Trẻ mắc sởi dưới 1 tuổi chiếm 27%, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng đã là gần 16%. Ông có thể lý giải vì sao lại có nhiều cháu bé được coi là còn miễn dịch với sởi do mẹ truyền cho lại bị bệnh nhiều đến như vậy?
Sáng 18.4, Hội đồng khoa học cấp nhà đã thông qua đề xuất trình Bộ Bộ KHCN phê duyệt hỗ trợ kinh phí triển khai đề tài “Nghiên cứu “Dịch tễ, miễn dịch, virus học, lâm sàng, và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở VN 2013 - 2014”. Đề tài do Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ chủ trì, hợp tác với các BV Nhi TƯ, BV BM, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, các BV các tỉnh, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực, các tổ chức quốc tế.
Với đề tài này, chúng tôi hy vọng có thể lý giải các ca bệnh nặng bất thường, nhiều ca tử vong như vậy trong mùa dịch này, trong đó có câu hỏi vì sao dưới 9 tháng trẻ có tỷ lệ mắc sởi cao.
Tuy nhiên, hiện giả thuyết của chúng tôi về hiện tượng này có thể như sau: Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng ở những người mắc bệnh sởi có miễn dịch sởi cao hơn ở những người tiêm phòng vaccine. Miễn dịch thu được qua tiêm chủng thường thấp hơn và không bền vững suốt đời mà giảm dần theo thời gian.
Cho nên, về lý thuyết, trẻ sinh ra từ mẹ đã tiêm phòng có thể có nồng độ miễn dịch thấp không đủ để phòng bệnh, so với trẻ sinh ra từ người mẹ đã mắc sởi tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu về miễn dịch nền với virus sởi ở trẻ em sinh ra ở Mỹ cho thấy, ở trẻ mới sinh chỉ có 7% không có kháng thể với sởi. Nhưng đến lúc 6 tháng tuổi, tỷ lệ này là lên tới 90%.
Ở Việt Nam, vaccine sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ năm 1985 đã góp phần giảm tỷ lệ mắc sởi trong cộng đồng gần 600 lần năm 2012 so với năm 1984. Hầu hết người dân trong đó có các bà mẹ tuổi 20-30 có kháng thể với sởi từ tiêm phòng. Vì thế, trẻ sinh ra gần đây từ những bà mẹ này cũng sẽ có miễn dịch thấp hơn, có thể không đủ để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi.
Nếu như vậy, vì sao Bộ Y tế không điều chỉnh thời gian tiêm sởi mũi 1 trước 9 tháng?
Việc quy định ngưỡng 9 tháng tiêm sởi mũi 1 hiện nay là do kết quả nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy ở độ tuổi đó, hệ miễn dịch của trẻ mới hoàn thiện, cơ thể mới có khả năng tiếp nhận vắc xin và tạo thành kháng thể chủ động đủ để phòng sởi. Trong thời gian chưa có những kết quả nghiên cứu của đề tài nói trên (dự kiến sớm nhất vào cuối năm nay), việc có thay đổi lịch tiêm phòng sởi hay không chưa được đưa ra.
Rất nhiều người lớn, hoặc cha mẹ không nhớ con mình đã tiêm phòng sởi hay chưa. Vậy theo ông, dù từng tiêm hay chưa, họ có nên đi tiêm lúc này?
Các cháu ở độ tuổi 9 – 24 tháng, (riêng các cháu ở TP.HCM thì ở độ tuổi 9 – 36 tháng) thuộc diện tiêm vét theo quy định. Còn bất cứ ai, người lớn hay trẻ em, nếu chưa chắc chắn đã mắc sởi hoặc tiêm phòng sởi, mà phơi nhiễm với bệnh nhân sởi và có nguy cơ mắc sởi cao đều nên đi tiêm vắc xin sởi để phòng bệnh. Kháng thể sẽ xuất hiện sau 2 tuần và đạt tối đa sau 4 tuần. Nhiều nghiên cứu cho thấy kháng thể đối với virus sởi từ mẹ truyền sang cho con qua sữa mẹ là rất thấp và không đủ để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi.
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ sởi 2 mũi vào 9 và 18 tháng để đủ
kháng thể phòng bệnh. Ảnh: Dương Ngọc.
Thưa ông, những năm qua, tỉ lệ tiêm phòng các tỉnh đều đạt trên 90%. Vậy ngoài những lý do vaccine chỉ đạt hiệu quả bảo vệ tối đa 95%, liệu chất lượng vaccine có vấn đề gì không?
Vaccine sởi dùng trong chương trình TCMR do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) sản xuất dưới sự hỗ trợ hoàn toàn từ công nghệ, dây truyền sản xuất của Nhật Bản, đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của Tổ chức thế giới, được thường xuyên kiểm định chất lượng. Vaccine này được đánh giá là một trong những loại tốt nhất hiện nay. Ngoài ra, vaccine cũng được vận chuyển bảo quản trong dây truyền lạnh theo đúng qui định. Do đó, theo tôi không có vấn đề gì về chất lượng.
Thưa GS, vụ dịch sởi này có làm ảnh hưởng đến tiến độ loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 mà Việt Nam đã cam kết với thế giới?
Điều này phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ sởi và vào tiến độ các chiến dịch tiêm chủng thời gian tới đây. Nếu làm được tốt, sẽ tạo được quần thể miễn dịch cao nhất. Trong các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh dễ lây lan như sởi – như người ta đã nói rằng một người chưa có miễn dịch với sởi chỉ cần đi qua đầu giường người bệnh sởi đã bị nhiễm sởi – thì tiêm phòng là hiệu quả cao nhất.
Việc Việt Nam có đạt được mục tiêu loại trừ sởi, tức là duy trì được tỉ lệ mắc 1 ca/1 triệu dân hay không phụ thuộc vào thành hiệu quả của việc triển khai tiêm phòng vắc xin sởi. Thực tế các nước châu Mỹ đã loại trừ được bệnh sởi từ năm 2002 nhờ vaccine.
Xin cảm ơn ông!
Lao Động