12 năm tù là một bản án thích đáng cho kẻ đã ra tay tàn độc với một đứa trẻ vô tội. Thế nhưng, vết thương mà người phụ nữ trong cơn ghen mù quáng đã gây ra vẫn đeo bám dai dẳng cậu bé cho đến tận bây giờ. Không những thế, phút nóng giận ấy còn khiến cho chính con đẻ của Duân cũng phải chịu cảnh thiếu hơi ấm của mẹ.
Chị Thanh lo lắng tương lai con mình không biết sẽ như thế nào (ảnh L.N).
Gần 1500 đêm không được một giấc ngủ yên
Sau hơn 4 năm xảy ra vụ án đánh ghen kinh hoàng, chúng tôi tìm về nhà chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1969, xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên). Đã chừng ấy năm trôi qua, những người dân địa phương vẫn còn nhắc đến sự việc bằng ký ức đầy ám ảnh. Hỏi nhà chị Thanh, một người hàng xóm cho biết: "Ngôi nhà này, chị Thanh và cháu Minh đã không ở 4 năm rồi. Có lẽ, chị Thanh sợ người ta đến hại con trai nên chuyển vào ở sâu trong làng". Được sự tận tình chỉ đường của người dân địa phương, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà chị Thanh, khi buổi chiều đã muộn.
Cháu bé khôi ngô tuấn tú đang nghịch đất trước nhà là Nhật Minh, nạn nhân bị chiếc kim đâm ngập đầu hơn 4 năm về trước. Đang nói chuyện với cháu, bất ngờ một người phụ nữ chạy vụt từ ngoài vườn vào, kéo giật lấy cháu ôm gọn vào lòng. Có lẽ, sự việc năm 2009 vẫn luôn đeo đẳng trong tâm trí người mẹ này. "Các chú là ai, sao lại động vào con tôi?", chị Thanh nói với ánh mắt đỏ hoe.
Khơi lại quá khứ đau lòng, giọng chị Thanh bỗng nhiên chùng xuống. Cũng là một người mẹ, tận sâu trong đáy lòng mình, chị không trách Duân một lời. Với chị, sự việc đó đã là quá khứ. "Đời tôi nối tiếp những sai lầm. Chính vì thế, tôi mới là người đáng trách. Chỉ tiếc rằng con trai tôi phải chịu thay mẹ", chị Thanh nghẹn ngào. Nhìn đứa con thơ dại phải chịu kiếp nạn thay mình, chị đau đến quặn lòng. Trong lòng người phụ nữ bất hạnh luôn day dứt, như chính chị là người gây ra mọi chuyện khiến hàng đêm Nhật Minh lại quằn quại ôm đầu chịu đựng những cơn đau buốt. Nhiều đêm, Nhật Minh đang ngủ lại giật mình ôm vội mẹ và thét lên: "Con đau đầu lắm mẹ ơi". Nghe tiếng con kêu cứu của con, người mẹ tội nghiệp chỉ biết ôm Minh vào lòng rồi khóc.
Chị Thanh tâm sự: "Những cơn đau đầu của cháu thường xuất hiện vào sáng sớm, nhất là những lúc thời tiết giao mùa". Chứng kiến con quằn quại, chị Thanh đau như đứt từng khúc ruột. Mỗi năm, chị cũng có đưa con xuống bệnh viện khám, thuốc thang mãi cũng chẳng đỡ bệnh. Chị vạch tóc của Nhật Minh ra cho chúng tôi xem và bảo, đã hơn 4 năm trôi qua, vết kim đâm đã lành nhưng nỗi đau thì cứ âm ỉ mãi. Mấy cái răng sữa của con chị cũng hỏng hết vì dùng kháng sinh quá nhiều. Khi mẹ đang nói chuyện với khách, Nhật Minh bỗng cho tay lên đập đầu bồm bộp. Chị Thanh giải thích: "Mỗi lần thấy trong đầu đau nhói, cháu lại làm như vậy".
Nhật Minh 4 năm chưa được giấc ngủ yên (ảnh L.N).
Điều khiến chị Thanh đau đớn nhất chính là cha đẻ của Nhật Minh, người đã gây ra câu chuyện đau lòng này. Từ khi xảy ra mọi chuyện, anh ta chối bỏ trách nhiệm. "Là cha nhưng hơn 4 năm năm nay, hắn không có một lời hỏi thăm sức khoẻ Nhật Minh. Tôi còn nghe nói, mấy đứa con chị Duân dưới đó cũng khổ lắm", chị Thanh nén những tiếng thở dài.
Mãi mang tiếng con của người mẹ giết người
Cạn nước mắt, bước thấp bước cao tiễn người bạn đời về cõi vĩnh hằng, ông Đỗ Nguyên Thấu (SN 1940, quê ở thôn Giao Tác, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội, cha đẻ của Duân) tưởng rằng đó là cú sốc nặng nề nhất trước khi ông về với cát bụi. Ai ngờ, ở cái tuổi gần đất xa trời ấy, người đàn ông này phải cay đắng, bất lực nhìn tổ ấm của gia đình cô con gái đổ vỡ trong nước mắt. Chỉ vì một phút mất khôn, cô con gái cả đời cam chịu, thương chồng yêu con đã lấy kim khâu lốp đâm ngập đầu đứa trẻ vô tội. Thương con bao nhiêu, ông lại than trách người con rể đã vô tình biến vợ thành kẻ thủ ác bấy nhiêu.
Nói đến hành động tội lỗi mà Duân phải trả, ông Thấu bảo đó chỉ là hành động bột phát nhất thời. Thế nhưng, ông cũng không muốn phân bua hay mong sự cảm thông của người đời dành cho Duân. Những lúc sức khỏe tốt hơn, ông lại bắt xe lên trại số 4, Phú Sơn (Thái Nguyên) để thăm con gái. "Lần nào tôi lên, nó cũng hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu Nhật Minh. Duân đã ăn năn hối hận về những việc mình đã làm. Nó bảo hôm ấy chỉ muốn "ba mặt một lời" với chị Thanh, chứ không muốn làm tổn thương tới cháu bé. Cùng cảnh phụ nữ, Duân cũng thấu hiểu cho sự nhẹ dạ của chị Thanh. Nhưng khi bị chồng gọi điện dọa giết cùng những lời lẽ nhục mạ, nó ức quá nên mới mất hết lý trí", ông thở dài.
Nhắc đến hai đứa con của Duân, trên đôi mắt nhăn nheo, thâm quầng vì mất ngủ nhiều đêm của ông rơm rớm những giọt nước mắt. Ông Thấu cho biết, đứa lớn là Lê Văn Hiện (SN 1993), còn đứa út là Lê Văn Đợi (SN 1996). Thiếu đôi bàn tay mẹ, hai đứa trẻ phải chịu thiệt thòi nhiều. Thương cháu, thỉnh thoảng ông phải phân công các con sang nhà sang chăm sóc cho hai cháu ngoại. Trước ngày xảy ra chuyện đau lòng ấy, cả Hiện và Đợi đều học rất giỏi. Hiện tại, công việc của bố các cháu rất thất thường nên không đủ tiền trang trải cuộc sống.
Ngày mới xảy ra sự việc với mẹ, Đợi đến lớp học bị bạn bè trêu là con của kẻ giết người. Tủi thân, cậu bé chỉ biết lặng lẽ khóc một mình. Hiện cũng không thoát khỏi ánh mắt tò mò, nghi ngại của mọi người. "Nhờ sự nỗ lực, cháu Hiện đang học trường Cao đẳng ở Hà Nội, còn Đợi đã nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền tự trang trải cuộc sống cho mình", ông Thấu cho biết thêm. Ngồi bên cạnh nghe ông ngoại tâm sự nguồn cơn bi kịch gia đình, Hiện không giấu được nước mắt. "Ngày trước khi có mẹ ở nhà, mọi công việc gia đình đều do tay mẹ làm. Giờ mẹ phải trả án, tất cả công việc từ nhỏ đến lớn chúng cháu tự làm hết. Mấy việc đồng áng, gặt lúa, chăm sóc mùa màng, ông ngoại cháu sang giúp đỡ. Nhìn ông đang tuổi an dưỡng mà phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chúng cháu thấy thương ông lắm. Mong mẹ sớm ra tù để về với gia đình", em Hiện xúc động nói.
Theo lời kể của ông Thấu, từ ngày Duân đi trả án, thỉnh thoảng Hồng (chồng chị Duân - PV) vẫn tới nhà chơi. Ông Thấu tâm sự: "Hiện giờ, Hồng vẫn là trụ cột của gia đình. Thân tôi già yếu, trông chờ vào vài đồng lương hưu nên không đủ chu cấp cho các cháu. Gia đình thỉnh thoảng cũng thăm nuôi Duân ở trại, biết vậy các anh em họ hàng cho tiền để mua quà cho nó. Giờ đây, gia đình chỉ mong Duân cải tạo cho tốt, sớm được khoan hồng về với gia đình. Cũng vì tính chồng lăng nhăng khiến con gái tôi gây ra cơ sự này".
Điều khiến ông cảm thấy đau lòng nhất là mỗi khi gia đình có giỗ, Tết, hai cháu cũng ít khi đến chơi. Nhiều hôm cháu đến nhưng cũng chỉ một lúc rồi về ngay. "Chúng nó vẫn mặc cảm và tự ti lắm. Mong mọi người hãy hiểu cho những đứa trẻ vô tội. Cha mẹ chúng mới là người gây nên tội, còn chúng chỉ là là nạn nhân. Các cháu còn có tương lai phía trước nữa", ông Thấu tâm sự. Nghe câu nói đó, tôi đoán, ước muốn của ông Thấu giờ chỉ là hai đứa cháu ngoại của mình có cuộc sống ổn định, được xã hội đối xử như một người bình thường, chứ không phải nhìn với ánh mắt là con của một kẻ giết người.
Người đàn bà tàn ác
Vụ án đau lòng bắt đầu từ khi Nguyễn Minh Hồng (trú tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) chồng của Đỗ Thị Duân (SN 1974) thầu công trình xây dựng và có con riêng với Nguyễn Thị Thanh (SN 1969). Khi phát hiện ra chồng mình phản bội, để giữ gìn hạnh phúc, ngày 6/11/2009, Duân đã đến gặp chị Thanh để nói chuyện. Chị Thanh khẳng định với Duân, từ nay sẽ không quan hệ gì với Hồng nữa. Đúng lúc Duân đang bế Minh trên tay, Hồng gọi điện thoại cho vợ và không tiếc lời chửi mắng nhiếc móc. Uất ức và tủi nhục, Duân vớ ngay chiếc kim khâu dài 7cm ở trên bệ bếp đâm thẳng vào đầu cháu bé. Kết quả điều tra cho thấy, chiếc đinh đã lút sâu vào hộp sọ qua thóp trước nhưng thật thần kỳ lại không hề gây tổn hại não. Trải qua cuộc phẫu thuật phức tạp, chiếc kim khâu đã được lấy ra và cháu bé dần hồi phục và chỉ bị tổn hại sức khỏe 4% vĩnh viễn. Ngày 16/6/2010, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên mức án 12 năm tù cho tội ác mà Duân gây ra.
Theo Gia Đình & Xã Hội