Đó là những lời mị dân của “thánh cô” Bùi Thị Thức ở bản Hồi Phú, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa khi nói về khả năng của mình để lòe mọi người nhằm thu lợi bất chính.
Trò lừa “Phật giáng thế chữa bách bệnh”
Đã hành nghề được 10 năm nay, nên “thánh cô” Bùi Thị Thức thuộc dạng “có số có má” ở vùng đất hoang sơ nghèo nàn và lạc hậu này. Tìm đến địa chỉ nhà bà Thức không khó, vì hỏi đến bà Thức cắt duyên, nối duyên, trừ ma ám chữa bệnh âm... dân trong vùng không ai là không biết đến. Khi biết chúng tôi đi tìm “thánh cô”, người dân nơi đây lại còn giới thiệu thêm một “thánh cô” vùng khác có tên Hà hiệu nghiệm hơn cô Thức rất nhiều: “Nếu xem nhà bà Thức không ưng ý thì tôi có thể chỉ anh đến nhà cô Hà ở cách đây cũng không xa, xem chuẩn lắm anh à”.
Không biết mảnh đất sỏi đá này được ăn “lộc trời” bao nhiêu mà xuất hiện nhiều “thánh cô” đến vậy. Tò mò, chúng tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu xem thực hư câu chuyện này thế nào. Từ con đường chính của xã đi vào nhà vị thánh cô Thức không xa. Khi chúng tôi tìm đến nhà cũng vừa lúc có một tốp từ 5 đến 7 người vừa làm lễ xong đi ra. Sau một hồi lân la gặng hỏi thông tin về vị “thánh cô” tên Thức từ những người dân này, thì điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn đó là ai ai cũng khen bà này ăn lộc trời nên kêu gì được đó, phán gì đúng nấy.
Vào vai muốn được thánh cô se duyên ở trần nhờ cô phán cho xem năm nay số em thế nào vì đã hơn 30 tuổi mà con đường tình duyên cho đến công danh đều lận đận chưa hết khổ. Biết chúng tôi người lạ, ở vùng khác đến nên ban đầu bà Thức cũng dè dặt. Nhưng khi được chúng tôi mớm lời dẫn lối vào câu chuyện muốn se duyên thì bất ngờ vị “thánh cô” này như bị “ngứa nghề” nên phán rất nhiều: “Năm nay đầu năm con gặp nhiều chuyện trục trặc, nếu “lễ lạt tốt”, cuối năm có nhiều điều may mắn con đường tình duyên, công danh vô cùng xán lạn”. Không chỉ có vậy bà này còn tự tin khoe mánh: “Người đến đây cô chỉ cần nhìn qua nét mặt, dáng đi là biết họ cần gì và tướng số, công danh của họ thế nào, vì cô được mệnh thờ phật tổ, căn cô cao lắm. Chỉ cô mới dám kêu đến phật tổ, các thầy khác chỉ mới kêu đến cấp dưới của phật, không ai dám kêu đến phật tổ như cô cả”.
Về chi phí hành lễ, vị “thánh cô” này cho biết: “Nếu làm lễ se duyên, yêu ai mà người ta không yêu mình, sẽ làm lễ thay cung đổi mệnh, cắt duyên âm và nối duyên trần với 60 quả cau, 60 lá trầu cùng 800 nghìn đồng. Nếu như cô khác phải lấy 2 triệu đồng cho một cái lễ như thế. Các lễ khác 300 nghìn đồng, 400 nghìn đồng nhưng cô chỉ lấy 100 nghìn đồng. Còn lễ to như cắt oan giải đoạn, cô chỉ làm tầm 15 triệu đồng, không lấy cao tý nào, các thầy khác phải hơn 40 triệu đồng cơ đấy”.
Trong khi đang “ra giá” với chúng tôi thì bên ngoài lại có vài người đến. Cô nói “phải đợi đến lượt, ai đến trước được làm trước” rồi giục chúng tôi đặt lễ để “thánh cô” làm cho. Sau một hồi quanh co, chúng tôi đành đặt một quẻ với giá 100 nghìn đồng rồi xin ra ngoài để có việc, hẹn khất bà lần sau vì không mang đủ tiền. Khuôn mặt “thánh cô” ra vẻ thất vọng và phán rằng, lần sau trở lại không thiêng nữa đâu, phật tự ái rồi(!?).
Chân dung “thánh cô” Bùi Thị Thức luôn miệng nói là được Phật tổ Như Lai
nhập vào và chỉ đường.
Phán bừa để thu lợi bất chính
Trong căn nhà cấp bốn khoảng hơn 10m2 sặc mùi khói hương, mỗi lần phán xong là bà đi lên căn nhà trên nghỉ một lúc xong mới xuống. Một khách đang ngồi khấn vái chờ đến lượt, quay sang hỏi chuyện chúng tôi: “Thế vừa rồi cô nói có đúng không chú”. Chưa kịp trả lời thì bà đã nói tiếp và khen ngợi vị “thánh” Thức hết lời: “Cô giỏi lắm, ăn lộc trời, là con trời xuống giúp dân nên phán gì đúng nấy chú à...”.
Khi mà “công tác chuẩn bị” của người hầu đồng xong xuôi, bà Thức từ nhà trên bước xuống để tiến hành lễ se duyên cho một cô gái tên Huyền, năm nay đã hơn 30 tuổi mà vẫn chưa có mối nào. Người nhà sợ chị Huyền bị duyên âm chưa cắt được, nên hôm nay đến nhờ thầy cắt duyên âm nối duyên trần, để chị này sớm có thể lấy chồng như bao cô gái khác. Sau khi người hầu xếp đủ đồ lễ, và người nhà cũng đặt đủ số tiền lễ lên mâm sính lễ, cô Thức bắt đầu hỏi về tên tuổi, năm sinh, nhân thân... của vị khách sắp được cô phán xem thế nào. Có đủ thông tin, người hầu lại lấy một mảnh vải đỏ phủ kín đầu bà Thức, sau đó tự nhiên người bà lắc lư, rung lên, lấy một thanh kiếm xoay chiều thẳng đứng và ngang mặt rồi đặt xuống bàn, trên bàn có một bát nước lã được phủ bằng một tấm vải đỏ mà người hầu đã chuẩn bị từ trước. Thắp nhang lên đèn rồi hai tay bà còn kẹp tiếp sáu que nhang, rồi múa uốn tay dập dìu theo điệu hát văn mà người hầu bật từ chiếc đài cát sét. Mọi người ngồi ở dưới được đà cứ chắp tay vái lạy liên tục (khi tìm hiểu mới biết đó là đệ của cô Thức).
Cung điện nơi “thánh cô” Thức lên đồng để lòe mọi người.
Sau một hồi lâu khi đã biết khá rõ về người con gái đang được bà lên đồng thì bà phán: “Số con sinh giờ xấu, duyên phận chỉ đến rồi đi do có người âm theo, cần phải làm một cái lễ thay cung đổi mệnh mới trừ được bệnh người âm ám...”. Phán xong cô lấy bát nước đưa đi đưa lại hai vòng rồi lấy thẻ hương đang tỏa khói hít nhẹ rồi nhả (phù) khói ra bát nước đó, miệng lẩm bẩm như đang đọc thần chú, truyền phép vào bát nước. Sau đó bà Thức nhúng lưỡi kiếm vào bát nước giơ kiếm thẳng đứng lên trời, đặt lên hai vai trái và vẩy nước bùa lên đầu, lên quần áo chị Huyền thế là xong phần lễ phép cắt duyên. Làm xong người phụ nữ này toát hết mồ hôi rồi cứ run lên bần bật do sợ lưỡi kiếm của vị “thánh cô” này.
Người nhà đi cùng cho biết lễ này các thầy khác thường làm trong khoảng thời gian 30 phút, nhưng sao hôm nay lễ cô Thức làm nhanh vậy. Không biết khi đặt lễ cho cô có thiếu điều gì không, thắc mắc nhưng không ai dám hỏi vì sợ cô giận thì bùa phép không thiêng rồi tự an ủi, có khi cô là người của phật nên nhanh như thế.
Xong lễ, chị Huyền tiếp tục một vị khách là nữ lên trình bày hoàn cảnh. Chị này tên Thu, người trong huyện. Gia đình gặp trắc trở về đường con cái, nên gây mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Nghe hàng xóm nói nhà chị đang ở, ngày trước xây trên mảnh đất xấu, có phần âm ở dưới, nhà không biết thờ cúng làm người âm tức giận nên hay về quấy vợ chồng và lấy đi những người thân của mình. Khi cưới hai vợ chồng mới cưới trần mà chưa “cưới âm”, trong khi ngôi nhà mình ở, được xây trên mảnh đất có người âm cư ngụ. Nên phải làm lễ “cưới âm” để chiêu đãi các linh hồn này một bữa cùng lễ vật. Làm như vậy họ sẽ không về quấy gia đình nữa, cuộc sống vợ chồng sẽ hạnh phúc, còn về phần con cái sẽ bình an, không còn ốm đau... Nghe theo lời dặn của “thánh” Thức, người đàn bà với vẻ mặt lo sợ, nhanh chóng ra sân gọi điện nói với chồng nhưng không được sự đồng ý. Quay lại hỏi, được đà bà nói tiếp đó là do người âm đang điều khiển lý trí người chồng, cần sớm làm lễ mới được...
Bà con đồng bào dân tộc nơi đây nhiều người vẫn còn mê tín, tin vào chuyện ma quỷ, người âm theo duyên trần, vợ chồng cãi nhau, ốm đau bệnh tật... đa phần họ quan niệm do phần âm, những hồn ma gây vạ nên phải đi giải hạn, cúng bái mới có thể qua được. Nhận thức người dân còn hạn chế, nghe theo lời đồn thổi và không tự kiểm chứng nên nhiều người tiền mất mà tật vẫn mang cũng do bói toán làm lễ.
Theo Đời Sống Pháp Luật