Chị Cúc cho hay nỗi nhớ thương con, nỗi ân hận luôn chực chờ từng
bữa ăn, giấc ngủ.
Hai lần tự vẫn không thành
Trời tạnh nắng giúp đường đến nhà người phụ nữ tật nguyền Phan Thị Cúc (57 tuổi, thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, Bình Định) khô ráo dễ đi hơn. Chị Cúc đang ngồi thêu khăn tay, khuôn mặt vẫn còn hiển hiện nỗi buồn đau không gì bù đắp. Nhắc đến con gái bé bỏng phận mỏng, nước mắt lại trào trên khóe mi.
Người bạn đời hiện tại của chị là anh Nguyễn Văn Hiền (59 tuổi, quê Thái Bình) mang ấm chè lên mời khách rồi lặng lẽ ngồi bên vợ. Câu chuyện buồn trở về.
Ngày ấy, chị Cúc là một cô gái chân quê xinh xắn được nhiều trai làng đeo đuổi, chị dành tình cảm cho chàng trai nghèo ở thôn Hội Yên (xã Ân Thạn, huyện Hoài Ân).
Năm 1978, anh chị kết hôn, khoảng một năm sau thì sinh con gái. Những tưởng hạnh phúc như vậy là tròn đầy, nào ngờ chồng chị sớm đổ đốn bê tha, suốt ngày chỉ biết rượu chè và thường xuyên kiếm chuyện chửi bới, đánh đập vợ thậm tệ.
Một ngày giữa năm 1984, chị Cúc đi làm về thấy con mặt lấm lem bụi đất đứng khóc, trong khi chồng đi nhậu chưa về. Sau khi tắm rửa cho con, chị đi tìm chồng, gặp anh đang “ngồi đồng” quán xá với bạn, ngất ngư chén tạc chén thù. Chị giận dỗi nói chồng.
Tức giận về những lời không hay vợ nói về mình, người chồng dọa: “Tao về đánh mày chết”. Về đến nhà, anh ta quơ đòn gánh đánh chị gục tại chỗ. Sự việc được bà con hàng xóm phát hiện và đưa chị đi cấp cứu. Tuy nhiên, do bị đánh chấn thương nặng nơi vùng lưng, chị Cúc phải chuyển đến bệnh viện tuyến trên điều trị.
Ra viện, chị không thể đi lại bình thường, phải ngồi xe lăn. Sau ngày hành hung vợ, phía gia đình chồng có bồi thường một khoản tiền chi phí điều trị. Đứa con gái nhỏ được đưa về nhà ông bà nội nuôi nấng. Mẹ con chị từ đó xa nhau. Vì nhớ thương con, chị đêm ngày chỉ biết giữ tấm hình con và khóc.
Chuyện đau lòng xảy ra vào mùa xuân năm 1987. Ông Võ Văn Bưởi (71 tuổi, nguyên là Trưởng thôn Năng An, xã Ân Tín) vẫn nhớ như in:
Ngày ấy, sự kiện chị Cúc cùng con gái uống thuốc ngủ quyên sinh, sau đó nhảy giếng tìm cái chết đã gây rúng động vùng quê này. Chiều mồng 8 Tết năm 1987, con gái chị Cúc tròn tám tuổi.
Chị mua kẹo cho bạn học của con và nhờ các bạn dẫn con gái ghé nhà chị chơi. Đêm hôm đó, cô bé ngủ ngon trong vòng tay mẹ qua bao tháng ngày xa cách.
Gia đình chồng chị khi nghe các bạn học của cháu bé kể lại cũng không nỡ đêm hôm đến đưa bé về. Ngờ đâu bi kịch ập đến khi người mẹ đã chuẩn bị sẵn lượng thuốc ngủ cho mình và con gái cùng uống.
Khi được mọi người phát hiện đưa đến viện cấp cứu, bé gái đã không qua khỏi. Chị Cúc được súc rửa ruột, may mắn thoát chết. Khi hay tin con gái tử vong, ngay trong đêm, chị đã gượng bò lết ra cái giếng trong khuôn viên bệnh viện gieo mình để chết theo con.
Nhưng một số người đã phát hiện vớt chị lên. Số chị không thể chết, nên đành gắng gượng sống.
Kể lại chuyện xưa, chị rơi nước mắt, nói chính mình cũng không hiểu tại sao lại làm như vậy. Nỗi tức giận về người chồng bạo hành chị đến thân tàn ma dại cứ nung nấu không nguôi. Trong lúc u mê nhất, chị nghĩ đã nghĩ cách đưa con gái cùng mình xuống suối vàng để chồng phải ân hận.
Chị Cúc kể phải chụp đi chụp lại nhiều lần mới có tấm hình vẻ tươi cười này
khi kết hôn với người chồng sau
Bật máu môi nén tiếng khóc ân hận
“Suốt nhiều năm trời, chưa bao giờ tôi ngủ ngon giấc. Cứ nhắm mắt là gặp ác mộng. Tôi thấy con gái hiện về với ánh mắt oán hờn, thế nhưng cũng có lần cháu chỉ lặng lẽ đứng nhìn không chớp mắt.
Mỗi lần mơ như thế, tôi chỉ ước, giá trong giấc mơ con bé về hờn trách, oán giận thì có lẽ tôi sẽ thấy thanh thản hơn. Trong mơ vẫn thấy con bé ngô nghê nũng nịu vậy, tôi đau lắm!”, chị ngậm ngùi.
Buông mũi kim thêu, thiếu phụ tật nguyền buông tiếng não lòng: “Nhiều lúc nghĩ lại, tôi còn ghê sợ chính bản thân mình đã hành động dã man với đứa con máu mủ ruột rà như thế.
Mấy lần tôi định chết đi để xuống suối vàng tạ lỗi cùng con, và cũng để giải thoát cho mình khỏi những ám ảnh giày vò. Nhưng nghĩ lại tôi quyết tâm phải sống, sống để chịu tội với đời.
Mỗi khi thấy con trẻ, tôi thèm cảm giác được bế bồng, thèm cảm giác được chăm bẵm. Ông trời cho tôi thiên chức làm mẹ, nhưng chính tay tôi đã từ bỏ nó đi rồi, giờ vĩnh viễn không còn có cơ hội nào nữa”.
Từ ngày con gái mất, chị triền miên không ngủ, nằm trên giường bệnh, nén tiếng khóc đến bật cả máu môi. Có những đêm chị choàng tỉnh, mồ hôi đầm đìa, gương mặt hoảng hốt. Người thân hỏi thăm, chị chỉ nói vừa gặp con gái hiện về rồi lại ôm mặt khóc nức nở.
Ngồi lặng lẽ nghe chuyện, anh Hiền kể, anh sinh ra ở Thái Bình, sau đó theo gia đình lên Đắk Lắk lập nghiệp bằng nghề làm nương rẫy. Anh có vợ rồi nhưng vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”, đã ly hôn.
Cách đây 5 năm, chị Cúc lên Đắk Lắk dự lễ cưới người bà con, hai người tình cờ gặp nhau. Biết hoàn cảnh chị Cúc đáng thương, anh cảm thông rồi theo chị về Bình Định ra mắt cha mẹ.
Yêu nhau được một thời gian, anh chị tổ chức một đám cưới đơn sơ, anh về nhà chị ở, cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời. Hàng ngày, chị cần mẫn như con ong làm nghề thêu đan để mưu sinh và để quên đi quá khứ đau buồn.
Người chồng cũ của chị vẫn ở xã bên. Đến nhà anh Hồ Văn Tập (50 tuổi) ở hôn Hội Yên, xã Ân Thạnh, hỏi anh ai cũng biết. Giọng anh buồn hiu nhắc đến con gái tội nghiệp đã bỏ anh ra đi, càng chua xót tự trách mình, vì phút nóng giận cùng với men rượu, anh đã giáng đòn gánh vào người bạn đời khiến chị trở nên tật nguyền.
Vợ chồng đã dứt tình, chị ngày đêm sống dày vò vì quá khứ, anh cũng oán giận chính mình vì một thời mải mê rượu chè khiến con thơ lìa đời, vợ mang bạo bệnh. Ôn lại kí ức buồn để sống tốt hơn, mong những day dứt rồi sẽ hết ám ảnh.
Theo Baophapluat.vn