"Bầu" Kiên tức Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, ở phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về nhiều tội danh: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "trốn thuế" và "kinh doanh trái phép".
Trước khi phiên xử diễn ra, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra đề nghị hoãn tòa với lý do chờ phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như kết thúc. Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch một chi nhánh của Vietinbank) là người đã chiếm đoạt tiền mà Lý Xuân Hải chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank. Trong việc này có trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải.
Cùng bị đưa ra xét xử với bầu Kiên còn có ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải bị truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến bị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Có 2 người khác bị khởi tố, truy tố bổ sung về tội "cố ý làm trái..." là ông Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch ngân hàng Á Châu - ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (cựu thành viên thường trực HĐQT của ACB). Cáo trạng vụ án từng được hoàn tất gửi đến TAND TP. Hà Nội nhưng đã bị trả lại và điều tra bổ sung thêm 2 người này.
Trước khi phiên tòa diễn ra, ông Trần Xuân Giá cho biết ông đang bị bệnh. Rất nhiều khả năng, ông sẽ vắng mặt trong phiên tòa hôm nay.
Ông Nguyễn Đức Kiên nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB), nắm giữ vai trò chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp lớn và là ông bầu bóng đá. Ông Trần Xuân Giá nguyên là Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, còn từng làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Ông Phạm Trung Cang nguyên là thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB. Ông Trịnh Kim Quang nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB.
Luật sư và các bên liên quan đang làm thủ tục vào tòa
Theo cáo trạng, từ năm 2007 đến 2013, ông Kiên đã thông qua 6 công ty do mình làm chủ tịch, kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, vàng với tổng số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng.
Năm 2009, công ty B&B của bầu Kiên kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ngân hàng ACB, thu được lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng. Lợi dụng chính sách của nhà nước về miễn thuế thu nhập cá nhân, ông Kiên đã chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp sang cho cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế khoảng 25 tỷ đồng.
Với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, ông Kiên đã chỉ đạo một số cấp dưới lập khống biên bản, quyết định bán 20 triệu cổ phần công ty Thép Hòa Phát (do ACBI sở hữu) để cung cấp cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Việc làm này nhằm tạo lòng tin để ký hợp đồng mua cổ phần của công ty ACBI, chiếm đoạt 264 tỷ đồng trong khí số cổ phiếu này công ty ACBI đang thế chấp cho ngân hàng ACB. Đây là hành vi gian dối để ông Nguyễn Đức Kiên chiếm đoạt tiền của công ty CP TNHH MTV Thép Hòa Phát.
An ninh vào tòa được thắt chặt. Cổng tòa được kiểm soát bằng máy móc
như sân bay.
Phóng viên vào tòa phải qua cửa từ kiểm tra người và máy soi đồ đạc, kim loại
Từ ngày 22/3/2010, ngân hàng ACB và ông Nguyễn Đức Kiên có chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Từ tháng 6 đến 9/2011, ông Lý Xuân Hải (tổng giám đốc ngân hàng Á Châu) đã chỉ đạo ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbanhk. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch một chi nhánh của Vietinbank) chiếm đoạt. Trách nhiệm này thuộc về ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải.
Phiên xét xử vụ đại án này dự kiến sẽ kéo dài tới 29/4. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật những thông tin mới nhất tại phiên xét xử này.
Theo Khampha.vn