Bắt quả tang nhuộm gia cầm bằng bột sắt
Ngày 22/8, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM phát hiện một số đối tượng đang tổ chức giết mổ gia cầm trái phép tại tổ 6, ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Hiện trường cảnh giết mổ khi lực lượng chức năng đến kiểm tra.
Phát hiện cơ quan chức năng đến kiểm tra các đối tượng nhanh chóng tẩu tán tang vật. Tuy nhiên tại hiện trường vẫn còn một số con vịt còn sống và một số đã được giết mổ. Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện một hộp hóa chất màu vàng dùng để nhuộm gia cầm sau khi giết mổ.
Được biết, để gia cầm có màu vàng tươi ngon, bắt mắt thì sau khi vặt lông, rửa sạch trước khi đem đi bán một số tiểu thương đã nhúng gia cầm vào nồi nước sôi trong đó có trộn một loại hóa chất mà nhiều người gọi là bột sắt.
Thực tế, đây là loại bột rất dễ mua ở các cửa hàng sơn tổng hợp, sơn công nghiệp, sơn gỗ… Chỉ cần một gói nhỏ 100g với giá hơn 10 ngàn đồng là có thể dùng để nhuộm cho khoảng 40.000 con gia cầm.
Thu giữ hơn 1 tấn thịt bò, chân gà "quá đát"
Ngày 21/8, lực lượng CSGT Quảng Ninh đã phát hiện một chiếc xe ô tô tải vận chuyển hơn 200kg thịt bò và 800kg chân gà đông lạnh đã quá hạn sử dụng, không giấy tờ hợp lệ.
Lực lượng CSGT đã tiến hành thu giữ 1 tấn thịt bò, chân gà "quá đát" - (Ảnh: Dân Việt).
Cụ thể, vào thời gian trên, lực lượng CSGT đã phát hiện xe ô tô tải mang BKS 34M - 4275 do Nguyễn Danh Quân (sinh năm 1987, trú tại Kim Thành, Hải Dương) điều khiển hướng Hạ Long - Móng Cái, trên xe chở hơn 200kg thịt bò và 800kg chân gà đông lạnh đã quá hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối, không giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Ngay sau khi phát hiện số hàng trên lực lượng CSGT đã bàn giao cho các cơ quan chức năng tịch thu và tiêu hủy. Nếu lực lượng chức năng không kịp thời ngăn chặn lô hàng trên thì hàng trăm kg thịt bò, chân gà "quá đát" sẽ được tiêu thụ ở các quán nhậu tại Quảng Ninh.
Hàng nghìn tấn sầu riêng bị ép chín bằng hóa chất
Để những trái sầu riêng được chín đều, màu sắc bắt mắt thì những thương lái đã tiến hành dùng hóa chất độc hại để ép hàng nghìn tấn sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) chín.
Theo phản ánh của người dân thì thời gian này một số thương lái đến Khánh Hòa thu gom sầu riêng nhưng điều đáng nói là họ tổ chức thu mua cả vườn, thu mua cả những trái còn xanh non. Sau đó các thương lái tiến hành nhúng trái sầu riêng vào một loại hóa chất đã hòa sẵn với mục đích ép trái chín rồi đưa ra thị trường.
Hàng ngàn tấn sầu riêng bị các thương lái ép chín bằng hóa chất - (Ảnh: SGGP).
Khi sầu riêng được nhúng hóa chất thì đều chín nhanh, màu sắc bắt mắt và giống hệt như sầu riêng chín tự nhiên. Qua tìm hiểu thì loại hóa chất mà các thương lái dùng nhuộm trái có mác “Trái Chín” được sản xuất tại TP.HCM.
Ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, nói: “Việc thương lái dùng hóa chất kích thích sầu riêng chín sớm, đồng đều là có, tuy nhiên rất khó kiểm soát. Trước mắt, UBND huyện khuyến cáo người dân không nên lạm dụng các loại hóa chất này để kích trái chín, chỉ sử dụng thuốc bảo quản cho trái cây khi vận chuyển đi xa. Sau sự việc này, huyện sẽ có những cuộc họp bàn để tìm giải pháp cụ thể hơn”.
Phát hiện nhiều mẫu trà chứa chất cấm
Ngày 21/8, Chi cục quản lý chất lượng nông sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng đã công bố kết quả phân tích các mẫu trà lấy tại các cơ sở liên quan đến vụ “Lộ diện đường dây làm trà bẩn” đã phát hiện dư lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất.
Trà chứa chất fenvalerate bị cấm sử dụng trong sản xuất nguyên liệu trà - (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Theo đó, hai mẫu trà đen lấy tại cơ sở sản xuất trà Hồng Thoại (chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Hồng, ở Đại Lào, TP Bảo Lộc) đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép so với quy định. Trên các mẫu trà lấy tại đây, cơ quan chức năng đều phát hiện những chất cấm sử dụng trong sản xuất nguyên liệu trà: fenvalerate, hexaconazol, profenofos. Những chất này dùng pha chế thuốc bảo vệ thực vật, thường được sử dụng trên cây lúa. Hai mẫu trà lấy tại cơ sở kinh doanh trà Ngọc Dung (chủ doanh nghiệp Võ Tấn Ngọc, P.Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) cũng có kết quả phân tích tương tự.
Mẫu trà lấy tại doanh nghiệp sản xuất trà Đặng Gia (P.Lộc Châu, TP Bảo Lộc) có chất fenvalerate cấm sử dụng trong sản xuất nguyên liệu trà. Các mẫu trà của Công ty cổ phần Trà Lâm Đồng đều đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng, mặc dù trước đó cơ quan chức năng xác định hai cơ sở Ngọc Dung, Hồng Thoại là nơi cung cấp hàng với số lượng lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trà Đặng Gia và Công ty cổ phần Trà Lâm Đồng.
Bài viết tổng hợp từ các nguồn: Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Phunuonline, Dân Việt
Theo Trí Thức Trẻ