Sai xót nghiệm vụ, thiếu kinh nghiệm?
Cơ quan công an, cảnh sát điều tra không thừa nhận việc ép cung ông Nguyễn Thanh Chấn như đơn tố cáo. Tuy nhiên, người được cho là gây ra án mạng thực sự đã ra đầu thú và nhiều khả năng đây mới là hung thủ của vụ án. Vậy nên làm sao một người không giết người, một người vô tội lại nhận tội và thụ án hơn 10 năm tù trong trại giam?
Đã có ý kiến cho rằng việc ép cung là có thật chứ không đời nào ông Chấn bịa đặt ra chuyện đó. Vẫn đề là ở chỗ có thể chứng minh được việc đó hay không khi mà ông Chấn chỉ có một mình trong suốt quá trình điều tra.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các điều tra viên, giả dụ có ép cung ông Chấn thì động cơ ép cung, động cơ buộc tội ông Chấn để làm gì và vì mục đích gì?
Đặt giả thiết điều tra viên không hề ép cung, không hề bắt ông Chấn bằng mọi giá phải nhận tội và sau khi điều tra lại cơ quan điều tra xác định ông Chấn bị oan thì chứng tỏ nghiệp vụ và lý luận điều tra của cơ quan công an tỉnh Bắc Giang có vấn đề. Không vấn đề sao được khi chứng cứ yếu, thiếu và có nhiều mâu thuẫn mà vẫn kết luận là ông Chấn giết người.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được trả tự do.
Thế nhưng giả thiết cơ quan điều tra tỉnh Bắc Giang sai xót về mặt nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm có phần không thỏa đáng. Bởi lẽ cái lá đơn tự thú của ông Chấn không thể do một sai sót nghiệp vụ nào tạo nên? Phải có một áp lực nào đấy, một tác động nào đó mới đủ khiến một người được cho là vô tội phải tự thú mình là hung thủ của vụ án.
Che dấu tội phạm hay vì tiền?
Khả năng ép ông Nguyễn Thanh Chấn nhận tội để che dấu hung thủ thực sự gần như được loại trừ. Bởi lẽ xét cho cùng giữa các điều tra viên và nghi can Lý Nguyễn Chung không có một mắt xích hay mối quan hệ nào để khiến cho những người “giữ lẽ công bằng” phải làm vậy.
Còn nếu đặt giả thiết các điều tra viên, cơ quan điều tra nhận tiền để làm sai sự thật, sai bản chất của vụ án cũng có phần gượng gạo. Bởi thực chất đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bản thân gia đình nghi can Lý Nguyễn Chung cũng không đủ tiềm lực kinh tế để làm điều đó.
Vậy vì lý do gì mà người ta có thể khiến ông Chấn phải nhận tội, khiến ông Chấn có thể miêu tả tỉ mỉ hành vi giết người, thực nghiệm chính xác hiện trường vụ án khi mà bản thân ông Chấn không hề và chưa từng bao giờ làm những việc đó?
Sợ tồn đọng án, phá án nhanh lấy thành tích?
Nghiệm vụ của công an, cơ quan cảnh sát điều tra không phải là yếu kém. Điều đó đúng khi đã có không ít vụ án lớn mà chỉ sau một thời gian ngắn chân tướng sự thật đã được làm rõ. Việc buộc ông Chấn nhận tội không vì động cơ che dấu tội phạm, không vì nhận hối lộ, nhận tiền mà làm sai sự thật. Vậy thì nhiều khả năng những điều tra viên này muốn làm nhanh, phá án nhanh để lấy thành tích?
Rất có thể vì sợ tồn đọng án, sợ bị khiển trách khi phải để án “treo lơ lửng” vì không tìm ra hung thủ. Sự chủ quan trong việc tin chắc chắn rằng ông Nguyễn Thanh Chấn là kẻ giết người là một trong những cái sai nghiêm trọng của cơ quan điều tra.
Việc gây ra nghi án oan chấn động mang tên Nguyễn Thanh Chấn vì muốn làm nhanh lấy thành tích, sợ tồn đọng án hàng năm, nhất là với những trọng án mới chỉ là một giả thiết. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng trong bảng thành tích của các điều tra viên ngày ấy sẽ có tên vụ trọng án Nguyễn Thanh Chấn giết người.
Theo Nguoiduatin.vn