Để hàng nghìn năm sau, bất cứ thiếu nữ nào tắm gội, vẫy vùng trên dòng suối ấy đều trở lên xinh đẹp lạ thường…
Dòng suối “được sinh ra từ váy áo Nàng Han”
Theo những câu chuyện mà người già ở Mường So (Phong Thổ, Lai Châu) thường kể cho con cháu thì Nàng Han được sinh ra trên đất Mường So, lớn lên trong một gia đình người Thái ở Chiềng Sa (nay là Mường So). Trong tâm linh của khắp xứ Thái, xứ Mường Tây Bắc, Nàng Han là biểu tượng của người con gái tài giỏi và có vẻ đẹp vẹn toàn như hoa ban buổi sớm. Vẻ đẹp ấy đã được khắc họa rằng: Người đẹp ra suối tắm, cá tìm về xem chân; Người đẹp đi lên nương, dâu, lúa tìm về xem tay; Người đẹp đi lên rừng, hoa tìm về xem mặt; Người đẹp hát trong rừng, chim ngập ngừng lắng nghe; Người đẹp bước chân xòe, trai Mường So ngây ngất…
Không chỉ có nhan sắc rực rỡ, Nàng Han còn có đôi tay khéo léo, đặc biệt là trong việc kéo sợi, thêu thùa, dệt vải. Khi giặc ngoại xâm kéo đến xâm lược Mường So, Nàng Han đã anh dũng đứng lên kêu gọi trai tráng dựng cờ giết giặc. Thắng trận trở về, nàng được nhân dân trong vùng chào đón và suy tôn là “nữ tướng”. Một đêm sáng trăng, Nàng Han trút bỏ bộ áo cóm, một trang phục của thiếu nữ Thái, để bay về trời. Bộ váy áo đó đã biến thành dòng suối Mường So mà bất cứ người con gái nào tắm ở đó thì đều có làn da đẹp tựa ban trắng trên rừng, môi đỏ như quả bồ quân… Nhờ dòng suối quý, Mường So nổi tiếng là “Miền mỹ nữ ”!
Cũng từ đó, các vị vua, chúa đất ở khắp miền Tây Bắc đều cho người đi tìm những cô gái đẹp ở Mường So mang về dinh thự để xung vào đội múa xòe. Các cô được chọn phải có làn da thật trắng, mái tóc đen nhánh, đôi chân cao thẳng, eo thắt, ngực nở và nhất là gương mặt phải đậm đà, xinh tươi như đóa hoa rừng mới nở.
Riêng các bé gái ở lứa tuổi 12-14 cũng được tuyển chọn như người ta tuyển hoa hậu bây giờ. Nhiều gia đình thấy con em mình đẹp, có khiếu nhảy múa, họ tự tiến cử cho bản, bản tiến cử lên chúa đất để có quyết định cuối cùng. Khi được gia nhập đội xòe, các em sẽ được dạy thêm không chỉ về múa, hát, mà còn là cung cách nói chuyện, mời rượu, tiếp khách chả khác gì người ta dạy cung tần, mỹ nữ trong các triều đại phong kiến xa xưa.
Ngay cả đến những năm đầu thế kỷ 20, Mường So vẫn “vang danh bốn cõi” là “miền mỹ nữ”. Không chỉ những chúa đất vùng sơn cước mà quan ta, quan Tây miền xuôi cũng luôn khao khát được một lần diện kiến nét đẹp đến mê hồn của những cô gái với điệu xòe Thái quay cuồng làm nghiêng ngả núi rừng.
Chúa đất săn lùng mỹ nữ
Trong các chúa đất vùng Tây Bắc, Đèo Văn Ơn nổi tiếng mê múa xòe và mỹ nữ. “Ông vua núi rừng” này đã cử cả đoàn gia nhân lặn lội đi dọc các bờ sông Đà, sông Mã tìm gái đẹp đem về dinh thự lập đến 3 đội xòe có đến hàng trăm thiếu nữ. Và, truyền nhân của các “cô xòe” đó chính là những thiếu nữ Thái xinh đẹp hiện nay.
Mặc dù đã về với chúa đất, nhưng những “mỹ nhân núi rừng” ấy đi đến đâu cũng có hàng đoàn trai bản bám theo. Mỗi đêm trăng tròn, khi họ ra dòng suối Mường So tắm, chúa đất phải cho cả lính theo canh gác từ xa để ngăn những ánh mắt nhìn trộm của đám đàn ông liều mạng.
Các mỹ nữ múa xòe của chúa đất Đèo Văn Ơn ngày ấy vang danh đến tận Lào Cai, Hà Nội, Trung Quốc. Những quan ta lẫn quan Tây, quan Tàu đã tìm mọi cách mua chuộc chúa đất để được một lần đưa những tuyệt sắc giai nhân miền sơn cước về xuôi để chiêm ngưỡng.
Mỗi chuyến đi như thế, có khi phải mất hàng tháng trời ròng rã trên lưng ngựa. Bởi, đường vào Mường So phải xuyên qua dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Trước khi rời khỏi “miền mỹ nữ”, đoàn người còn phải làm lễ cúng tế trời đất để mong “thượng lộ bình an”. Các mỹ nữ được cưỡi trên lưng những con ngựa to nhất, khỏe nhất đã được lựa chọn kỹ càng. Không những thế, chúa đất còn cử rất nhiều gia nhân và lính tráng đi theo, vừa để phục vụ, vừa phải giữ an toàn cho các nhan sắc trước sự nhòm ngó, tranh giành của những “ông vua núi rừng” khác. Bởi, tuy Phong Thổ vốn là “vương quốc” của Đèo Văn Ơn nhưng lúc nào vị chúa đất này cũng canh cánh một nỗi lo về sự bành trướng của một vị “vua Đèo” khác: Đèo Văn Long.
Đèo Văn Ơn vốn người Bố Chánh, Lai Châu. Khi cha Ơn bị giết, Ơn chỉ mới 14-15 tuổi. Ơn được một người họ Lý ở Mường So đem về nuôi dưỡng. Họ Lý đó vốn gốc Hoa, sang Mường So buôn bán từ thuở xa xưa, đất lành chim đậu, nên ở luôn lập nghiệp, trở thành một trong những dòng họ lớn trong vùng.
Một mỹ nhân ở Mường So.
Ơn lớn lên theo Pháp, xưng vua người Thái Mường So, nhưng không quên được mình là đứa con lưu lạc sống nhờ người dân bản địa. Và, Ơn cũng không thể quên cái chết tức tưởi của cha trong cuộc tranh giành địa vị với Đèo Văn Long. Mối thù dai dẳng, truyền kiếp đó đã ám ảnh Ơn suốt mấy chục năm liền. Kể cả khi Đèo Văn Ơn và Đèo Văn Long đã trở thành 2 thế lực riêng biệt, hai “ông vua” của miền rừng Tây Bắc mà vẫn không thôi tranh giành tầm ảnh hưởng.
Người ta kể rằng, Vua Đèo Văn Ơn có tới 12 vợ, trong đó 11 người cưới hỏi đàng hoàng. Vợ Ân, người nào cũng nhan sắc vẹn toàn. Có cô được đưa về từ Lào Cai, Yên Bái, Sơn La. Ai cũng hát hay, múa giỏi, trong đó, bà vợ thứ 5 tên Mào Thị Núi là người xinh nhất, xào xẹ, múa xoè đẹp nhất.
Bà Núi sinh ở Mường So, vùng đất đã được người Thái hát truyền: “Gái Mường So cổ cao ba ngấn, không trang điểm cũng đẹp như ai”. Người ta kể chúa đất mê nàng Núi không chỉ vì “chân nàng múa xòe dẻo dai như con nai, con hoẵng. Giọng hát nàng vút cao tựa tiếng chim rừng”, mà còn bởi nhan sắc rạng rỡ của nàng.
Ngày đó, mỗi đêm Mường So mở hội, trai tráng cách xa mấy dãy núi, mấy cánh rừng chim bay mỏi cánh cũng cưỡi ngựa lắt lẻo, rẽ rừng đạp đất tìm đến, để một lần chiêm ngưỡng nhan sắc cũng như thưởng thức tài nghệ múa xòe của nàng Núi…
“Miền mỹ nữ” ngày càng phai nhạt
Từ đó, vùng đất Mường So, nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc luôn được mệnh danh là vùng đất mỹ nhân. Nhiều người già ở Mường So cũng không thể nào lý giải do đâu mà mảnh đất này sản sinh ra nhiều người con gái đẹp đến mê mẩn lòng người như thế. Rất nhiều thiếu nữ ở đây có nước da trắng, bắp chân thon thả, thắt đáy lưng ong, mái tóc đen tuyền.
Giờ đây, khi những con đường trải nhựa rộng lớn dẫn người ta đến Mường So từ nhiều phía: Nậm Xe, Ma Lu Thàng, Sìn Hồ, Tam Đường, Bình Lư… thì đã có không ít người đã tìm đến Mường So. Họ đến đây không chỉ buôn bán, làm ăn, du lịch…, mà còn một lý do nữa luôn thôi thúc họ, đó là muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của những mỹ nữ ở thung lũng mù sương.
Thế nhưng, thung lũng Mường So huyền thoại, nơi được cho là khai sinh ra điệu xòe Thái lừng danh đã không còn như trước. Những người đẹp xưa kia từng có mặt trong đội xòe của vua Đèo phần nhiều đã gối đầu về núi cùng với tổ tiên, người hiếm hoi còn sống cũng đang hút bóng rừng sâu. Dinh thự của “ông vua núi rừng Phong Thổ” cũng đã bị phá đi, nay ở đó mọc lên Trạm y tế xã.
Trung tâm của vùng chính là xã Mường So, dải đất bằng phẳng dưới chân núi Pu Nhọ Khọ, có dòng Mường So trong vắt, mềm như dải lụa trắng, luôn đầy ắp cá tôm đã không còn nguyên vẹn. Dòng nước mát Nàng Han ban cho giờ thưa vắng, các thiếu nữ Thái không còn hồn nhiên ra đây tắm gội vào mỗi đêm trăng. Đến món cá suối Mường So ngon nổi tiếng vì xương nhỏ, thịt thơm, nướng trên than hồng, uống rượu ngô Dào San say quên trời đất, hay những con tôm trong vắt, nhỏ người nhưng thịt dai và ngọt… những đặc sản mà chính vua Thái Đèo Văn Ơn ngày xưa đã từng rất mê, giờ cũng không còn nữa.
Theo guồng quay hối hả của thời gian, cùng sự phát triển đến chóng mặt của toàn xã hội, ký ức về “Miền mỹ nữ” ngày càng phai nhạt. Giờ đây, rất khó để tìm lại những tuyệt sắc giai nhân, những xào mỗ múa dẻo, hát hay với điệu xòe từng làm nghiêng ngả núi rừng. Thế cho nên, thoảng trên mỗi gương mặt của người già nơi thung lũng Mường So, người ta thấy phảng phất một nỗi buồn không lý giải…
báo mới