Vị cán bộ này cũng cho biết thêm, từ trước tới nay, Lễ Quốc tang đối với cán bộ lãnh đạo của đất nước được tổ chức theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban ký ban hành ngày 17.12.2012 không có nội dung “bắn đại bác”.
Theo Nghị định 105/2012, việc tổ chức Lễ Quốc tang với những cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau khi từ trần: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Ngoài ra, Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.
Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang là 2 ngày. Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay), không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, TP HCM (nếu tổ chức ở TP.HCM).
Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng theo đội hình như sau: 2 chiến sĩ khiêng vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn, phía sau bên phải Trưởng đoàn là sĩ quan dẫn viếng, các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.
Ban Tổ chức Lễ tang tổ chức đón và xếp các đoàn đại biểu nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan, cá nhân nước ngoài khác có nguyện vọng đến viếng và ghi sổ tang.
Theo Dân Việt