Theo thông báo của Bộ Y tế đến ngày 18.4, đã có 8.521 ca sốt phát ban dạng sởi,
trong đó có 3.136 trường hợp dương tính với sởi.
Bộ không chậm trễ!
Trước tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát và lây lan nhanh, biến chứng khó lường, ngày 18.4, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra về công tác điều trị tại một số bệnh viện lớn ở hai địa điểm nóng nhất cả nước về sự phát triển của bệnh sởi ở thời điểm hiện tại là Hà Nội và TPHCM.
Theo ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế - thì những ngày qua, một số thông tin cho rằng, Bộ Y tế bưng bít thông tin, không công bố dịch, chậm trễ trong việc xử lý, điều hành để phòng, chống sự lây lan của bệnh sởi là những thông tin một chiều, thiếu cơ sở. Ông cũng khẳng định không có chuyện Bộ Y tế giấu thông tin liên quan đến bệnh sởi.
“Hằng ngày bộ vẫn cập nhật con số mắc mới và tử vong nghi do sởi và công bố với truyền thông. Và ngay từ cuối năm 2013, khi bệnh sởi bắt đầu bùng phát ở các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp ngăn chặn và khống chế thành công ổ dịch tại đây. Khi bệnh bắt đầu lây lan sang các tỉnh khác, Bộ Y tế đã lường trước được tình hình và chỉ đạo việc tiêm chủng cho 63 tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên có một số tỉnh, thành thực hiện việc tiêm phòng không nghiêm túc, khiến tình hình bùng phát dịch bệnh mạnh như hiện nay” - ông Long cho biết.
Khi được hỏi, tại sao Bộ Y tế giấu dịch, không công bố khi mà xét về quy mô, tính chất của bệnh dịch đã vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả? Thứ trưởng Long cho biết, việc Bộ Y tế đã có chỉ đạo đến từng địa phương để xem xét việc có công bố dịch hay không. Các địa phương sẽ tự cân nhắc việc có công bố dịch hay không.
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để khống chế bệnh
Nói về việc thiếu máy móc và phác đồ điều trị bệnh sởi hiện nay chưa hiệu quả, nên dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhi bị tái nhiễm lại nhiều lần và biến chứng nặng, ông Trần Minh Điển - Phó GĐ Bệnh viện Nhi T.Ư - khẳng định: Hiện nay Bệnh viện Nhi T.Ư đã được cấp thêm máy móc và đến hiện tại là đủ dùng cho các bệnh nhân.
Về phác đồ điều trị, chúng tôi đã có phác đồ từ năm 2009 và thấy vẫn hợp lý. Tuy nhiên, do bởi năm nay tình hình diễn biến bệnh khó lường, phần nhiều các cháu bé bị sởi đều dưới 9 tháng tuổi. Khi các cháu bị sởi thì dễ bị bội nhiễm (giảm sức đề kháng và sẽ dễ bị nhiễm bệnh khác) nên có con số các cháu tử vong do liên quan đến sởi cũng tăng cao”.
Trước những thắc mắc của dư luận về vấn đề lây chéo, rất nhiều bệnh nhi đến khám hoặc chữa các bệnh khác nhưng bị lây sởi và thường xảy ra biến chứng rất nặng, ông Điển cho biết: “Sởi là bệnh lây do virus và rất dễ lây lan. Trẻ dễ mắc virus khuẩn khác.
Hiện Bệnh viện Nhi T.Ư đang ghi nhận là nơi có số ca nhập viện điều trị bệnh sởi cao nhất cả nước, có thể nói nơi đây đang là “ổ dịch”. Chúng tôi khuyến cáo đến người dân cần hạn chế đưa trẻ đến viện nhi để chữa những bệnh khác trong thời điểm hiện tại nếu thấy bệnh tình của các cháu không quá nghiêm trọng, để tránh lây nhiễm nguồn bệnh”.
Về biện pháp để khống chế sự bùng phát của bệnh sởi, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long một lần nữa khẳng định: Không có bài thuốc nào đặc trị mà chỉ có tiêm phòng. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo tương lai đứa trẻ sẽ được bảo vệ sởi hoàn toàn và thế hệ sau cũng được truyền miễn dịch. Bộ Y tế đã chuẩn bị 1,5 triệu liều vaccine tiêm phòng sởi, nên sẽ không có chuyện thiếu vaccine cho trẻ tiêm phòng bệnh.
Lao động