sức, phối hợp khéo léo giữa chân và tay, đặc biệt là sự tỉnh táo của cái đầu, bạn sẽ khó đi xa và cao.
Tuy nhiên, bộ môn này lại không đòi hỏi bạn phải học nhiều trước đó. Ngay trong buổi leo núi đầu tiên, bạn có thể ra thực tế tại hiện trường và tự rút kinh nghiệm cho mình.
Tất nhiên, khi áp mặt vào vách núi thế này, bạn khó có thể quan sát các bước leo tiếp theo. Đó là lý do để bạn phải lắng nghe sự hướng dẫn của những thành viên khác từ bên dưới. Đó chính là 1 trong các yếu tố đồng đội của bộ môn này.
Khi kết hợp toàn bộ các yếu tố về sức khỏe, sự khéo léo, tỉnh táo và tinh thần đồng đội, vận động viên sẽ chinh phục được những đỉnh cao ngoài giới hạn mà họ có thể nghĩ đến.
Đối với các vận động viên không chuyên, độ cao để chinh phục thường ở mức trên dưới 10m so với mặt nước.
Tuy nhiên, đối với những vận động viên chuyên nghiệp thì giới hạn có thể lên đến trên 30m. Jean Verly là 1 ví dụ. Không chỉ vượt qua nhiều giới hạn của bản thân, hiện anh đang là một trong những vận động viên có trình độ cao tại Việt Nam.
Là người mang hai dòng máu Việt - Pháp, vốn leo núi từ khi mới 15 tuổi, Jean hoàn toàn có thể chinh phục những đỉnh núi khó ở Việt Nam, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Tại Việt Nam hiện chưa có nhiều người tham dự bộ môn này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là thiếu sự xuất hiện của những vận động viên nữ.
Có thể họ mới chỉ tham dự một cách nghiệp dư nhưng với khả năng của mình, họ đang khiến không ít nam giới phải lắc đầu thán phục khi vượt qua nhiều thử thách ít người dám thử.
Đối với các vận động viên nước ngoài, bộ môn Rock climbing and deep water solo không còn xa lạ. Tuy nhiên độ khó được nâng lên rất nhiều. Một điều đáng chú ý nữa đó là không phải nước nào cũng có những điểm leo phù hợp. Việt Nam được coi là điểm đến tuyệt vời với sự phong phú về địa điểm leo.
Nếu bắt đầu leo đòi hỏi sự tính toán, chinh phục điểm leo đòi hỏi sức mạnh và sự khéo léo... thì khi buông mình xuống biển đó là lúc xả tất cả: Tự do, cảm giác mạnh, sẵn sàng cho một cảm giác mới khi rơi xuống biển từ độ cao lên đến vài chục mét.
Kết thúc 1 lần leo cũng như sẵn sàng cho một lần leo mới chính là lúc thể hiện sự phối hợp của một nhóm vận động viên. Ngoài việc hỗ trợ người khác leo lên núi, hướng dẫn từ bên dưới về các điểm bám, họ cũng luôn sẵn sàng cứu hộ sau mỗi lần tiếp nước của đồng đội
Đối với mỗi vận động viên, có nhiều cách để họ thử thách giới hạn của mình. Những vận động viên trình độ cao ưa thích những đường đi khó, đặc biệt là các khu vực hang động, khi họ có thể treo mình trên vách hang và tung mình ra đó để tiếp nước một cách hoàn hảo nhất.
Đối với những người khác, độ cao chính là giới hạn để họ vượt qua. Và cũng có thể đó là những động tác kỹ thuật trên không trước khi tiếp nước họ có thể thể hiện.
Nhưng hơn tất cả, đó là cách họ tìm đến giới hạn của bản thân và liên tục phá vỡ những giới hạn đó.
Sau mỗi lần chinh phục một tuyến leo núi, họ sẵn sàng cho 1 tuyến khác hoặc trở lại hỗ trợ đồng đội của mình.
Ngoài Rock climbing and deep water solo, còn rất nhiều hình thức leo núi khác mà những vận động viên leo núi tham gia.
TT&VH