Trước đó, rạng sáng ngày 2/1 tại phòng hồi sức (khu điều trị bệnh nhân nặng) bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, bà Trần Thanh Dung, bệnh nhân u não đang nằm điều trị. Thời điểm đó, em trai bà Dung (tên Khương, trú ở đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã dùng dao cắt bàn chân người chị gái.
Bà Dung bị chính em trai mình cắt chân khi đang điều trị bệnh hiểm nghèo.
Nêu quan điểm của mình về vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: Pháp luật buộc Khương phải nhận thức hành vi dùng dao tác động vào chân nạn nhân là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bà Dung nếu không được cấp cứu kịp thời.
“Tuy Khương không mong muốn tước đoạt tính mạng nhưng vẫn làm bừa (do mê tín hoặc ảo giác ma túy). Việc cứa chân bà Dung, về nguyên tắc, hậu quả đến đâu thì xử lý đến đó. Trong trường này, bà Dung bị thương tích thì Khương sẽ bị xử lý về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, luật sư Thơm cho biết.
Nếu hành động này của Khương gây tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm…
Nếu tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định như trên thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Khương vẫn thoát tội nếu chị gái không yêu cầu khởi tố. Ảnh: T.Q
Nếu CQĐT khởi tố Khương về hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 104 bộ luật hình sự thì thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo điều 105. Nghĩa là bà Dung hoặc người đại diện hợp pháp phải có đơn yêu cầu khởi tố Khương.
Những vụ án về tội phạm như trường hợp này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại (do họ là người chưa thành niên, có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất). Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút đơn trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người yêu cầu khởi tố rút đơn trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Theo zing.vn